Truyện ngắn: Dòng sông buồn

01/11/2008 18:17 GMT+7

Nghe đọc truyện Khi tôi đến Huế lần đầu tiên để vào đại học, đó là một chiều mưa. Xe dừng ở bến Nguyễn Hoàng, một bến xe nhỏ - giống như dáng vẻ thu hẹp của Huế, chật chội và tất tả với rất nhiều gương mặt lặng lẽ đầy âu lo. Tôi đã gần như không còn thở nữa khi lần đầu tiên nhìn thấy dòng sông Hương.

Những bụi mưa trắng xóa như ghen tị cứ từng đợt, từng đợt muốn phủ lấp đi nét đẹp khó diễn tả của nó. Từ nơi sâu thẳm của ngỡ ngàng, tôi mơ hồ cảm thấy Huế quả là nơi thích hợp cho ba lớp người: đến để học hành, để về hưu và để day dứt với những nỗi buồn... "Thật may mắn khi tôi thuộc vào loại người thứ nhất". Đúng vào lúc tôi sắp sửa mỉm cười vì ý nghĩ của mình thì tôi nghe thấy tiếng thì thầm của dòng sông rằng tôi "sẽ là kẻ đáng thương nhất của lớp người đến sau cùng". Tôi đã rùng mình bởi tiếng thầm thì ma quái đó của định mệnh hay là tại cái giá buốt của một chiều mưa? Chưa bao giờ tôi có đủ câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên khi đến Huế. Nhưng có một điều tôi biết chắc là kể từ ngày ấy, bao giờ tôi cũng thấy sông Hương chỉ đẹp khi tôi buồn. Tôi là kẻ bất công và tàn nhẫn trước sự lặng im của một dòng sông?

Những cái bắt đầu của cuộc đời sinh viên là những điều không thể dễ quên. Dù đó là một buổi lên giảng đường hay trên đường đến quán cơm bụi, tôi đều như đi trong mơ. Có lẽ ngực tôi đã bắt đầu lớn hơn từ dạo ấy vì tôi cứ luôn ưỡn căng nó lên cho những làn gió kiêu hãnh đỡ phải cảm thấy chật chội. "Mình là sinh viên. Mình chẳng có gì để mất, chẳng có gì để cho, nhưng tại sao ai cũng nhìn mình bằng ánh mắt trân trọng và nhiều ghen tị đến như thế?". Đời trong veo trong mắt tôi. Đời lảng tránh nỗi buồn của định mệnh lẩn quất sau lưng tôi.

Rồi đến một ngày tôi gặp thầy. Tôi còn nhớ rõ đó là buổi học cuối cùng trong tuần lễ đầu tiên của đời sinh viên - một chiều thứ bảy. Chúng tôi gần như đã bị mê hoặc bởi bài giảng "Những bản sắc của nền văn hóa Việt Nam". Nhất là khi thầy phân tích cái tuyệt vời của câu hát "thương con đò cắm con sào đứng đợi" thì hình như mắt tôi đã có một làn sương bay thoảng qua. Lúc ấy, từ vô thức tôi đã buộc tôi nhìn thầy đăm đăm và ước ao mình sẽ là con đò nhỏ cắm đợi trên dòng sông mà tôi linh cảm đã nhiều lắm những gian truân trong cuộc đời thầy. Tôi không hiểu rằng, "cả cuộc đời... trên trang sách mới" đầy quyến rũ đó lại là bi kịch của đời tôi.

Tôi bắt đầu tìm biết cuộc đời và kiến thức theo cách nói và tư duy của thầy. Vì phải thi đến lần thứ ba mới đậu nên khi vào đại học tôi đã khá lớn tuổi. Trong lớp tôi luôn tự cho mình là chị cả - được quyền phán xét mọi vấn đề; kể cả điều tôi chưa biết, hoặc biết không rõ ràng! Vì vậy, tôi đã giải thích cho chúng bạn những thắc mắc về bài giảng của thầy. Khi có đứa hỏi như thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam, tôi nói rằng hãy đi tìm trong ca dao, tục ngữ may ra sẽ thấy có gì đó nét riêng của nền văn hóa Việt. Chúng nó hỏi về nền triết học của dân tộc thì tôi dẫn giải là phải tìm ý nghĩa sâu sắc ở những điều nông cạn, thiển cận và cơ hội, chẳng hạn như "bán chị em xa, mua láng giềng gần"; "muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy"... Gặp đứa tai quái mà hình như lại thông minh hơn tôi hỏi vặn: "Người Việt thích bán hay mua nhiều hơn?" thì tôi trả lời bừa: "Người ta có thể bán tất cả, nhưng chẳng ai có thể mua được hai thứ, đó là tình yêu và tri thức". Tôi đã cười thầm vì lượng thông tin áp đặt hết sức nhạt nhẽo của tôi đã làm cho kẻ nanh nọc kia bối rối. Trước khi nhún vai bỏ đi, tôi còn giáng thêm một câu: "Đó là quan điểm của thầy Trần Mạnh". Hình như tôi đã nhắc đến tên thầy bằng một giọng hơi run rẩy.

