Phát tài thời khủng hoảng

07/10/2008 23:20 GMT+7

Kỳ 1: 350 triệu USD trong 8 năm Trong khi Lehman Brothers sụp đổ vì nợ nần thì lãnh đạo của ngân hàng đầu tư khổng lồ này nhận được hàng trăm triệu USD tiền lương, thưởng và bồi thường.

350 triệu USD

Tiết lộ của ông Richard Fuld, người từng là Chủ tịch Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers nay đã bị phá sản, khiến cả nước Mỹ choáng váng. Hôm thứ hai đầu tuần này, trước Ủy ban Giám sát và Cải cách chính phủ thuộc Hạ viện, ông Fuld thừa nhận đã nhận được 350 triệu USD gồm tiền lương, thưởng và đền bù từ Lehman Brothers từ năm 2000 đến 2007. Đây là cuộc điều trần đầu tiên trong hàng loạt cuộc điều trần nhằm tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại.

“Để khôi phục sức khỏe cho nền kinh tế, cần phải thực hiện hai bước”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách chính phủ Henry Waxman nhấn mạnh vào đầu phiên điều trần. “Trước hết, chúng ta phải xác định điều gì không đúng đã xảy ra. Sau đó chúng ta phải thực hiện việc cải cách thực sự đối với thị trường tài chính”. Đoạn ngài Waxman hướng sang ông Fuld và hỏi rằng có phải là ông này từng nhận được 480 triệu USD tiền lương và thưởng từ năm 2000 hay không và liệu điều đó có công bằng hay không, theo BBC. Đáp lại, Fuld nói ông đã nhận được 350 triệu USD cho khoảng thời gian từ 2000 tới 2007 thông qua hệ thống chi trả bồi thường và hệ thống này vận hành rất hợp lý. “Chúng tôi có một ủy ban bồi thường phải luôn dành nhiều thời gian làm việc để đảm bảo rằng lợi ích của các lãnh đạo và nhân viên phù hợp với lợi ích của cổ đông”, ông Fuld nói. Lời biện bạch của ông Fuld dường như chẳng thể thuyết phục được mấy ông nghị vốn đang hết sức phẫn nộ trước hình thức chi trả bạo tay mà họ cho rằng đã trở thành văn hóa ở Lehman Brothers, kể cả trong giai đoạn tập đoàn này chìm trong khủng hoảng.

AP cho biết ủy ban của ngài Waxman còn phát hiện ra những tài liệu nội bộ của Lehman Brothers, theo đó vào ngày 11.9 vừa qua, tập đoàn này đã lên kế hoạch thông qua “các khoản chi trả đặc biệt” trị giá 18,2 triệu USD cho 2 lãnh đạo cấp cao bị thôi việc cùng một khoản 5 triệu USD cho một người tự nguyện xin nghỉ việc. Chuyện này chỉ xảy ra 4 ngày trước khi Lehman Brothers công bố kế hoạch nộp hồ sơ xin phá sản.

Cũng xin nhắc lại rằng vụ sụp đổ của Lehman Brothers là một trong những cơn địa chấn tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Vào thời điểm nộp đơn xin phá sản, ngày 15.9, Lehman Brothers đang vật lộn với các khoản nợ lên tới hàng trăm tỉ USD. Vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư này đã khiến một loạt thị trường chứng khoán chao đảo và là một trong những pha tác động có tính quyết định tới kế hoạch chi 700 tỉ USD để cứu nguy thị trường tài chính của Chính phủ Mỹ.

Có công bằng?

“Điều đó có công bằng không?”, câu hỏi của hạ nghị sĩ Waxman vang lên giữa hội trường cũng như trong lòng nước Mỹ. Có công bằng hay không khi chính phủ phải lấy 700 tỉ USD từ tiền thuế của dân để cứu nguy nền kinh tế, trong đó có những tập đoàn khổng lồ đang chìm trong nợ nần, thì chính lãnh đạo của các tổ chức này lại vô tư nhận hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD để hạ cánh an toàn? Có công bằng hay không khi công ty sụp đổ, hàng loạt cổ đông khánh kiệt trong khi lãnh đạo công ty vẫn phát tài với những khoản lương, thưởng và bồi thường cao như núi? Có công bằng hay không khi cả nền kinh tế Mỹ chao đảo trong khi kinh tế của những người như ông Fuld thì lại được gia cố thêm?

“Ngài nhận số tiền này bằng cách đẩy tiền bạc của người khác vào nguy cơ”, hạ nghị sĩ Waxman, đại biểu Dân chủ của bang California, bày tỏ nỗi bức xúc. “Hệ thống này hoạt động tốt đối với ngài, nhưng nó không tốt đối với phần còn lại của đất nước, với người nộp thuế, những người đang bỏ ra 700 tỉ USD để cứu nguy cho nền kinh tế”. Ông Fuld đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của nhà lập pháp Waxman mà lại nói vòng vo, rằng đêm nào ông ta cũng trăn trở về việc liệu có một phương cách nào đó có thể giúp Lehman Brothers tránh được sụp đổ như vừa qua hay không. AP dẫn lời ông Fuld nói rằng ban lãnh đạo Lehman Brothers đã cố hết sức để làm giảm những rủi ro nhằm cứu tập đoàn khỏi nguy cơ phá sản nhưng đã thất bại. Theo Fuld thì nguyên nhân của thất bại là do “khủng hoảng niềm tin” ở Phố Wall. “Bất chấp mọi nỗ lực, cuối cùng thì chúng tôi đã bị chôn vùi”, với khuôn mặt ủ dột, ông Fuld nói. Đoạn Fuld than thở rằng “nỗi đau này”, tức sự sụp đổ của Lehman Brothers, sẽ đeo đuổi ông ta suốt đời. Và ông cũng bày tỏ nỗi băn khoăn: “Tại sao Lehman không được chính phủ liên bang cứu như Bear Stearns, Fannie Mae, Freddie Mac, AIG?”. “Tôi sẽ thắc mắc điều này mãi, cho tới ngày người ta đưa tôi tới huyệt mộ”, ông Fuld nói trước ủy ban của ngài Henry Waxman.

Tuy nhiên, vẻ ủ dột, những lời than thở của ông Fuld khó tìm được sự cảm thông từ các nghị sĩ và cả người dân nước Mỹ. Khi ông Fuld đến dự buổi điều trần của Hạ viện hôm 6.10, nhiều người dân đã tụ tập tới đây để phản đối ông, họ giương cao những biểu ngữ: “Nỗi hổ thẹn”, “Trùm tham lam”... phía sau lưng ông. Quả thực, vẻ buồn bã của ông Fuld rất “chỏi” với khoản tiền cao như núi mà ông nhận được.

Nhưng cựu lãnh đạo Lehman Brothers chỉ là một trong số rất nhiều nhân vật cấp cao của các tập đoàn lớn nhận được những khoản tiền khổng lồ theo cách này. Trên thực tế, cái gọi là “chiếc dù vàng” đã mang đến tiền tài cho khối người nắm vị trí chủ chốt bất chấp doanh nghiệp do họ điều hành bị phá sản. (Kỳ 2: Chiếc dù vàng)

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.