Chuyển tiền qua ngân hàng: Tốc độ... rùa

26/09/2006 22:29 GMT+7

Hai ngân hàng (NH) chỉ cách nhau 200m nhưng số tiền chuyển từ NH này qua NH kia phải mất cả ngày mới có trong khi từ các nước cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất chuyển tiền về mất có 10 phút. Sự chậm chạp trong chuyển tiền của hệ thống NH đang gây nhiều phiền hà người dân, gây hạn chế trong việc khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiền lòng vòng qua nhiều cửa

Độc giả Đặng Quang Chưởng phản ảnh với Thanh Niên, gia đình ông chuyển 10 triệu đồng từ Hà Tây vào TP.HCM qua NH phải mất gần 3 ngày. Một độc giả khác là bà Phan Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể gia đình bà chuyển qua NH 160 triệu đồng từ Đắk Lắk xuống cho bà ở TP.HCM cũng mất đến 2 ngày. Kế toán trưởng một doanh nghiệp (DN) cũng cho biết, tình trạng chuyển khoản thanh toán tiền thuế nhập khẩu cho các DN bị chậm thường xuyên dẫn tới nhiều trường hợp DN bị phạt do nộp thuế trễ, phát sinh tiền lưu kho...

Nguyên nhân chậm trễ do khi người dân, DN chuyển tiền từ NH này sang NH kia thì giao dịch đó phải qua hệ thống thanh toán bù trừ của NH Nhà nước. Hiện mỗi ngày chỉ có 2 phiên thanh toán bù trừ vào lúc 10h sáng và 15h. Do đó, những lệnh chuyển tiền sau 15h thì NH nhận lệnh buộc phải chờ đến 10h ngày hôm sau mới có thể chuyển lệnh đó đi. Đó là lý do khiến 2 NH chỉ cách 200m mà một lệnh chuyển tiền phải mất cả ngày mới tới. Hiện nay, bình quân một NH nhận trên 2.000 lệnh chuyển tiền/ngày, việc chỉ có 2 phiên thanh toán bù trừ mỗi ngày không đáp ứng được nhu cầu thanh toán qua NH đang ngày càng cao.

"Ốc đảo" thẻ

Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết đã có nhiều thời điểm do số lượng lệnh giao dịch qua hệ thống thanh toán bù trừ quá lớn nên xảy ra một số trục trặc đường truyền. Trong điều kiện hiện nay, các DN nên mở nhiều tài khoản ở các NH thương mại để sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến (rất nhanh) giữa các chi nhánh, phòng giao dịch của cùng một hệ thống NH.

Chuyển tiền qua thẻ ATM là phương thức được đánh giá là tiện lợi nhất hiện nay. Tuy nhiên đó là chuyển tiền giữa hai tài khoản thẻ ATM của cùng một hệ thống NH. Nếu chuyển tiền giữa hai thẻ ATM do hai NH khác nhau phát hành thì kể như thua. Thực trạng các NH không thể liên kết để sử dụng chung thẻ ATM trên máy của nhiều NH kéo dài từ lâu, mặc kệ cho sự lãng phí khi mỗi NH phải tự đầu tư rất lớn vào hệ thống thanh toán thẻ; khách hàng bị hạn chế tiện ích của thẻ...

Trước đây nhiều năm, 7 NH (gồm NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN, NH Đầu tư và Phát triển VN, NH Công thương VN, NH Thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu, NH TMCP Đông Á, NH TMCP Sài Gòn Thương tín, NH TMCP Sài Gòn Công thương) đã hùn vốn với nhau thành lập Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính quốc gia (Banknet) nhằm khắc phục hạn chế trên. Mục đích của Banknet là khách hàng có thể sử dụng thẻ trên tất cả các máy của 7 NH nói trên.

Theo dự kiến quý II năm 2005, việc kết nối giữa 7 NH tham gia Banknet là hoàn tất, nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa có kết quả. Một số NH tham gia Banknet cho biết khó khăn không nằm ở chỗ vốn hay vấn đề kỹ thuật mà là thiếu sự đồng thuận giữa các thành viên. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH TMCP Đông Á (EAB) cho rằng: "Nhiều NH tham gia nên việc tranh cãi thực hiện cũng đủ mệt. Các NH lớn thì không muốn chơi với NH nhỏ, mà NH nhỏ thì lại không muốn lớn, dựa dẫm vào NH lớn". Trong khi Banknet chưa đi vào hoạt động, các NH đã tự liên kết với nhau tạo ra 3 liên minh thẻ gồm NH Ngoại thương VN và 17 NH khác; liên minh giữa EAB và 4 NH TMCP; liên minh ANZ và NH TMCP Sài Gòn Thương tín.

NH Nhà nước VN trong nhiều năm qua đã kiên trì thực hiện chủ trương khuyến khích người dân hạn chế dùng tiền mặt, tăng cường thanh toán qua hệ thống NH. Tuy nhiên với những nhược điểm nêu trên, chủ trương đó sẽ còn mất rất nhiều thời gian mới có thể đạt kết quả.

Sự thiếu liên kết trong thanh toán thẻ giữa các NH đang làm hạn chế rất nhiều ưu điểm của thẻ ATM. Ảnh: D.Đ.Minh

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.