Thế hệ sinh viên "đầu tiên trong thế kỷ 21" của chúng tôi phần lớn được sinh ra trong những gia đình mà đời sống kinh tế chẳng lấy gì làm khá giả. Thế nhưng những nhu cầu mà cuộc sống và môi trường mới đòi hỏi thì lại là những tiêu chuẩn hiện đại nhất của nền văn minh u Mỹ. Quần jeans và áo pull lửng luôn chơi trò đuổi bắt với các loại dầu gội, sữa tắm... nhanh chóng tẩy sạch mọi dấu tích của ruộng đồng, kể cả vết bùn thâm đen trên từng kẽ móng chân. Tất nhiên đó là kết quả của những cuộc tình với nhân viên hải quan, cảnh sát giao thông hay một cán bộ viện kiểm sát nào đó... Không cần nhiều lắm trí tưởng tượng cũng biết được đoạn kết đầy lãng mạn của những mối tình thật hoàn hảo của quá trình trao đổi chất. Có thể rất nhiều người sẽ trách tôi vội vã vứt đi thật nhanh sự thơ ngây của mình trong vũng bùn đầy quyến rũ của chủ nghĩa thực dụng. Nhưng chắc chắn họ sẽ nghĩ khác nếu nhìn thấy cảnh tôi đã khổ sở như thế nào khi cố giấu giếm những chiếc quần lót rách lúc phơi quần áo trên chiếc dây phơi ở cư xá sinh viên. Họ làm sao hiểu nổi nỗi đau âm thầm của một thiếu nữ khi phải mặc đồ lót bị rách? Sự dối trá và những cái nhìn rụt rè, thiếu tôn trọng cả chính mình, đó là điều không phải ai cũng dễ dàng hiểu được. Đã không ít lần tôi tập nhìn và hiểu đời qua lăng kính khúc xạ của bong bóng xà phòng Lux. Đấy là những tia sáng có hương thơm của sự tự tin, những lấp lánh của đam mê không dễ chối từ.

Những ngày đầu tiên tuyệt vời của đời sinh viên rồi cũng nhanh chóng qua đi. Kể cả cơn say ngất ngư vì thi đỗ cũng biến mất. Đến một lần tôi chợt nhận ra rằng, chỉ còn lại trong tôi là sự khắc khoải chờ đến giờ học của thầy. Trường đại học trong con mắt của tôi thật là tuyệt vời qua những bài giảng của thầy. Tất nhiên cũng không ít lần trong các buổi học khác tôi đã nghĩ về điều ngược lại. Tôi đã sai khi cho điểm thật tốt về thầy? Hình như tôi không sai.

Tôi và thầy đã đến với nhau bằng sự sai lầm của chính tôi. Lần đó tôi bị ốm. Những mệt mỏi, cô đơn và cả nỗi buồn vì bị đau đúng lúc hết tiền đã làm tôi chán nản đến mức quên cả việc viết giấy xin phép. Tụi bạn báo cho tôi biết tôi sẽ không được thi môn học của thầy vì đã nghỉ quá 20% số giờ cho phép.

Không được thi có nghĩa là phải học lại, phải nộp tiền và chắc chắn là sẽ chẳng bao giờ có học bổng. Tôi nghĩ đến mẹ - người luôn đặt niềm tin thật thiên vị vào tôi, mẹ chẳng bao giờ chịu hiểu con gái mẹ đã hư hỏng đến mức nào. Rồi tôi nghĩ đến ánh mắt của cái Nhụ, hẳn nó sẽ chớp chớp cặp lông mi ngắn tủn, giả bộ buồn rầu, chia sẻ sự "thông cảm" với tôi bằng nhịp đập gấp gáp của trái tim luôn đố kỵ và đầy ganh ghét của nó... Rất nhiều ý nghĩ dồn tới, buộc tôi đến với thầy.

