4 năm sau vụ bắt cóc tại Nhà hát Dubrovka: Bi kịch của những người sống sót

29/10/2006 22:43 GMT+7

Tháng 10.2002, tại nhà hát Dubrovka, lực lượng đặc nhiệm Nga đã sử dụng một loại khí ga đặc biệt để kết thúc vụ bắt cóc con tin của các phần tử khủng bố Chechnya. Tuy nhiên, thảm kịch chưa dừng lại ở đây khi không ít con tin sống sót qua vụ này hiện đang đối mặt với tử thần...

Những con số đáng sợ

Ngày 26.10.2002, sau 3 ngày thương thuyết với các phần tử khủng bố Chechnya thất bại, lực lượng đặc biệt Nga quyết định sử dụng một loại khí ga để giải thoát con tin. Kết quả là có tới 50 tên khủng bố bị tiêu diệt, hơn 800 con tin được cứu sống nhưng cũng có tới 129 con tin thiệt mạng do hít phải hơi ga độc. Sau khi kết thúc vụ bắt cóc con tin kinh hoàng này, chính phủ Nga tuyên bố cơ quan an ninh Nga FSB đã giải quyết vụ việc thành công khi có tới trên 80% con tin đã được cứu sống.

Tuy nhiên, có những sự thật khác mà nhiều người đã không được biết, đó là nhiều người sống sót đã vướng phải những căn bệnh quái ác: anh lao công A.Minyaev đã phải vào viện cấp cứu ngay sau khi chấm dứt cuộc tấn công, thế nhưng sau đó anh đã không nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra trước đó và thậm chí, còn không nhớ nổi tên người đang nói chuyện. N.Divin thì ngoài tổn thất cuộc đời là đứa con trai 21 tuổi đã thiệt mạng, anh hiện mang trên người đủ thứ bệnh chết người như ung thư thận, gan, đau dạ dày và có những vấn đề về thần kinh. Còn cô gái 19 tuổi I.Budnitskay, hiện mắc phải bệnh ung thư tuyến giáp, cho biết một tuần trước khi bị bắt làm con tin ở Dubrovka, các xét nghiệm của cô đều rất tốt. Năm 2004, một bác sĩ giấu tên đã cho biết có 82 nạn nhân sống sót đã mắc bệnh về gan, 41 người mắc bệnh tim và 16 người khác bị bệnh thận.

Mới đây, theo một phóng sự điều tra của hãng truyền hình CBS, đã có những lo ngại đến mức báo động về tình trạng sức khỏe, bệnh tật của những người đã thoát chết từ nhà hát Dubrovka:  trong số nạn nhân sống sót, có 101 người khẳng định tình trạng sức khỏe của họ đang trở nên tồi tệ rất nhiều so với trước; 1/3 nạn nhân mắc bệnh về thận, gan; 85% cho biết hệ thống miễn dịch của họ đã yếu đi và 1/3 trong số này nói rằng hệ thống hô hấp của họ đang có vấn đề.

Khí ga vô hại?

Ngay sau khi giải quyết xong vụ khủng khoảng này, nhiều chuyên gia y tế Nga đã chất vấn chính phủ về thành phần hóa học của loại khí mà các nhân viên an ninh Nga (FSB) đã sử dụng để hạ gục các phần tử khủng bố. Tổng thống Nga V.Puttin tuyên bố rằng loại khí này là vô hại. Tuy nhiên, người ta thắc mắc rằng tại sao lại "vô hại" khi nhiều tên khủng bố gục ngã mà không kịp bấm nút những quả bom đã cài sẵn và có quá nhiều con tin bị thiệt mạng như vậy. Đồng thời, một số bác sĩ đều tỏ ra rất ngại ngùng khi trình bày quan điểm của họ về mối liên hệ giữa loại hơi ga đã được FSB sử dụng và tình trạng bệnh tật gia tăng trong số nạn nhân sống sót: Năm 2002, một nữ bác sĩ Moscow đã được giao nhiệm vụ theo dõi tình trạng sức khỏe của các nạn nhân sống sót, cô đã thực hiện rất chu đáo và có kết luận rằng có trường hợp đã bị nhiễm độc bởi loại khí ga này. Tuy nhiên, chính quyền Moscow đã yêu cầu cô hủy bản kết luận này nếu muốn ở lại bệnh viện cũ để tiếp tục hành nghề, còn nếu không sẽ phải ra đi với một lý do hợp lý. Một số bác sĩ giấu tên cho rằng họ đã được chính quyền Moscow yêu cầu không được công bố về sự độc hại của loại khí này, thậm chí còn phải ghi kết quả hội chẩn trong một số bệnh án là "bệnh có nguồn gốc từ khủng hoảng do khủng bố" (!). Còn với một số nạn nhân, họ cũng nhận được một số yêu cầu tương tự: im lặng để được chữa bệnh hay nói ra để rồi "tự xử"?

Đến thời điểm hiện nay, thành phần hóa học của loại khí trên vẫn được giữ bí mật, các chuyên gia y tế - đang chữa trị cho một số nạn nhân sống sót sau vụ Dubrovka nhưng mắc bệnh hiểm nghèo - vẫn không được cung cấp một thông tin gì về loại khí này. Họ nói rằng lẽ ra các con tin không chết đến 129 người nếu công tác cứu chữa được chuẩn bị tốt hơn và họ được cho biết về loại khí mà cơ quan an ninh đã đưa vào nhà hát. Ngoài số tiền đền bù 1.700 USD cho các nạn nhân, chính phủ Nga vẫn im lặng và người ta lo ngại rằng liệu loại khí "vô hại" như thế này có còn được sử dụng vào một thảm họa con tin khác nữa tại Nga hay không. (Theo CBS).

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.