Sài Gòn sống chung với triều cường - Bài 1: Nhà nhà xây "đê"

09/11/2010 15:05 GMT+7

(TNO) Triều cường đã thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều người dân TP.HCM. Nước tràn vào nhà, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, chuyện mưu sinh của nhiều người rối tung rối mù với nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Triều cường đang diễn biến vô cùng phức tạp khi những đỉnh mới liên tục xuất hiện. Dường như mọi người đều bất lực trước cái lẽ "lên theo con nước" này? Có lẽ, người Sài Gòn đã đến lúc phải "sống chung" với triều cường rồi!

"Giặc" nước hoành hành

Trước dự báo triều cường tại TP.HCM sẽ tạo đỉnh kỷ lục mới vào chiều 8.11, chúng tôi đã xuống thực tế tại khu Bình Quới (Q.Bình Thạnh) vào đêm 6.11.

Trời đã khuya mà anh Lê Anh Tấn, nhà ở đường Bình Quới vẫn hì hục trộn xi măng với đống cát trước nhà.

Anh đang khẩn trương xây vách ngăn ngay trước cửa để chặn con nước dâng cao từ đợt triều cường tiếp tục “quậy” vào rạng sáng hôm sau.


Anh Tấn tranh thủ xây vách ngăn ngay giữa hai đợt triều cường - Ảnh: Trí Quang

 
Chỉ trước đó chừng 20 phút, dòng nước dữ tợn của đợt triều cường dâng lúc 17 giờ chiều mới vừa rút bớt, sau khi làm ngập úng cả nhà anh Tấn cũng như cả con đường Bình Quới, với chiều cao gần nửa mét.


Mỗi khi đường Bình Quới ngập sâu đến gần hết bánh xe, hàng loạt nhà dân bị nước tràn vào  - Ảnh: Trí Quang

“Nhân lúc nước rút, tui tranh thủ xây tạm cái đê chắn nhỏ để ngăn nước dâng trong vài tiếng đồng hồ tới, mấy bao cát chịu đựng hết nổi nữa rồi”, anh Tấn than thở với đôi mắt thâm quầng vì phải thức trắng suốt mấy đêm vừa rồi để đối phó với con nước dâng cao liên tục lúc nửa đêm về sáng.

Bao nhiêu năm qua, người dân khu này đã quá ám ảnh hai tiếng "triều cường", họ coi những đợt lên xuống của con nước này là “giặc”.


Đến bàn ăn cơm cũng phải kê cao như thế này - Ảnh: Trí Quang

“Giặc” mặc sức len lỏi vào phòng ngủ, “giặc” ngang nhiên ngập sâu nhà tắm, “giặc” hả hê “xới” tung đồ đạc và “giặc” tha hồ làm đảo lộn cuộc sống mọi người…

“Cũng vì triều cường mà vợ chồng tui không thể để con cái ở đây được mà phải gửi ở nhà bà ngoại. Tối tối không có con cái ở đây cũng nhớ  lắm”, anh Tấn chia sẻ.

Triều cường không đã khổ, những khi nước dâng cao “cặp kè” với mưa to kéo dài, người dân sống tại khu vực Bình Quới càng rơi vào cảnh điêu đứng.

Nếu đi dọc đường Bình Quới, qua khu chung cư Thanh Đa, dễ thấy hầu như nhà nào cũng xây “đê bao” thành vách chắn nước triều cường, và thậm chí cũng có không ít gia đình làm “đập” nhỏ ngay trước cửa để tiêu nước.


Những con "đập" nhỏ trước nhà dùng để tiêu nước triều cường ở lô A, chung cư Thanh Đa - Ảnh: Trí Quang

Xây “đê” chống… "giặc"

Hai vợ chồng nhà chị Xuân, ở kế bên nhà anh Tấn cũng đang gấp rút xây “đê bao” (vách ngăn) trước cửa để chống "giặc". Mấy đêm liền, cả nhà chị phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để tát nước ra ngoài.

