Người vợ tuyệt vời

26/10/2008 09:44 GMT+7

Ở tít mù nơi xã tận cùng Đất Mũi có một câu chuyện lạ lùng: một cô gái lành lặn, khỏe mạnh tự nhiên tình nguyện lấy một anh mù lòa, nhà nghèo rớt mồng tơi. Và cô đã làm thay đổi cả số phận của gia đình nghèo này.

Về làm dâu Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) ngót năm năm, nhưng Oanh đã trải qua mấy bận thăng trầm trong dư luận.

Cô gái... từ trên trời rơi xuống

Oanh nhỏ thó trong vòng vây bề bộn của gạo, tấm, can nhựa, thùng, xoong nồi, củi đước, nước nôi... của một gian nhà nhỏ. Hình như lúc nào cũng thấy cô làm việc, đôi tay không ngơi nghỉ. Hết đun lửa tới xách nước, pha rượu, bửa củi...

Cao Thanh Quý, 27 tuổi - chồng của Oanh - chưa bao giờ biết mặt vợ nhưng lúc nào cũng tươi tắn, hạnh phúc. Quý kể anh và đứa em trai Cao Thanh Vinh - nhỏ hơn hai tuổi - từng ôm nhau khóc hết nước mắt nhiều đêm khi biết chắc đã vĩnh viễn rời xa ánh sáng, kết thúc con đường học vấn mà ngày nào hai anh em vẫn hứa với nhau sẽ học thành tài để đưa gia đình thoát kiếp nghèo khó. Chuyện ấy xảy ra cách đây đã 12 năm khi Quý học xong lớp 9, Vinh lớp 8.

Gánh cả nhà

Trước đây, người ta nói Oanh không bình thường. Ai đời lành lặn, mạnh khỏe, có duyên như vậy lại đi “ưng không” anh chàng mù trong một gia đình nghèo rớt mồng tơi ở miệt cùng trời cuối đất này. Đâu chỉ có ông chồng mù, còn có em trai chồng cũng mù. Hai anh em ruột cùng cảnh ngộ “tối thui” nên là một cặp không tách rời. Họ ăn chung, ngủ chung, nghe radio cũng chung.

Có lần Quý đi thành phố trị bệnh nửa tháng, Vinh nhớ đến khóc. Và người ta đoan chắc rằng Oanh làm vợ Quý thì phải gánh luôn Vinh. Chưa hết, lúc Oanh chưa về làm dâu, ông Hai Đức còn tốt bụng đưa ông cụ Hai - một người bác ruột già neo đơn - về cưu mang. Gia đình ông Hai Đức không đất sản xuất, sống chủ yếu bằng công việc quản lý bồn nước máy mà xã giao với mức thù lao 700.000 đồng/tháng. Nghèo quá sức nghèo.

Thời gian đó tự nhiên Quý cảm thấy đau mắt và mờ dần, sau đó vài ngày đến lượt Vinh. Và chỉ trong vài tháng cả hai anh em cùng mù lòa. Vợ chồng ông Hai Đức đưa hai con đi điều trị khắp nơi nhưng vô ích. Bác sĩ nói bị bong võng mạc, nhưng không ai nói có thể điều trị hết hay không.

Hết đường vay nợ trị bệnh cho con, vợ chồng ông Hai Đức đành buông xuôi số phận. “Nhưng tụi tôi nói với nhau là không tự vận. Vì tự vận là hèn yếu” - Quý kể. Đó là những tháng ngày cơ cực nhất của hai anh em và của cả gia đình, đói lên đói xuống.

Rồi trong một buổi chiều cách đây sáu năm, khi đang dạo đàn ghita giải sầu ở hiên nhà, cô em bà con tên Đào đến, giọng thản nhiên: “Em dẫn bạn về làm mai cho anh Quý nè. Bạn này tên Oanh, 20 tuổi, nhỏ hơn anh hai tuổi. Quê Oanh ở An Giang”. Không ngờ sau đó hai tháng, họ đã thật sự nên vợ thành chồng. Không có tiệc cưới, chỉ có một cái gật đầu của Oanh trước mặt gia đình Quý.

Sống với nhau gần bốn tháng, Oanh đã mang thai thì gia đình cô mới hay biết. Giải thích về hành động “vượt rào” của mình, Oanh cười bẽn lẽn: “Không hiểu sao em thương anh Quý quá mức. Em nghĩ nếu nói qua điện thoại về hoàn cảnh nhà chồng em sắp lấy, có lẽ cha mẹ sẽ phản đối. Thôi thì tiền trảm hậu tấu, miễn sau này mình có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc thì cha mẹ nào chẳng ưng”. Và Oanh đã làm như vậy.

Nuôi chồng, nuôi em

Lấy chồng rồi, Oanh học lại nghề nấu rượu nuôi heo truyền thống của mẹ chồng đã bỏ nhiều năm. Một tay cô tảo tần sớm khuya, bất kể giờ giấc. Bà con lối xóm ngạc nhiên: “Ủa, con nhỏ này sao nó làm như máy vậy?”. Và Oanh đã đưa gia đình vượt nghèo khó chỉ trong vòng hai năm đầu về làm dâu.

Đến nay Oanh đã có của cải hơn người ở xứ nghèo này. Nhà chồng cô từ chỗ thiếu ăn giờ đã có xe máy, truyền hình, đầu đĩa. Mấy tháng trước, Oanh còn mua cho chồng một dàn máy vi tính và động viên chồng lên TP.HCM học một lớp vi tính cho người khiếm thị.

Dàn máy tính được Quý cưng lắm. Anh mở máy rồi khoe: “Tôi đã giúp được Oanh ghi nhật ký việc buôn bán của cô ấy rồi nè. Anh xem và góp ý cho tôi nhé!”. Quý nói vậy nhưng không còn chỗ nào góp được nữa, mọi thứ được ghi chép mạch lạc, rõ ràng.

Càng bất ngờ hơn khi biết hai anh em mù miền cuối đất này từng lĩnh nhiều giải thưởng trong các chương trình trò chơi trên radio. Trong trò chơi “Cuộc sống quanh ta” của đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Quý từng đoạt phần thưởng 800.000 đồng; chương trình “Hương sắc Cửu Long” Vinh được thưởng 200.000 đồng và nhiều tặng phẩm bằng hiện vật ở rất nhiều trò chơi có thưởng khác nhau thông qua radio.

Quý bảo tất cả phần thưởng ấy là công của Oanh. “Chưa bao giờ mình nghe Oanh than phiền về gánh nặng hai người mù này. Những ngày sống với nhau, qua Oanh, mình đã học được tấm lòng bao dung, sống vì mọi người. Oanh đã đem lại cho mình và em Vinh nguồn sáng hơn cả khi chưa bị mù”, Quý tâm sự.

Theo Trần Vũ / Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.