Làng xây dở chừng, học sinh chịu khổ

16/11/2008 22:37 GMT+7

Năm 2006, Tổ chức Terre des hommes (CHLB Đức) tài trợ gần 4 tỉ đồng xây dựng Làng học sinh trường THPT huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa). Nhưng đến nay mới chỉ có 11 ngôi nhà được đưa vào sử dụng, 20 căn dở dang nằm phơi mưa nắng. Trong khi đó, hàng trăm học sinh vẫn đang phải dựng lều ven các sườn núi để trọ học.

Theo quyết định số 3632/QĐ UBND, ký ngày 25.11.2005 của UBND tỉnh Thanh Hóa, dự án Làng học sinh THPT Mường Lát được thực hiện trong 3 năm, với hơn 4 tỉ đồng xây 31 nhà ở nội trú, công trình phụ trợ, hệ thống điện nước, nhà bếp, khu vệ sinh cho học sinh. Trong đó vốn tài trợ 50%, vốn đối ứng địa phương 50%.

Sau gần 3 năm thi công, đến nay, mới chỉ có 11 căn nhà được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, 20 căn còn lại mới cơ bản hoàn thành xong phần đổ cột và lợp mái, chưa được xây tường xung quanh và công trình phụ trợ theo thiết kế. Ông Lương Văn Bường – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến công trình dở dang là do thiếu kinh phí đối ứng. Ngân sách huyện thì rất hạn chế, mỗi năm toàn huyện chỉ thu được khoảng 400 triệu đồng. Tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất tỉnh, việc huy động sức dân đóng góp là rất khó khăn nên không thể đầu tư được”. 

Trong khi chính quyền đang loay hoay tìm nguồn vốn thì các em học sinh nơi đây vẫn ngày đêm sống trong phấp phỏng, lo âu. Để có nơi ở, các em đành phải vào rừng chặt tre, nứa tự túc dựng lều, lán tạm bợ bên các sườn núi, triền suối quanh khu vực gần trường. Hơ Văn Sự (dân tộc Mông) - học sinh lớp 11C trường THPT Mương Lát, nhà ở bản Pá Hộc - xã Pù Nhi nói: “Nhà em cách trường gần 30 km, không thể đi về trong ngày được, nên em phải cùng các bạn là người trong bản làm lều ở đây gần 2 năm rồi.

Những hôm trời mưa bọn em phải thức cả đêm vì nước chảy vào ướt hết cả lán và lo chạy tránh lũ”. Lều tạm của 5 học sinh Thao Văn Di, Sùng A Ư, Chá Văn Di,... (lớp 12A) nhà ở xã Pu Nhi, Mường Chanh còn thảm hơn nhiều. Túp lều rộng chừng 4m2 được quây bằng phên nứa nằm cheo leo trên vách núi do tự tay các em làm. A Ư cho biết: “Muốn có cái chữ chúng em đành ở tạm như vậy, nhà nghèo tiền ăn không còn không đủ, lấy tiền đâu mà ở trọ". 

Tối đến, trong những căn lều tuềnh toàng ấy các em lại tụm lại học bài bên thứ ánh sáng lờ mờ từ ngọn đèn dầu leo lét. Nỗi lo của các em gần như thường trực, mùa khô thì lo cháy lều. Mùa mưa thì không thể lường trước được, với những túp lều tạm bợ, chênh vênh nơi triền suối sẽ có thể bị lũ cuốn trôi bất kể lúc nào.

Các em nữ còn khổ hơn, vì đêm đêm cánh trai tráng ở các bản gần lại đến chọc ghẹo.  Trước những khó khăn của các em học sinh, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trợ cấp nguồn kinh phí để hoàn thiện ngôi làng cho các em, nhưng đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. 2 tỉ đồng bằng 4 năm thu ngân sách của huyện vùng cao Mường Lát, vì vậy việc để huyện chèo chống lo vốn đối ứng là việc quá sức. Nhưng 2 tỉ đồng không phải là quá lớn đối với một tỉnh như Thanh Hóa nhưng cái khó có lẽ chính ở chỗ, hình như lâu lắm rồi các vị lãnh đạo của tỉnh, của ngành giáo dục không có dịp vượt hơn 300 km đến đây, để chứng kiến và cảm thông với những em học trò đang phải khốn khổ nơi đầu suối, cuối đèo, nhọc nhằn kiếm cái chữ.

Ngọc Minh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.