Độc chiếm vũ trụ

20/10/2006 01:21 GMT+7

Sau 10 năm, Mỹ lại đưa ra học thuyết mới về vũ trụ dưới tiêu đề “Chính sách quốc gia của Mỹ về vũ trụ". Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tài liệu này là Mỹ tự cho mình cái quyền độc chiếm vũ trụ.

Năm 1996, Mỹ đã công bố học thuyết đầu tiên của Mỹ về sử dụng vũ trụ với mục tiêu quan trọng nhất là nghiên cứu để hiểu biết đầy đủ hơn về trái đất và vũ trụ. Còn bây giờ, chính quyền Bush nhìn nhận vũ trụ dưới giác độ chính sách an ninh, dùng vũ trụ để tăng cường sự đảm bảo an ninh và đối phó hiệu quả hơn với những nguy cơ an ninh.

Với định hướng chính sách mới này, Mỹ coi vũ trụ là lợi ích quốc gia của Mỹ và vì vậy chính quyền Bush chủ trương độc quyền sử dụng vũ trụ theo phương châm Mỹ muốn làm gì thì làm trong vũ trụ nhưng lại không cho phép kẻ thù của Mỹ sử dụng vũ trụ. Để phục vụ mục tiêu ấy, Mỹ không tham gia bất cứ hiệp ước quốc tế nào ảnh hưởng đến khả năng tự tung tự tác của Mỹ trong vũ trụ. Năm 2005, Mỹ là thành viên duy nhất trong LHQ phản đối việc bắt đầu các cuộc đàm phán về cấm các loại vũ khí trong vũ trụ.

Học thuyết mới này của Mỹ về vũ trụ mang hơi thở và giọng văn, tinh thần và câu chữ của học thuyết an ninh được Tổng thống Mỹ Bush công bố sau sự kiện 11.9.2001. Lại phương cách hành động đơn phương tùy theo suy tính lợi ích của Mỹ. Lại tất cả vì mục tiêu tăng cường tiềm lực quân sự. Lại sử dụng lợi ích an ninh làm vỏ bọc cho những tính toán chiến lược khác...

Sự điều chỉnh nội dung trong và việc công bố định hướng chính sách mới này còn cho thấy Mỹ nhìn nhận trong những nỗ lực chinh phục vũ trụ của một số quốc gia và khu vực là thách thức mới và chủ trương đối phó bằng vừa tìm cách duy trì ưu thế hàng đầu, lại vừa  kiềm chế đối thủ cạnh tranh. Với  chính sách mới này, ông Bush không chỉ kế thừa, mà còn đi xa hơn cả thần tượng và người tiền nhiệm Ronald Reagan.

Khúc Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.