Nước Ý và hội chứng nghe lén điện thoại

01/10/2005 20:23 GMT+7

Một buổi sáng thức dậy, bạn chợt điếng người khi thấy cuộc trò chuyện riêng tư đêm qua của mình bị phơi trên mặt báo. Những tình huống bi hài kiểu này đang hết sức phổ biến tại Ý và tình hình tồi tệ đến mức Chính phủ Thủ tướng Silvio Berlusconi đã phải đưa ra lời tuyên chiến.

"Cái chết" của ngài thống đốc

Nhìn bề ngoài, Antonio Fazio không hề khiến người ta liên tưởng tới một gã quan tham. Vị thống đốc 69 tuổi của Ngân hàng Quốc gia Ý có 5 người con và mang dáng dấp của một người chồng, người cha và một công dân tốt. Trong suốt mấy chục năm làm việc, ông luôn được người ta nể trọng vì sự trung thực, thẳng thắn trong lối hành xử cũng như tính quyết đoán trong công việc. Nhưng giờ đây thì mọi chuyện đã khác. Sau khi băng ghi âm trái phép cuộc điện đàm vào lúc nửa khuya của Fazio bị phơi lên trang nhất của một số tờ báo lớn cách đây hơn 1 tháng, người Ý bắt đầu được biết đến một Fazio hoàn toàn khác. Chuyện nghe trộm điện thoại các nhân vật nổi tiếng từ lâu đã trở thành một thú tiêu khiển trên khắp nước Ý, nên thật dễ hiểu khi "tâm sự đêm khuya" của ngài thống đốc lão luyện ngay lập tức được ghi lại không sót một từ nào.

"Xin lỗi, tôi có làm mất giấc ngủ của ông không?", tiếng Fazio nói trong điện thoại được ghi âm lại.
"Ồ không, không đâu", giọng ngái ngủ của Gianpierro Fiorani, Giám đốc Ngân hàng Banca Popolare Italiana, đáp lại.
"Tôi đã ký rồi", Fazio thông báo, ý đề cập đến một văn bản mang tính pháp lý mà ông vừa duyệt xong. Văn bản này có thể sử dụng để ngăn cản việc một công ty Hà Lan thâu tóm Banca Antonveneta - viện tài chính lớn nhất nước Ý.
Đến lúc này thì Fiorani tỉnh ngủ hẳn: "Ôi, Tonio. Thật tuyệt làm sao. Thế là vấn đề đã được giải quyết. Cám ơn, cám ơn nhiều, Tonio. Ông tới ăn thịt ngỗng với tôi nhé. Tôi muốn hôn lên trán ông".

Với việc cái ngân hàng của Hà Lan kia bị gạt ra rìa, tập đoàn tài chính của Fiorani dễ dàng thâu tóm Banca Antonveneta với giá 5,5 tỉ euro (khoảng 6,6 tỉ USD) hồi đầu mùa hè. Fiorani và Fazio thở phào sau phi vụ ngoạn mục đó. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau khi cuộn băng ghi âm cuộc điện đàm của hai người rơi vào tay báo chí và bị công bố hồi tháng 8, cả vụ mua Banca Antonveneta lẫn sự nghiệp của Fazio đều đã trở thành quá khứ. Cuối tuần này, một tòa án tại Ý đã thụ lý hồ sơ để chuẩn bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ngài Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Antonio Fazio.

Điều tồi tệ chưa dừng lại ở đó. Trong một cuộn băng ghi âm khác được công bố sau đó, người ta biết rằng bà vợ Maria Cristina của Fazio thay vì động viên ông chồng đang suy sụp, đã có những lời lẽ an ủi rất ngọt ngào đối với ngài Fiorani.

"Đừng lo lắng nhé", Cristina thì thầm.
"Cám ơn em nhiều", Fiorani đáp lại, rất dịu dàng. Thế là người Ý bắt đầu xì xầm bàn tán về cái sự thân mật giữa hai người.

Cuộc điện đàm lúc nửa đêm đã kết liễu sự nghiệp của ông Antonio Fazio (trái)

Hội chứng nghe lén

Chuyện xảy ra với Fazio là sự kiện mới nhất trong hàng loạt những vụ mà nhà chức trách đã lần theo các cuộn băng ghi âm được báo chí tiết lộ để điều tra trong những tháng gần đây. Khi đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Roberto Castelli đã dùng cụm từ "tình trạng vô chính phủ toàn diện", nhưng chừng đó cũng chưa đủ để lột tả được sự lạm dụng thái quá chuyện nghe lén điện thoại tại Ý. Theo bản báo cáo mang tên "Không có gì bí mật" do Công ty Thống kê Eurispes công bố hồi tháng 8, Chính phủ Ý đã chi 1,3 tỉ euro (khoảng 1,6 tỉ USD) cho các công ty điện thoại ở nước này trong 5 năm qua và chỉ đạo các công ty theo dõi những cuộc điện thoại của các khách hàng đặc biệt mà chính phủ đặt vào tầm ngắm. Eurispes còn cho biết, một công ty điện thoại vào năm ngoái đã có đến 7.000 cuộn băng ghi âm các cuộc điện đàm. Chuyện nghe lén của chính phủ không ngừng lan rộng và dần dần vượt ngoài tầm kiểm soát. Kết quả là đã có rất nhiều cuộn băng ghi âm lọt ra ngoài và sau đó rơi vào tay báo chí, thường thì chuyện này đều do các tờ báo chi trả bộn tiền cho người cung cấp. Và khi các cuộn băng được tiết lộ, nhiều người Ý không khỏi giật mình trước sự phong phú về chủ đề, hóa ra chính phủ nghe lén tất cả mọi thứ, từ chuyện làm ăn của doanh nghiệp, phi vụ đen của băng đảng mafia đến cả chuyện riêng tư của một người nào đó.

