Trao đổi cùng em học sinh "đáng bị đánh đòn"

12/11/2006 23:15 GMT+7

(Nhân đọc bài Tâm sự của một học sinh đáng bị đánh đòn) Học sinh còn dũng cảm nhận “tội”, người lớn phải làm gì ? Trước hết, tôi nhận thấy "học sinh đáng bị đánh đòn" này rất đáng được tuyên dương, bởi em đã phản ánh rõ tâm trạng của học sinh cuối cấp. Đó đều là những lời "nói thẳng, nói thật".

Rõ ràng, tâm sự này đã bị giấu kín từ rất lâu rồi, nó chỉ được công bố khi giáo dục vừa tiến hành "cải cách" rất nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Quan trọng là cái sự học "chán nản" của học trò thời buổi này được bộc lộ chính từ người trong cuộc thì quả là có ý nghĩa hơn bao giờ hết - "ai ai trông cũng rệu rã, bơ phờ" rồi thì "ai cũng nhăn nhó, rên rỉ và ca cẩm". Thậm chí, chính tác giả còn "ai oán rền rĩ cả đất trời"!

Nhưng đó không phải là chủ ý của người "ai oán rền rĩ". Em học sinh này chỉ muốn tự trách bản thân về cái lỗi "trách người mà không trách ta", trách chính mình vì sao không tự sửa đổi bản thân mà lúc nào cũng "hèn nhát đùn đẩy tất cả lỗi lầm và sai trái cho hệ thống giáo dục, cho chính sách, thầy cô, cho áp lực xã hội...! Thật đáng "chém đầu"!".

Một em học sinh lớp 12 đã dũng cảm nhận "cái tội" rất lớn cho mình, thì người lớn chúng ta phải nghĩ gì?

 Vũ Chí Nhân
(Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM)

Xin lỗi các em, nhưng biết làm sao !

Em "đáng bị đánh đòn" yêu quý,

Tôi là một gia sư cũng đang "kèm cặp" một vài em học trung học phổ thông. Vì là một gia sư nên tôi phải cố hết sức để học trò mình có được điểm cao, phần vì trách nhiệm, phần vì tiền lương và cũng vì không biết chính xác họ sẽ "ra đề" kiểu gì và những phần nào ở trong chương trình học. Khi tôi tới nhà em - dĩ nhiên là sau khi em ở trường về - thì em đã kiệt quệ lắm rồi. Nhưng mà cho dù em có kiệt quệ, có nhăn nhó thế nào đi nữa thì tôi vẫn phải nhồi em cho ra trò ra trống. chứ không nếu để em bị điểm thấp thì tôi làm sao ăn nói với cha mẹ em, thì làm sao còn có ai dám mời tôi dạy kèm nữa .

Tôi có cái cảm giác đau đớn như là người cha người mẹ đứng nhìn con mình bị đánh đập nhưng không thể làm được gì để giúp đỡ cho con mình. Tôi cứ như là một người mẹ thời cổ ép con mình bó chân cho nhỏ theo phong trào, cho dù con tôi có bị thương đến chảy máu, cho dù con tôi có đau đớn, rên la thế nào thì tôi vẫn phải nghiến chặt răng, nuốt lệ vào lòng để chỉ nói được với con mình là "hãy cố gắng lên con!".

Tôi xin lỗi em vì đã làm em khốn khổ như vậy nhưng tôi có thể nào làm khác được !

Thu Sương
(thusuong…2@yahoo.com)

Học sinh đang “học” như thế đó !

Đọc bài viết của bạn "học sinh đáng bị đánh đòn", em rất đồng cảm với cách suy nghĩ về việc "học" của chúng em hiện nay. Bây giờ em cũng hiểu rõ nỗi "tất bật" khi hằâng ngày phải chạy sô cùng lúc nhiều môn. Việc học tưởng chừng như quá tải đối với chúng em vì quá nhiều áp lực.

Và đồng cảm với con em mình, các bậc phụ huynh cũng lên án chương trình học mà không hề nhận thức được lý do vì sao con mình quá tải. Chính chúng em đang tự tạo cho mình một sức ép tâm lý. Chúng em nghĩ rằng chương trình học chính khóa hằng ngày không đủ cung cấp kiến thức, không đủ "trình độ" để giúp chúng em vượt qua kỳ thi đại học.

