Những thai nhi bị chối bỏ

18/11/2009 11:05 GMT+7

Mang thai vì “ăn cơm trước kẻng”, ngoài ý muốn, gia đình quá nghèo khó, thích con trai lại ra con gái... Có rất nhiều lý do để những phụ nữ phá bỏ giọt máu của mình. Cám cảnh, nhiều người đã không quản công sức gom nhặt các em về lo chôn cất, hương khói.

Nhờ những tình nguyện viên trong nhóm “Bảo vệ sự sống” giúp đỡ, chúng tôi tìm đến Tu viện Dòng Chúa Cứu thế ở quận 3 - TPHCM, nơi nhiều thai nhi bị chối bỏ được những nhà hảo tâm đưa về lo nơi an nghỉ và hương khói.

m thầm đến, lặng lẽ đi

Chúng tôi được hướng dẫn đến nhà nguyện trong tu viện, nơi  dành cho những thai nhi xấu số. Nhà nguyện rất nhỏ, nằm trong khuôn viên tu viện và được bài trí gọn gàng. Trên các bức tường dán đầy những tấm bảng nhỏ, trên đó ghi ngày, tháng, năm sinh - mất, giới tính của từng thai nhi.

Những em nào nhà nguyện tiếp nhận cùng ngày sẽ được xếp chung một bảng. Có bảng chúng tôi đếm gần 5 cái tên. Hầu hết những tên này đều do những người tình nguyện đi gom nhặt các em mang đến đây tự đặt. Có em không rõ trai hay gái.

Khi chúng tôi đến, nhà nguyện khá vắng vẻ. Vài nén nhang đang cháy dở trong lư hương. Bên cạnh lư hương là những bao xốp đen đựng các hũ sành. Trong đó là những thi thể, có cái chưa thành hình hài, của các thai nhi xấu số mới được đưa đến đây.

Một tình nguyện viên trong nhóm “Bảo vệ sự sống” giở một hũ sành ra. Chúng tôi cay mắt khi thấy một thai nhi bé bỏng, đỏ hỏn như mới vừa lọt lòng mẹ. Cái bao xốp bọc bên ngoài hũ sành vẫn còn ấm hơi người, chứng tỏ nó vừa được ai đó đem đến nhà nguyện. Một phụ nữ đang thắp hương trong nhà nguyện cho biết: “Cách đây vài phút, có một phụ nữ âm thầm đến đặt hũ sành ở đó và lặng lẽ bỏ đi”.

Bác Nguyễn Văn Bảy, người trông coi tu viện, thở dài khi nghe chúng tôi hỏi thăm về những thai nhi bị chối bỏ được đưa đến nhà nguyện này: “Nhiều lắm! Có đêm, các tình nguyện viên mang về đây rất nhiều bọc đựng thai nhi mà họ thu gom từ các bệnh viện, phòng khám phụ sản có nạo phá thai”.

Bác Bảy cho biết ngày càng nhiều người biết nhà nguyện này có chỗ hương khói cho thai nhi bị phá bỏ nên đã tìm đến. Giọng bác Bảy chùng xuống khi kể lại câu chuyện ông chứng kiến mới đây: “Hôm đó, một cô gái chừng hơn 20 tuổi tới đây âm thầm bỏ lại cái bọc đen đựng giọt máu mà cô ta vừa phá bỏ rồi sụt sùi gởi gắm: “Xin hãy lo cho con con”. Chưa kịp nghe tôi nói gì, cô đã vội vã đón xe ôm ra ga lên tàu về Hà Nội”.

Một đi không trở lại

Trung bình một tuần, nhóm “Bảo vệ sự sống” tiếp nhận hơn 10 thai nhi bị phá bỏ. Trong đó, có cả thai nhi chưa rõ hình hài và có em đã lớn như một trẻ sơ sinh. Không ít trường hợp là sinh viên, công nhân từ các tỉnh đến đây bỏ con.

Sau khi trút bỏ núm ruột của mình, các bà mẹ đem đến gửi ở phòng bảo vệ tu viện hoặc đưa thẳng vào nhà nguyện. Chị Nguyễn Thị Liễu, người phụ trách trực tiếp nhóm tình nguyện viên “Bảo vệ sự sống”, cho biết đa số một đi không trở lại, song cũng có vài bà mẹ quay về thăm viếng giọt máu của mình nhưng chỉ được một lần hiếm hoi.