Tại Ý, tòa án sử dụng băng ghi âm làm bằng chứng ngày một nhiều. Việc đối chiếu giọng nói có khi được đánh giá tương đương với kết quả thử DNA và sự làm chứng (hoặc thừa nhận) về một cuộc điện thoại nào đó có thể là cơ sở để người ta kết án. Trong nhiều tháng qua, nhà chức trách đã bắt được nhiều "con cá lớn", trong đó có Hamdi Issac (biệt danh là Osman Hussain). Issac bị nghi ngờ đã tham gia vào vụ đánh bom khủng bố ở London, sau đó bị cảnh sát theo dõi nhiều ngày trước khi tra tay vào còng hôm 29/7. Vụ bắt giữ này cũng nhờ vào băng ghi âm các cuộc điện đàm giữa Issac và người em trai. Trước đó, băng nghe lén cũng giúp cảnh sát Ý tóm được hàng loạt nhân vật thuộc giới cổ cồn trắng phạm các tội danh từ nhận hối lộ tới tham ô. Cuối tháng 6, quan tòa tại Milan cũng đã phát lệnh bắt 13 người bị tình nghi là điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) do bị cáo buộc đã bắt cóc giáo sĩ Abu Omar ở Milan. Cơ sở của trát bắt dựa phần lớn vào các cuộn băng ghi âm điện thoại.

Thủ tướng cũng vạ lây

Chuyện nghe lén điện thoại đã bị người ta lạm dụng đến mức kinh hoàng tại Ý. Và trong tình hình "vô chính phủ" đó, bản thân Thủ tướng Silvio Berlusconi giàu có cũng không ít lần phải phiền lòng. Vào ngày 14/8, báo La Repubblica tung ra đoạn trích cuộc trò chuyện giữa hai doanh nhân hàng đầu nước Ý là các ông Stefano Ricucci và Emilio Gnutti. Trong câu chuyện đó, Gnutti đã khoe khoang về mối quan hệ gần gũi giữa mình với Berlusconi.  Ông này còn tiết lộ kế hoạch "ép" thủ tướng giúp đỡ để có thể mua lại RCS Mediagroup, tập đoàn truyền thông đang sở hữu tờ báo lớn nhất nước Ý Corriere della Sera.

Câu chuyện trên đã làm phiền lòng ngài thủ tướng và chính phủ của ông bắt đầu thực hiện những biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh tình hình. Tháng qua, chính phủ đã trình lên quốc hội bản dự luật trong đó quy định rõ việc ghi âm điện thoại chỉ được phép áp dụng trong chiến dịch chống mafia và khủng bố. Bản sao băng ghi âm phải được bảo mật, bất kỳ ai cung cấp thông tin cho báo chí hoặc bán ra ngoài có thể chịu án tù từ 5-10 năm. Tuy nhiên, số phận của văn bản pháp luật trên đã bị nghi ngờ ngay từ khi nó chưa ra đời. Những người chỉ trích cho rằng dự luật quy định về việc ghi âm sẽ không bao giờ được thông qua nếu nó ảnh hưởng đến quyền lợi người trong Chính phủ Berlusconi. Một số thậm chí còn cho rằng nỗ lực ban hành bộ luật trên chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của chính bản thân Thủ tướng Ý mà thôi.

Đáp lại làn sóng chỉ trích, ngài Berlusconi nói rằng ông chỉ muốn hành động để bảo đảm rằng cuộc sống riêng tư của mỗi người dân Ý không bị xâm phạm. Bảo vệ sự riêng tư của mỗi người là điều hết sức ý nghĩa tại bất cứ nơi đâu trên thế giới. Đối với nước Ý, nơi có tới 30 triệu người bị nghe lén trong suốt 1 thập kỷ qua (theo báo cáo của Eurispes), thì điều này càng có ý nghĩa đặc biệt. "Nghe lén là một hình thức xâm phạm quyền lợi cá nhân", Thủ tướng Berlusconi nói với các phóng viên tại khu nghỉ mát của ông ở đảo Sardinia: "Ý sẽ không phải là một đất nước văn minh nếu hằng ngày chúng ta bắt gặp trên các trang báo chuyện một phụ nữ nói gì đó với bạn trai hoặc chồng của mình".
Chuyện "tai vách mạch rừng" từ nay sẽ chấm dứt tại Ý?

Đỗ Hùng
(Theo Newsweek)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.