Tôi gọi điện và đúng như tôi nghĩ, được nghe một giọng nói gắt gỏng hơi thái quá của thầy. Thầy có hiểu là tôi đã đau khổ vô cùng khi phải gọi điện cho thầy hay không? Tôi đã cố tình xúc phạm đến danh dự của mình hay từ vô thức, việc phải thi lại chỉ là cái cớ cần thiết để tôi có thể gặp thầy? Bản năng đã mách bảo với tôi rằng, dù sao thì định mệnh đã lên tiếng nếu thầy đồng ý cho tôi một cuộc hẹn. Qua giọng nói căng thẳng của thầy, tôi nghĩ rằng dường như tôi đã là người quyết định cho giờ khắc không dễ để quên ấy. Tôi đã phải ấp úng một lúc rồi mới có thể hỏi thầy gặp được ở đâu. Thầy cho tôi tự chọn địa điểm. Lần đầu tiên tôi nhận một sự cho phép mà lòng chẳng hề vui. Đầu óc tôi rối mù khi cố nhớ đến một chỗ nào đó khả dĩ. Đó phải là nơi không nhiều người quá, không tối mà cũng chẳng sáng quá, lại phải thuận tiện nữa - dĩ nhiên là cho cả hai. Bất chợt tôi nghĩ rất nhanh "Dường như thầy cũng muốn gặp tôi, thậm chí còn nhiều hơn tôi nữa. Giọng nói căng thẳng thực ra là cố ý che giấu một điều gì đó". Sự linh cảm quả đúng là một niềm tin có vô khối những sai lầm.

Ngày được gặp thầy, tôi như một kẻ mất hồn. Tôi cứ hết ra lại vào để chọn áo quần. Nhiều năm đã trôi qua kể từ hôm ấy, nhưng mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn cứ tự giễu mình vì thực ra tôi chỉ có... ba bộ quần áo! Có nghĩa là tôi chỉ có quyền chọn một trong hai bộ còn lại. Tôi đã đến chỗ hẹn thật đúng giờ. Chắc ai cũng hiểu sự đúng giờ đó là hơi sớm một chút.

Thầy đã chủ động nói ngay khi chúng tôi vừa ngồi xuống:

- Em cần gặp tôi có việc gì?

Tôi nhìn thẳng vào mắt thầy. Tại sao tôi đã không hề bối rối một chút nào cả? Sau này cái Lan bạn tôi giải thích: "Chính tình yêu đã làm cho người con gái trở nên bạo dạn hơn, còn con trai thì ngược lại". Nếu đúng thế thì thầy chẳng yêu tôi? Tôi ấp úng:

- Thầy cho phép em được xin lỗi vì đã nghỉ học hơi nhiều.

Thầy nhìn ly cà phê:
- Con người thường xuyên sai lầm bởi vì họ biết cách xin lỗi thật dễ dàng.
Sao thầy nỡ tàn nhẫn đến thế với tôi? Tôi đã phải cố nuốt thật nhanh giọt nước mắt đang chực trào ra:

- Nhà em có việc và sau đó thì em bị đau. Em đau suốt một tuần.

- Em có biết trong cuộc đời, loại lời nói nào là "hay" nhất không? Đó chính là khi con người giải thích lỗi lầm của mình bằng những âm thanh không hề vấp váp một chút nào.

Tôi bật khóc. Những giọt nước mắt cứ thi nhau rơi. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Nỗi đắng cay vì bị xúc phạm, vì thầy đã cho rằng tôi nói dối và có lẽ nhiều nhất là bởi tự trái tim mình, tôi không thể tin người mà tôi rất đỗi quý trọng, yêu thương lại có thể độc ác đến nhường ấy... Thế rồi, lòng kiêu hãnh đã cho tôi sức mạnh để chấm dứt sự xấu hổ ủ ê vừa xảy ra. Lúc tôi ngừng khóc cũng chính là lúc tôi nhận ra rằng thầy đã im lặng từ nãy giờ. Làm sao tôi có thể yêu một người như thế? Tôi nhìn lên và thấy ánh mắt thầy đang nhìn tôi. Đó là cái nhìn của cha tôi trước đây, của mẹ mỗi ngày và của ai đó mà tôi đã từng mơ trong những giấc mơ. Hình như tôi đã gặp người đàn ông mà mình mong ước.
Thầy đặt tay lên tay tôi. Tôi cảm nhận rất rõ hơi ấm mãnh liệt của người đàn ông mà từ giờ phút ấy, đã không còn là thầy của tôi nữa. Đó sẽ phải là người ấy của tôi. Tôi nghe thấy tiếng thầy nói từ phía trái tim mình:

- Tôi yêu em mặc dù tôi chẳng hề có quyền đó. Tôi đã có gia đình. Giữa tôi và em là cái gánh nặng khủng khiếp của thời gian, là khoảng cách còn ghê gớm hơn thế của môi trường đặc biệt chúng ta đang sống. Chẳng bao giờ tôi và em là của nhau, bởi tôi không muốn hai đứa con của mình phải chết ngạt trong bầu không khí mà bố dượng của chúng sẽ tạo ra. Tôi cũng không muốn thấy em phải hy sinh quá nhiều cho tôi. Làm sao tôi lại bắt người mình tôn thờ, yêu quý phải chịu những đau khổ do chính tôi gây ra? Tôi đã quá sai lầm khi để xảy ra chuyện này. Rất nhiều lần tôi đứng từ xa nhìn em để mà cố lý giải vì sao tôi lại yêu em; vì sao tôi chẳng thể quên em. Vì sao tôi cứ cố đưa con thuyền mục nát của đời mình ra giữa biển khơi trẻ trung và mênh mông đến nhường ấy? Cơn bão của đời có thể xé nát cả lòng biển sâu huống gì là một con đò nhỏ bắt đầu ra đi từ một dòng sông trĩu nặng muộn phiền, một con đò không hề có bến đợi? Tôi đã ước ao rất nhiều lần về một buổi như hôm nay. Nhưng bây giờ tôi lại sợ vì nó đã đến. Tôi thương em, nhưng em hãy tha thứ cho tôi. Tôi không hề xứng đáng dầu chỉ một chút tình yêu mà tôi biết là em có, cho tôi...

