Có không vụ "đánh cắp" ý tưởng chương trình thời trang ?

29/10/2006 21:47 GMT+7

Chương trình Thời trang Việt do Công ty Vân Thanh Long (VTL) đang thực hiện, dự kiến phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM (HTV), là chương trình ăn cắp từ kịch bản của Công ty quảng cáo Hà Thành Công (HTC)". Đó là một đoạn trong thông cáo của HTC, kèm theo toàn bộ nội dung chi tiết và mẫu thiết kế sân khấu cũng như các file đã gửi cho Công ty SYM (đơn vị tài trợ) vào đầu tháng 5.

"Cài" người để sao chép ý tưởng ?

Theo thông cáo, HTC có ý tưởng sản xuất Thời trang Việt từ đầu năm 2006. Sau khi hoàn thành kịch bản, HTC nhận được lời hứa tài trợ của SYM với số tiền gần 3,3 tỉ đồng. Dự kiến, chương trình này sẽ phát trên Đài truyền hình kỹ thuật số VN (VTC1), Bình Dương, Cần Thơ. Nhưng khi chương trình đang được tiến hành giai đoạn cuối, HTC nhận được đề nghị tạm ngưng từ nhà tài trợ. Trong thời gian này, ngày 15.10, HTC tình cờ biết được có chương trình thời trang "giống tới 99%" Thời trang Việt của mình, do Công ty quảng cáo VTL thực hiện, tại cà phê K&K (TP.HCM).


Thiết kế sân khấu chương trình Thời trang Việt của HTC - Ảnh: T.L

Chứng minh sự giống nhau này, HTC đưa ra những lý do: 1/ Khi SYM hứa tài trợ, HTC đã đưa toàn bộ kịch bản để Ban giám đốc SYM duyệt. 2/ Trong quá trình thực hiện, HTC có nhận anh Hoàng Văn Minh, nhân viên cũ của VTL, vào làm. Anh Minh được HTC giao thực hiện chương trình Thời trang Việt. Làm gần một tháng, Minh xin nghỉ và quay lại VTL. Sau đó không lâu, SYM đề nghị HTC tạm ngưng chương trình. Để khẳng định lần nữa về nguồn gốc ý tưởng, HTC đưa ra 2 giả thuyết: Hoặc SYM sau khi có gần như đầy đủ ý tưởng mà HTC cung cấp, đã "bỏ kèo" để kết hợp với VTL, hoặc VTL đã đi một nước cờ khá hiểm khi "cài" nhân viên sang HTC nhằm sao chép toàn bộ ý tưởng.

Phản ứng của Công ty VTL

Từ thông tin HTC cung cấp, chúng tôi liên hệ với bà Nông Thanh Vân - Giám đốc Công ty VTL. Phản ứng nhận được từ bà Vân chỉ đơn giản: "HTC là công ty mới bước vào thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm... Thực tế các công ty lớn như SYM có vô số các nhà cung cấp dịch vụ và rất nhiều công ty quảng cáo để chọn lựa cho mình đơn vị đáp ứng yêu cầu mà họ đưa ra".

Ông Bùi Viết Hóa, đại diện cho SYM cho biết: "Ý tưởng thực hiện tuần lễ thời trang với tên Lướt cùng cảm xúc là của SYM, và Atila - Lướt cùng cảm xúc là slogan quen thuộc lâu nay. Khi triển khai dự án này, HTC là người chào hàng, nhưng trong quá trình trao đổi, vì không đáp ứng các yêu cầu của nhà tài trợ (nhất là về tên chương trình) thì chúng tôi có quyền ngưng, vì hợp đồng vẫn chưa ký. Khi làm với VTL, điều chúng tôi  quan tâm vẫn là quyền lợi của SYM. VTL đáp ứng, chúng tôi thực hiện. Nếu cho rằng chúng tôi ăn cắp ý tưởng, đó là sự vu khống. Chuyện tranh chấp giống nhau là của HTC và VTL, nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng đến uy tín của SYM. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị họp với cấp trên, cùng với việc nhờ luật sư riêng của SYM, để xem phản ứng như thế nào cho đúng với pháp luật VN. Có thể chúng tôi sẽ tổ chức họp báo, và trong buổi họp đó, ai đúng, ai sai sẽ sáng rõ".

Đề cập đến sự giống nhau giữa 2 chương trình (đều gồm 2 phần, trong đó HTC là Sàn diễn thời trang và Ngoại cảnh thời trang, VTL là Sân khấu thời trang và Ngoại cảnh thời trang), bà Vân lý giải: "Cho rằng kịch bản giống tới 99% là sự khẳng định vô trách nhiệm. Vì bất cứ dự án nào được hợp tác với HTV thì bộ phận sản xuất chương trình của đài đều có biên tập, đạo diễn dàn dựng và đạo diễn hình... Mặt khác, phần ghi hình trên sàn diễn chỉ là một trong những chất liệu chính của chương trình dài 45 phút. Đài mới ghi hình, chưa biên tập, chưa phát sóng sao lại khẳng định giống 99%? Toàn bộ phần thiết kế sân khấu, logo chương trình và băng-rôn quảng cáo (cũng bị cho là giống), VTL chỉ định Công ty Mỹ thuật Sáng tạo thực hiện, và được duyệt bởi VTL cùng SYM".