“Nước không chỉ tràn từ ngoài vào mà còn ứ lên từ hệ thống cống trong nhà, mỗi lần vậy là khổ lắm", chị Xuân cho hay.


Nhà tắm cũng phải xây "đê" để ngăn nước ứ ngược lên từ hệ thống cống - Ảnh: Trí Quang

Đến chỗ nằm ngủ cũng không có, hai vợ chồng phải kê ghế để ngủ tạm, vừa ngủ vừa canh nước dâng
Chị Xuân
Chồng chị Xuân cũng vừa mới xây “đê” ngay tại cửa nhà tắm để ngăn nước ứ lên từ lỗ cống trong phòng tắm. Nhưng bịt chỗ này, thì "thằng giặc" lại ương ngạnh ngoi lên chỗ khác.

Chị Xuân cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, ngày nào cũng có đều đặn hai đợt triều cường. “Đợt một từ 5, 6 giờ chiều cho tới 9 giờ tối, đợt 2 là từ 3 giờ sáng cho tới 6 giờ sáng. Cả ngày cứ lo đối phó với con nước dâng, thử hỏi làm ăn  sao cho được”, chị Xuân quặn lòng nói.

Giống như vậy, chị Thu, bán quán ăn ở khu vực gần đó, cũng tỏ ra vô cùng lo lắng vì không biết bao giờ triều cường mới giảm.


Hễ có triều cường kèm mưa to, nhà chị Thu tan nát thế này - Ảnh: Trí Quang

Suốt nhiều ngày qua, chị không buôn bán gì được vì mải lo chống chọi với mực nước dâng cao nửa mét trước quán.

Hễ cứ đến 17 giờ chiều, chị Thu lại lo khiêng bao cát chắn thành con “đê” lớn, rồi cơi nới thêm mấy tấm ván để ngăn nước tràn vào.

“Mấy năm trước nước đâu có lên cao dữ vậy, không hiểu tại sao năm nay triều cường lại phức tạp đến thế. Nếu từ đây đến cuối tháng cứ ngập úng thế này thì tui không biết làm sao sống đây”, chị Thu buồn rầu đặt câu hỏi cho chính mình.

Triều cường năm sau cao hơn năm trước

Từ năm 2004 đến nay, đỉnh triều cao nhất năm liên tục tăng. Nhiều đợt triều cường có mực nước đỉnh triều đạt và vượt giá trị trong chuỗi số liệu lịch sử, năm sau cao hơn năm trước như đỉnh triều cường năm 2006 tại trạm Phú An mực nước đạt lịch sử là 1,47m, năm 2007 đỉnh triều lại cao là 1,49m, năm 2008 là 1,55m, năm 2009 là 1,56m và năm nay có thể sẽ là 1,58m

Đợt triều cường giữa tháng 11 năm 2008 có đỉnh triều lịch sử trong vòng 49 năm (kể từ năm 1960) vào chiều ngày 13.11.2008 (nhằm ngày 16.10 âm lịch) là 1,54 m.

Sáng ngày 15.12.2008, đỉnh triều lại còn cao hơn tháng 11, với đỉnh triều đạt 1,55m (nhằm ngày 19.11 âm lịch) là 1,55 m (lúc 5 giờ) vượt mức báo động cấp III (0,05 m). 

Năm 2009, đỉnh triều tiếp tục phá kỷ lục của năm 2008, đạt đỉnh triều cao 1,56m (ngày 14.11 nhằm ngày 28.9 âm lịch).

Và năm 2010, chiều tối ngày 7.11, đỉnh triều đã đạt mức là 1,55m (nhằm ngày 2.10 âm lịch).

Rõ ràng mực nước đỉnh triều ngày càng cao hơn, và khi phân tích số liệu đỉnh triều cả năm cho thấy không chỉ vào các tháng cao điểm của triều cường là tháng 10, 11 và 12, mà các tháng khác cũng có xu hướng dâng cao.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Nguyễn Lê Hạnh (Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ)

(Còn tiếp)

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.