Việt Nam có nhiều cải thiện trong môi trường kinh doanh

27/09/2007 00:07 GMT+7

Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) tại bản báo cáo Môi trường kinh doanh, công bố hôm qua 26.9 tại Hà Nội.

Báo cáo cho thấy Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng bằng việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp. Việt Nam cũng ban hành Luật Chứng khoán quy định rõ hoạt động của thị trường chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán; tăng cường bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc ban hành Luật Doanh nghiệp mới... Ngoài ra, thủ tục thành lập doanh nghiệp được cải cách và thời gian rút ngắn xuống; thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng hơn kéo theo chi phí xuất nhập khẩu giảm đáng kể... Tính chung, Việt Nam xếp hạng 91/178 quốc gia, vùng lãnh thổ về môi trường kinh doanh. Trong khi đó, xếp hạng của một số quốc gia trong khu vực là: Singapore 1, Thái Lan 15, Malaysia 24, Indonesia 123, Philippines 133, Cambodia 145 và Lào 164.

Báo cáo cũng chỉ ra một số lĩnh vực Việt Nam cần nỗ lực cải thiện nhiều hơn nữa, trong đó đáng chú ý là thủ tục nộp thuế, bảo vệ nhà đầu tư và giải thể doanh nghiệp. Cụ thể, một doanh nghiệp ở Việt Nam mất bình quân 1.050 giờ, tương đương 130 ngày làm việc mỗi năm để hoàn thành các thủ tục liên quan đến đóng thuế. Trong khi đó, thời gian này tại Singapore chỉ 49 giờ, Cambodia 137 giờ, Malaysia 166 giờ, Philippines 195 giờ, Thái Lan 264 giờ và Indonesia 266 giờ.

Việc giải thể doanh nghiệp cũng còn nhiều bất cập. Có rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam giải thể theo đúng những quy định và thủ tục chính thức, chủ yếu do thủ tục rất khóá khăn và tốn nhiều thời giờ, tốn chi phí nhưng khả năng thu hồi nợ kém.

Báo cáo môi trường kinh doanh đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của một nền kinh tế, được WB và IFC dựa trên 10 yếu tố: thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép, tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế (xuất nhập khẩu), thực thi hợp đồng và giải thể doanh nghiệp. Tuy vậy, WB và IFC cũng khuyến cáo thứ hạng trong báo cáo không phản ánh các yếu tố như: chính sách kinh tế vĩ mô, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động tiền tệ, nhận thức của nhà đầu tư và tỷ lệ tội phạm.

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.