Riêng nghi vấn về nhân viên của VTL, bà Vân cho biết: "Vào tháng 3, anh Minh bị kỷ luật và buộc nghỉ việc 1 tháng không lương. Chuyện anh Minh đi làm ở công ty khác trong thời điểm này, VTL không được biết, hết hạn kỷ luật, anh Minh đi làm lại bình thường. Anh Minh là nhân viên triển khai dự án, tức chỉ khi chương trình đến thời điểm "set up" mới tham gia. Anh cũng chưa bao giờ được giao viết dự án". Còn về ý tưởng chương trình, bà Vân khẳng định: "Bất kỳ chương trình thời trang nào cũng đều có catwalk, người mẫu và các bộ sưu tập; đây không phải là ý tưởng mà là nguyên tắc - chất liệu cơ bản".

Trong khi vụ việc vẫn chưa rõ ngọn ngành, đã có thông tin trên báo theo chiều hướng không tốt cho VTL và SYM. Bà Vân nói: "Tôi không muốn làm lớn chuyện vì rất có thể sẽ mắc mưu việc tự đánh bóng tên tuổi của HTC; và xem ra đây là chuyện quá vớ vẩn. Tôi chỉ tin một điều: Không bao giờ có 2 cái đầu giống nhau được".

Phải tự biết bảo vệ mình


Ảnh: C.T.V

Tiến sĩ Lê Nết - giảng viên khoa Dân sự (Trường ĐH Luật TP.HCM): "Vấn đề ăn cắp ý tưởng có thể sẽ gây tranh cãi, vì vậy cần xác định rằng đối tượng bị xâm phạm (tức ý tưởng - PV) trước hết phải được pháp luật bảo vệ. Nếu các ý tưởng đã được viết ra thành 1 kịch bản thì kịch bản này được pháp luật bảo hộ mà không cần thiết phải đi đăng ký ở cơ quan quản lý nào. Còn nếu như ý tưởng đó chưa được viết thành kịch bản thì nó phải được bảo mật thông qua một hợp đồng bảo mật với đối tác. Nếu như một người có ý tưởng nhưng họ không bảo mật hoặc không muốn bảo mật thì khi bị ăn cắp ý tưởng sẽ khó yêu cầu giải quyết.

Trong trường hợp này, nếu HTC đã viết ý tưởng thành kịch bản thì có thể yêu cầu người vi phạm bồi thường, song họ phải chứng minh 3 yếu tố: Họ là chủ sở hữu của kịch bản này thông qua việc chứng minh ngày tháng ra đời của kịch bản, tác giả kịch bản... Thứ hai, HTC phải chứng minh rằng kịch bản của phía mà cho rằng đã xâm phạm giống hệt hình thức kịch bản của mình và kịch bản của phía bên kia là ra đời sau. Thứ ba là Công ty VTL biết về việc thực hiện kịch bản của Công ty HTC. Điều này không khó chứng minh nếu có cơ sở cho thấy kịch bản của HTC đã được nhân viên của Công ty VTL biết đến. Hoặc có bằng chứng cho thấy một ai đó đã đưa kịch bản này cho phía VTL. Nếu chứng minh được 3 yếu tố này thì khả năng HTC thắng kiện mới có. Tuy nhiên sẽ có ý kiến cho rằng "ý tưởng giống ý tưởng" nhưng nếu chứng minh được 3 yếu tố trên thì xác suất ăn cắp ý tưởng rất cao. Nếu như anh đã biết sản phẩm của người khác và sản phẩm anh ra sau lại giống người ta thì pháp luật giả thiết rằng anh sao chép của người ta. Trừ khi phía VTL có bằng chứng cho thấy họ không sao chép. Còn giả sử họ giống nhau cả những cái không cần thiết phải giống thì phải có hội đồng giám định về marketing hoặc hội đồng giám định về kịch bản mới có thể khẳng định rằng có trường hợp nào có ý tưởng trùng nhau ngẫu nhiên hay không".


Ảnh: C.T.V

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: "Chuyện ăn cắp hoặc nhái ý tưởng tôi đã bị nhiều lần và từ lâu nên giờ thấy cũng bình thường, điều chính là phải tự biết bảo vệ mình. Với tôi bây giờ, mỗi ý tưởng đưa ra phải được ký hợp đồng và ghi nhớ về việc vi phạm bản quyền để lỡ có gì thì còn có "cái" để nói chuyện. Nhưng nếu người ta vẫn cố tình ăn cắp thì đành lý luận theo kiểu AQ: người nào ăn cắp thì họ đã vượt qua được liêm sỉ và tự ái, hoặc họ không có khả năng sáng tạo mà quen sống nhờ vào người khác, hoặc ý tưởng mình quá hay nên họ tiếp tục ăn theo... Nếu ý tưởng bị trùng, chỉ có thể là 1-2 yếu tố chứ giống quá thì chỉ là ăn cắp! Chuyện bảo vệ bản quyền ý tưởng, thế giới đã làm từ lâu, còn VN thì... ý thức về bản quyền trong từng con người không có, kể cả người ăn cắp và người bị ăn cắp; luật pháp cũng chẳng đầy đủ và chặt chẽ để hướng dẫn và xử lý vi phạm nên đành bó tay!".

M.T - N.V (ghi)

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.