Chúng em luôn nghĩ cần phải đi học thêm thật nhiều, càng nhiều càng "hiểu biết", càng học giỏi hơn, mà không biết là chính mình đang gây sức ép cho bản thân. Quan niệm đó thật sai lầm mà bằng chứng là chúng em thường xuyên rơi vào mệt mỏi đến cao độ. Trong suy nghĩ của chúng em thường là đợi đến lúc học thêm mới mang chỗ nào chưa hiểu ra hỏi chứ không tự mình suy nghĩ. Chỉ đơn thuần là đợi thầy giảng xong chép vào, xem như mình đã "hiểu". Đó là tính ỷ lại, mà chúng em không bao giờ nhận ra, chỉ oán trách tại sao chương trình nặng thế, thầy cô giảng khó hiểu thế!

Chúng em đến lớp học thêm sau giờ chính khóa đã mệt phờ người, về nhà lại "vật lộn" với các môn xã hội, đêm nào cũng thức đến tận 2-3 giờ sáng. Học thêm không phải là xấu, nhưng nó chỉ tốt khi chúng ta biết tự lượng sức mình, tự bản thân biết cách học làm sao cho phù hợp.  Em nghĩ, mỗi học sinh cần phải "tự thân vận động", trước hết từ việc "học" cách sắp xếp thời gian một cách hợp lý và suy nghĩ theo chiều hướng tích cực để không rơi vào trạng thái "rơi tự do" trong khoảng không kiến thức mênh mông, vô tận mà không phải ngày một ngày hai đã có thể tiếp nhận được.

Đỗ Phan Như Nguyệt
(333/42 Lý Thái Tổ, P.9, Q.10, TP.HCM)

Chúng ta phải cố gắng học gấp đôi gấp ba...

Trước hết xin cảm ơn bạn, vì bạn đã nói lên những suy nghĩ mà hầu hết lứa tuổi chúng ta đều đang quan tâm. Mình cũng là học sinh lớp 12 như bạn, hiểu và cảm nhận được những gì bạn đã gửi gắm trên trang báo, mình cũng có ý kiến mong được chia sẻ với bạn.

Theo riêng mình, chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT)  hiện nay, điển hình nhất thể hiện ở trình độ PTTH như chúng ta, đều có những ưu và nhược rõ ràng. Nước ta còn rất nghèo do hậu quả của chiến tranh. Một đất nước muốn giàu mạnh, thì người dân phải có kiến thức và trình độ. Để đạt được điều đó, Bộ GD-ĐT của nước ta phải có trách nhiệm biên soạn chương trình sao cho phù hợp với trình độ chung nhưng cũng đáp ứng được những yêu cầu cần phải đề ra để nước ta "sánh vai được với các cường quốc năm châu". Mình cho rằng các vị không cân bằng được 2 yếu tố trên. Và hệ quả là chúng ta có chương trình như hiện nay. Liên tục cải cách, lượng kiến thức khổng lồ về mọi phương diện. 

Khi mình đưa bài viết của bạn cho bạn mình, bạn ấy bảo rằng: "Viết, phản ánh cho lắm vào, nhưng có làm được gì đâu. Dưới kêu mà trên không nghe thì học sinh như chúng ta khổ vẫn hoàn khổ. Cứ làm theo cái gì họ muốn cho vừa lòng họ đi". Suy nghĩ này không chỉ của riêng người bạn mình, mà hầu hết học sinh chúng ta. Vì thế, mình rất khâm phục bạn, bạn đã nói lên được suy nghĩ của bạn. Mình cũng như bạn, hằng ngày phải đương đầu với hàng đống bài tập, mệt mỏi và chán chường vô cùng. Nhưng đó là con đường duy nhất mà mình, bạn và tất cả thế hệ trẻ phải đi, vì một đất nước giàu mạnh phía trước phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta thỏa mãn nhu cầu cá nhân hiện tại mà đánh mất tương lai, điều này rất nguy hiểm. Dù muốn dù không chúng ta cũng phải học, vậy hãy học một cách say mê!

Hy vọng một ngày sẽ gặp được bạn.

Võ Nguyễn Kim Ngân
(Lớp 12C4 Trường PTTH   Lý Tự Trọng - Nha Trang - Khánh Hòa)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.