Khoảng 1.000 tấn vàng còn trong dân

07/11/2010 23:41 GMT+7

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết lại hoạt động huy động và cho vay vàng tại các ngân hàng thương mại (NHTM), hiệu quả chưa thấy mà giá vàng cứ nhảy loạn xạ. Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp này thiếu hiệu quả và nên có cách ứng xử khác.

Cuối tuần qua, Ủy ban Giám sát tài chính (UBGSTC) quốc gia công bố con số giật mình, lượng vàng tồn tại trong dân ước chừng khoảng 1.000 tấn, và VN trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới sở hữu vàng. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn là các nước trên thế giới quản lý rất chặt chẽ thì 1.000 tấn vàng trên đang trôi nổi trong dân, giao dịch qua các kênh không chính thức, gây áp lực lên chính sách tiền tệ, lãng phí nguồn vốn lớn cho nền kinh tế.

 
Lâu nay người dân thường mua vàng cất giữ, ít bán ra - Ảnh: D.Đ.M

Hậu quả là đã tạo ra những cơn sốt giá vàng, sốt USD, giá vàng trong nước nổi loạn, đẩy nạn đầu cơ tăng cao. “Giá vàng trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá vàng thế giới, cộng với tỷ giá, thuế và các chi phí khác. Nhưng việc cung - cầu thị trường bất ổn, cơ chế điều hành không ăn khớp diễn biến thị trường tạo cơ hội nạn đầu cơ, găm giữ vàng nổ ra”, một chuyên gia có kinh nghiệm trong giới tài chính nhận xét.

Tiền tệ hay tài sản tích trữ?

Theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, căn nguyên của cơn sốt, sự bất ổn của thị trường vừa qua có thể xuất phát từ quan niệm về vàng là tài sản tích trữ hay tiền tệ đặc biệt. Nếu phân định rõ thì cách hành xử, quản lý cũng sẽ dễ dàng hơn. Khi vàng được xem như tiền tệ đặc biệt, các ngân hàng dễ dàng trong hoạt động huy động - cho vay, người dân cũng dễ dàng trong việc gửi vàng, có nhiều cơ hội sinh lời từ vàng và dự trữ ngoại hối quốc gia cũng dày hơn khi có thêm khoảng 4-5 tỉ USD được quy đổi.

Giám đốc một công ty vàng có uy tín tại Hà Nội chia sẻ, tại Mỹ lượng vàng quốc gia dự trữ lên tới 8.000 tấn, và cường quốc này đang thực thi chính sách hạ giá đồng USD, bơm USD ra nền kinh tế nhằm đẩy giá vàng làm tăng giá trị nguồn vàng dự trữ lên. Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác đang tích cực gom vàng, tăng cường dự trữ ngoại hối bằng vàng, riêng ở VN dự trữ vàng quá mỏng, nếu sử dụng cũng không đủ để “bơm” can thiệp khi thị trường xảy ra bất ổn.

Hút vàng vào ngân hàng

Trong các đợt “lên đồng” của giá vàng thời gian vừa qua, theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch UBGSTC, các cơ quan quản lý thực sự tỏ ra lúng túng khi điều hành cung - cầu vàng mâu thuẫn giữa chính sách và biến động của thị trường. Tiêu điểm là việc NHNN ban hành Thông tư số 22 siết cho vay và huy động vàng. NHNN buộc các NHTM bán lượng vàng đang nắm giữ ra để giảm cầu trên thị trường, nhưng lượng vàng NHTM có trong tay quá ít so với lượng vàng bên ngoài nên không tác động nhiều tới thị trường, thậm chí còn gây ra phản ứng tâm lý, tác động phụ tiêu cực. Lượng vàng này tương đương 73 nghìn tỉ đồng, nếu bắt NH bán ra, họ phải huy động một lượng tiền tương tự vô tình tạo áp lực tăng lãi suất một cách không cần thiết. 

 Làm thế nào để hút vàng vào các kênh chính thức, đặc biệt qua hệ thống NH là vấn đề được đặt ra hiện nay. Ông Thúy kiến nghị, nếu đưa được vàng trong dân vào lưu thông chính thức trong hệ thống NH sẽ tạo nguồn vốn nhiều hơn, rẻ hơn cho nền kinh tế. Nhưng cơ chế chính sách phải làm cho người dân tin vào hệ thống NH để gửi vàng, phải có cơ chế chu chuyển vàng tạo sự lưu thông mạnh mẽ trên thị trường. Ông Thúy cũng cung cấp một thông tin quan trọng, tại cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý lập đề án quản lý thị trường vàng giao UBGSTC, NHNN và các cơ quan liên quan xây dựng. Tư tưởng chung, đưa nguồn vàng trong dân giúp vào hệ thống cho nền kinh tế có vốn nhiều hơn và rẻ hơn.

Xem xét lại quyết định đóng cửa sàn vàng

Chính phủ chưa có kết luận chính thức nhưng cũng đang cân nhắc về việc xem xét lại quyết định đóng tài khoản vàng ở nước ngoài. Theo ông Thúy, đề nghị cấm sàn vàng là đúng, nhưng cấm NHTM mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài khiến các NH không thể cân bằng được rủi ro huy động vàng trong nước. Hoạt động huy động và cho vay vàng diễn ra hết sức khó khăn. Rút bài học từ Mỹ, ông Thúy dẫn chứng, tại Mỹ có một số NH chuyên giao dịch vàng để giải quyết nhu cầu vàng trong nền kinh tế, việc quản lý rất hiệu quả. Các nước khác, ngân hàng trung ương có vai trò là người cho vay cuối cùng, đáp ứng nhu cầu về vàng nếu các NH huy động được vàng, có thể đến để tái chiết khấu lấy VND với mức giá hợp lý. “NHNN nắm được vàng khi cần vẫn có thể bơm ra - hút về, làm như vậy chắc chắn sẽ ổn định được thị trường, không để lãng phí 1.000 tấn vàng, tương đương hơn 40 tỉ USD vẫn còn đang trôi nổi trong dân”, ông Thúy nói.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.