Một lần ở Tu viện Dòng Chúa Cứu thế vào giữa tháng 10-2009, chúng tôi gặp N.T.T.H và bạn trai từ Đà Nẵng đến đây xin được tư vấn bỏ hay giữ giọt máu của họ.

Khi người tư vấn hỏi lý do phải bỏ con, T.H ngại ngùng: “Tụi con yêu nhau, bị gia đình phản đối. Giờ lỡ có thai, gia đình con không cho sinh và bắt phải bỏ”. Người tư vấn thắc mắc: “Vậy con có thương con mình không?”. T.H lí nhí: “Dạ thương”. “Thế sao không cố giữ?”. “Tụi con bị phản đối và gia cảnh lại khó khăn”.

Người tư vấn khuyên cô gái đến một nhà lưu trú dành cho những phụ nữ đồng cảnh ngộ để tĩnh tâm suy nghĩ cho chín chắn. Tại đây, T.H sẽ được tình nguyện viên chăm sóc với hy vọng cô sẽ giữ lại giọt máu của mình.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện, T.H rầu rĩ: “Bác sĩ cho biết cái thai của em đã hơn 6 tháng rồi, bỏ rất nguy hiểm. Có người chỉ em đến tu viện này để tư vấn. Giờ được tư vấn rồi, em vẫn chưa hết lo”.

Có lẽ T.H lo sợ nguy hiểm sẽ xảy ra khi phải nạo phá giọt máu đã nên hình hài và cũng có thể tình mẫu tử thiêng liêng đang trỗi dậy trong cô. Đóng cuốn nhật ký làm việc, người tư vấn thở dài với chúng tôi: “Có rất nhiều trường hợp tương tự đã đến đây nhờ chúng tôi tư vấn như thế”.

Một lần khác, chúng tôi gặp L.P, quê Tiền Giang, lên TPHCM làm công nhân chừng nửa năm nay. L.P cho biết khi mới lên TP, cô đã yêu một chàng trai quê Thanh Hóa tên N.V.H và đồng ý cho anh ta dọn về ở cùng nhà trọ.

Chỉ 2 tháng sau, L.P có thai. Khi nghe tin này, V.H thẳng thừng yêu cầu L.P: “Nếu muốn cưới hỏi đàng hoàng thì phải phá bỏ cái thai đi!”. Không biết nên giữ hay phá, L.P đã tìm đến tu viện xin tư vấn lúc mang thai đã hơn 3 tháng.

Khi L.H ra về, chúng tôi thấy V.H đứng bên đường chờ cô và luôn miệng la mắng. Bác Nguyễn Văn Bảy cho biết sau đó không bao lâu, anh ta đã đến phòng bảo vệ tu viện và gửi lại một bao xốp đen...

Tìm mọi cách giữ lại mầm sống

Chị Nguyễn Thị Liễu cho biết tiêu chí của nhóm “Bảo vệ sự sống” là bằng mọi cách giữ lại mầm sống qua những lời lẽ khuyên can và cả sự giúp đỡ về vật chất cho các cô gái đang mang thai muốn phá bỏ vì những lý do khác nhau.

Tuy nhiên, không phải lần tư vấn nào cũng thành công, bởi nhiều người đã quyết ý bỏ hoặc uống thuốc phá thai trước đó.

Chị Liễu nhớ lại một trường hợp đau lòng: “Giữa tháng 7-2009, chúng tôi tiếp một cô gái mang thai gần 8 tháng. Dù chúng tôi đã hết sức can ngăn và giúp đỡ tận tình nhưng cô ta vẫn quyết định sinh non để bỏ đứa bé.

Trước tình cảnh như thế, các tình nguyện viên chúng tôi chỉ biết nén đau xót đến cơ sở y tế xin được nhìn mặt thai nhi. Khi thấy hình ảnh đứa trẻ ra khỏi lòng mẹ vẫn còn thoi thóp một lúc mới từ giã cõi đời, chúng tôi đã bật khóc và bất lực nhìn em ra đi”...

Theo Thu Hồng - Thu Hương / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.