Thầy nói rất nhiều. Những gì sau đó tôi không muốn nghe nữa. Thầy đang tính toán giùm tôi những bài toán rắc rối của cuộc đời. Tôi biết đời thầy có rất nhiều những sai lầm, mà sai lầm lớn nhất là đã cưới vợ rồi  ly dị sáu tháng sau đó. Vậy mà tôi đã muốn đem trái tim bé nhỏ của tôi làm chiếc cầu đưa thầy ra khỏi ốc đảo mù khơi của sự cô độc. Thế nhưng, một khi thầy đã toan tính cẩn thận mọi điều thì chính tôi mới là người không còn gì để nói.

- Em cho rằng tình yêu có thể san bằng mọi khoảng cách. Thầy có thấy Trịnh Công Sơn đã để "cây cơm nguội vàng" nằm kề bên "cây bàng lá đỏ" mà thực ra chúng đứng bên nhau?

 Thầy cười rồi nói với tôi rằng:

- Em đang có sự nhầm lẫn tuyệt vời. Đứng hay nằm thì có khác gì nhiều đâu. Cái quan trọng là chúng chẳng bao giờ được có trong nhau.

Tôi hơi rùng mình khi thấy thầy đã cười lúc giảng giải về tình yêu. Hình như thầy không nhìn thấy sự thiêng liêng mà tôi nghĩ là nếu không có nó, tình yêu chỉ là trò đùa ngu ngốc của số phận. Trái tim tôi đang nằm dưới lưỡi dao của cái gọi là, hoặc gần giống như là một cuộc phẫu thuật về tâm hồn, của thầy. Có lẽ tôi không đáng bị như thế.

Một lần nữa, tôi đã cố nuốt nước mắt khi nói:

- Em sẵn sàng đổi tất cả mọi điều chỉ vì tình yêu. Em chẳng cần hôn nhân, chẳng cần nghĩ rằng ngày mai sẽ thực là quan trọng. Thầy có hiểu không?

- Tôi không thích ở gần với một người không muốn nghĩ đến ngày mai. Em có biết hàng tỉ sinh mạng đã và sẽ qua đi chỉ để cố mà hiểu về nó?

Tại sao những người lớn, những người già thích lý giải về cuộc đời cụ thể đến thế? Họ đã trải qua bao nhiêu triệu lần hoang tưởng rồi mới có thể biết cách để giãi bày? Bây giờ thì tôi tin chắc rằng thầy đã vấp ngã trong trái tim tôi.

Tôi còn nhớ lúc chia tay, thầy cứ nhìn đăm đăm vào khoảng tối mịt mù của phía bên kia ngọn đèn, nơi xa lắm của dòng sông Hương. Tôi đã hoàn toàn không bất ngờ khi ba ngày sau tôi nhận được một lá thư. Tôi biết đó là thư của thầy dù không đề tên người gửi. Trong thư là vỏn vẹn bốn câu thơ:

"Có thể em không tin đã có những ngày,
Tình yêu em cho tôi những lạc lầm, trẻ dại.
Vụng về trao - cho, vụng về đứng đợi;
Vụng về tin và, vụng về mê say...".

Thầy đúng là thầy, bởi thầy biết rõ điều sai của mình. Thầy không dám nhận điều tôi có thể trao - cho. Còn hơn thế khi thầy biết cách làm cho tôi tin cả vào điều không thể. Thầy không muốn đón nhận tình yêu của tôi vì thầy là người biết rõ như thế nào là giông bão của cuộc đời. Những người già không thích trả giá vì họ biết rõ nó quá đắt so với cuộc đời họ; còn những người trẻ thì sẵn sàng lao vào mọi cuộc ngã giá miễn là cái giá đó đủ hấp dẫn cần thiết cho một cuộc chơi. Dù sao đi nữa, tôi cứ muốn tin rằng tình yêu mà thầy dành cho tôi vẫn mải miết và dài lâu như dòng sông Hương ấy, chảy mãi trong thời gian cùng với một nỗi buồn. 

Tô Vĩnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.