Một vài góp ý về việc xuất khẩu hàng trang trí nội thất

01/02/2004 12:03 GMT+7

Tôi không phải là một chuyên gia về lĩnh vực kinh tế, cũng không phải là một nhà xuất khẩu đồ gỗ. Tôi đã đọc mẫu tin về các nhà xuất khẩu đồ gỗ của Đà Nẵng đang tìm cách làm tăng thêm lượng hàng xuất khẩu. Nhân đây tôi xin góp vài ý kiến về vấn đề trên.

Tôi đã có dịp may được đi và sống thực tế tại châu u và Hoa Kỳ, tôi cũng đã tìm hiểu về ngành đồ gỗ của cả hai nơi. Thật ra hiện nay ngành đồ gỗ của chúng ta chỉ ở giai đoạn gia công cho một số công ty lớn có thực lực hoặc xuất hàng thủ công mỹ nghệ đòi hỏi ở trình độ khéo tay. Nếu chúng ta muốn thật sự là một nhà cung cấp thì theo tôi các bạn nên nhìn lại những vấn đề sau đây.

1. Hàng năm có rất nhiều hội chợ hàng nội thất trên thế giới. Nếu các bạn muốn xuất sang thị trường nào thì nên chọn những nơi đó để tham quan về mẫu mã cũng như tìm hiểu về cung cách làm ăn cũng như gặp gỡ những nhà bán lẻ. Tôi xin lưu ý ở điểm này rằng thường hàng trưng bày ở hội chợ là những sản phẩm mới hoặc những sản phẩm rất thông thường. Những mặt hàng chiến lược của họ thường không được trưng bày. Cũng như những mặt hàng thời trang trên sàn diễn thì thường không ai mặc ở đời thường cả. Bởi thế các bạn nên tìm hiểu sâu hơn tại các showroom của các nhà bán lẻ để hiểu về các mặt hàng thật sự được tiêu thụ.

2. Có lần tôi đã nói chuyện với một nhà cung cấp người Đài Loan. Tôi hỏi anh ta rằng hiện giờ có một nhà cung cấp đồ gỗ nào của Việt Nam ở trên vùng California chưa, anh ta liền cho biết rằng các nhà sản xuất của Việt Nam chưa làm được những linh kiện nhỏ nhất thí dụ như tay nắm hoặc bản lề... thì không thể là nhà cung cấp được họ chỉ ở giai đoạn gia công. Anh ta cho biết thêm mặc dù chúng ta có thể nhìn và bắt chước hoặc tạo nên những sản phẩm gần giống với sản phẩm của các nước khác nhưng nhìn kỹ thì chúng ta có những lỗi thường rất nhỏ thí dụ như là khi đóng cửa, hai cách cửa không đều nhau và đó là những chuyện mà người Mỹ không chấp nhận được.

3. Chúng ta thường không chú ý lắm về mặt bao bì cũng như cách đóng những sản phẩm của chúng ta. Năm vừa rồi có một nhà bán lẻ ở tại California nhập một số hàng sang bán thử nhưng khi nhận hàng thì đã bị gãy hoặc vỡ kiếng. Hơn nữa khi người mua hàng nhận món hàng họ cũng rất nghi ngờ và muốn được kiểm tra bên trong. Chúng ta phải làm sao đóng những mặt hàng đồ gỗ được như là các hàng điện tử ở Việt Nam đã làm được thì mới có cơ hội bán hàng sang Mỹ hoặc châu u được.

4. Trước đây trên thị trường chúng ta đã có xuất hiện một số mặt hàng lắp ráp của nước ngoài nhưng phải lắp ráp rất nhiều. Tại Mỹ cũng có các mặt hàng đó nhưng chỉ là bán tại chợ rất là rẻ, theo tôi nghĩ chúng ta không thể nào bán cho các chợ bán lẻ được bởi vì tại nơi đó giá thành rất hạ. Ở những cửa hàng bán lẻ họ bán đồ cao cấp hơn và mắc tiền hơn thí dụ như một cái bàn văn phòng tại chợ chỉ khoảng 70 USD nhưng tại các cửa hàng bán lẻ vào khoảng 300 - 400 USD. Nhưng người Mỹ họ vẫn mua hàng ở các cửa hàng bán lẻ rất nhiều bởi vì họ tin tưởng vào chất lượng và sự phục vụ sau khi bán của các cửa hàng.

Không ai có thể phủ nhận giá nhân công tại Mỹ rất cao vì thế nếu chúng ta bán những sản phẩm chất lượng nhưng lại phải tốn công để lắp ráp thì họ cũng sẽ không mua. Hơn thế nữa những người lắp ráp hoàn chỉnh các sản phẩm tại Mỹ dù có bản đồ hướng dẫn nhưng cũng không thể lắp ráp sản phẩm được như người đã làm ra nó. Vì thế chúng ta nên làm nên sản phẩm càng ít lắp ráp càng tốt. Chúng ta nên có một bộ phận chuyên nghiên cứu làm thế nào để lắp ráp ít tốn công nhưng lại ít choáng chỗ khi cho vào container.

Trên là một vài ý kiến của tôi nhân đọc bài báo trên. Là một người Việt Nam tôi cũng có một mong ước là ngày nào đó các sản phẩm đồ gỗ của ta sẽ được như nước bạn. Và tôi xin lưu ý thêm là sản phẩm đồ gỗ bán ở Mỹ được tiêu thụ rất nhiều. Tại miền Tây của nước Mỹ là nơi tiêu thụ nhiều đồ gỗ bởi vì nơi đây đời sống cao và người công nhân có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Tại đây đất rộng nên tỉ lệ nhà riêng cao hơn vùng miền Đông nước Mỹ. Và vì có nhà riêng nên họ sẽ mua đồ gỗ nhiều hơn nơi khác.

Cũng là vấn đề này đối với châu u nơi mà đa số người dân sống tại các chung cư và tỉ lệ nhà riêng rất thấp. Ở châu u họ tôn trọng những giá trị lịch sử do đó những sản phẩm gỗ có vẻ cổ kính hoặc làm từ các vật liệu đơn giản hoặc của thiên nhiên sẽ được chú trọng rất nhiều. Những hãng đồ gỗ lớn của thế giới thường có gốc từ Mỹ qua đó chúng ta có thể nhận thấy rằng thị trường châu u không phải là món mồi ngon cho thị trường đồ gỗ. Cuối cùng tôi xin lưu ý một điều rất thú vị rằng không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhà kho của các hàng đồ gỗ đều có mặt tại vùng Oakland của Bắc California. Nơi đây ngành đồ gỗ rất phát triển. Và tại vùng Bắc California này có tới 75% các cửa hàng bán lẻ chủ là người Việt. Đây cũng là một lợi thế với chúng ta ở thị trường này.

Như nói ở đầu bài tôi chỉ là một người rất bình thường vì thế nếu các bạn thấy có những điều sai xót hoặc góp ý xin email cho tôi tại địa chỉ chinh980520@yahoo.com. Xin chân thành cám ơn

Lê Trần
chinh980520@yahoo.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.