Ngày trở về - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Dung

07/10/2006 16:40 GMT+7

Nắng chói lòa. Bầu trời cao xanh và gió lồng lộng thổi. Con đường cái phía trước bụi mù, thưa thớt người qua lại. Hoành xốc lại chiếc túi trên vai, cắm cúi bước. Đường về nhà dài dằng dặc.

Như dự đoán, không ai đón Hoành. Mà cũng chẳng cần. Một thằng đàn ông ba mươi tuổi, quan trọng gì chuyện đón đưa. Không phải vì không có tiền nên phải đi bộ. Mà vì muốn được đi bộ, được suy nghĩ, được chùng chình trước khi đặt chân về mảnh đất quê hương. Muốn được thấm đẫm cảm giác hạnh phúc và buồn bã, mệt mỏi và hưng phấn, thảnh thơi và day dứt...

Mỗi lần có chiếc xe khách ào qua, chú lơ xe lại nhô hẳn người ra vẫy rối rít, nhưng xem ra chẳng ai lay chuyển nổi vị khách này.

Thị trấn ven đường nghèo nàn, lèo tèo những ngôi nhà mái bằng xây kệch cỡm. Những hàng quán vắng hoe. Đâu đó tiếng học bài ê a, tiếng quét sân bằng chổi rễ loẹt xoẹt khiến anh thốt nhớ về mảnh sân con và cái dáng lưng còng của mẹ.

Bây giờ mẹ đang làm gì? Băm bèo nấu cám, quét mảnh sân con và nhìn ra cổng đợi anh về? Người đàn bà bất hạnh và cam chịu. Mẹ hiền đến mức chẳng bao giờ làm ai đau dù chỉ là một lời nói, luôn âm thầm gánh lấy những bất hạnh người khác trút lên bà. Hoành hình dung những năm qua mẹ sống rất khó khăn, đã nhẫn nhịn càng thêm nhẫn nhịn. Người làng sẽ ngang nhiên nhảy vào vườn nhà anh mà vặt rau, hái quả không thèm hỏi mẹ một câu, bà cũng đành lòng. Mẹ là thế. Không phải bà sợ, không phải bà không bực mình, mà bà lo sẽ làm họ buồn, họ khổ nếu mình lỡ trách móc họ.

Người làng thường chế giễu mẹ là khù khờ, là đần độn. Hồi đó, nhà có con chó bị bọn trộm đánh bả mã tiền, chó ăn say thuốc, nhưng lại chạy vào nhà nằm chết nên bọn trộm chó không túm được. Mẹ mổ thịt mang ra chợ bán. Bà thật thà nói với khách mua: "Con chó nhà tôi bị đánh bả mã tiền, vừa chết xong thì tôi mổ thịt ngay, còn tươi lắm đấy!".

Người ta truyền miệng nhau câu chuyện này và ôm bụng, lăn ra đất mà cười. Ai đời có người trong mua bán lại thật thà ngốc nghếch như vậy. Bước chân anh nặng trĩu. Nắng đã lên cao, mồ hôi thấm đẫm áo. Cảnh vật buồn tẻ diễn ra hai bên đường. Bụi đỏ và những hàng quán èo uột. Phải nghĩ điều gì đó cho đỡ buồn. Nghĩ điều gì đó để quên thực tại - đó là cách mà anh luyện được trong thời gian năm năm xa nhà.

Phải nghĩ điều gì bây giờ? Chuyện vui? Chuyện gì vui trong quá khứ của mình? Khi được mẹ may áo mới, khi được ăn miếng bánh chưng đầu tiên mỗi dịp Tết đến hay những điểm mười chói đỏ? Tất cả những niềm vui của anh rất mong manh và mau tàn. Hay là hãy nghĩ đến Hiền, người con gái anh từng yêu. Cũng chỉ là ký ức rời rạc và buồn bã. Phải đi nhanh, đi nhanh hơn nữa! Đi bộ đã thành một khả năng phi thường của anh. Thời xưa, anh từng phải cuốc bộ mười cây số mỗi ngày để đi học. Dép cao su cứa vào chân sưng phồng. Đám bạn được đi đến trường với bố mẹ bằng xe, khi nghĩ tới điều này là Hoành thấy tủi thân. Nhưng tủi hơn hết vẫn là phải bỏ học giữa chừng.

- Hoành!

 Anh giật mình. Mẹ anh đang đứng ở ngã ba đường. Mẹ ra đón mình! Anh cảm động, nước mắt suýt ứa ra, song thoắt cái anh đã cau mày:

 - Sao mẹ phải ra đây làm gì?

Mẹ ngả nón, rối rít quạt cho anh:

- Con đi có mệt không?

- Con có còn là con nít đâu mà mẹ phải đón. Nắng nôi như thế này. Áo mẹ ướt hết rồi kìa.

Anh gắt nhẹ. Mẹ hơi cuống lên trông thật tội, anh bỗng ân hận, vội dịu giọng:

- Mẹ có mỏi chân không?

- Mẹ không sao mà.

Mặt bà giãn ra một nụ cười tội nghiệp. Cả đời mẹ lúc nào cũng như có lỗi, ngay cả với lỗi lầm của người khác.

Anh nhớ hồi bố còn sống, ông thường quát tháo xỉ vả bà thậm tệ, có khi chẳng vì chuyện gì to tát cả. Hồi mới chuyển về quê sau chuỗi ngày thất thế ở xứ người, ông muốn ra oai với hàng xóm, họ hàng, khoe có vợ hiền. Giữa lúc nhà đầy khách khứa, ông dõng dạc rung đùi quát:

- Hòa!

- Dạ!

- Lấy cho tao cái điếu.

  Mẹ đang nấu nước dưới bếp, lật đật chạy lên lấy chiếc điếu cày dựng ở xó nhà, cách bố vài sải tay, kính cẩn đưa cho ông bằng cả hai tay trước sự kinh ngạc của họ hàng. Bà vừa quay gót, ông lại rung đùi dõng dạc:

- Hòa!

- Dạ!

- Lấy tao cái đóm.

Mẹ quay vào, bó đóm chẻ sẵn, để ngay dưới chân bàn, mẹ rút một que đưa lên.

Ông lừ mắt:

-  Châm thuốc!

Bà răm rắp châm thuốc, bố kéo một hơi dài, mặt cau cau. Đến nước này hàng xóm nhìn nhau, cố nén cười.

- Mẹ có khỏe không? Cái chân của mẹ dạo này thế nào rồi?

Ký ức về mẹ làm anh nôn nao, thương mẹ đến quặn lòng. Anh khẽ chạm vào vai mẹ. Bà ngước nhìn anh, lại nụ cười tồi tội như có lỗi:

- Mẹ khỏe, mẹ khỏe con ạ. Con về là quý rồi.

Bà nói và như trút được gánh nặng trong lòng. Chắc thời gian qua mẹ phải vất vả lắm. Là thằng con trai, anh đã làm được gì cho mẹ ngoài những nỗi lo, tủi nhục. Mẹ thật là một bà mẹ bất hạnh, anh thầm nghĩ. Mẹ chưa từng hưởng niềm vui nào từ bầy con của mình. Chị cả đi lấy chồng sớm, mười ngày thì chín ngày sang nhà sớt thức ăn mang về. Khi thì đĩa dưa muối, mấy quả cà, bát mỡ nước. Nhiều khi nhà chẳng có gì, chị nhón cả trứng gà ấp trong ổ. Có gì ăn được là chị vơ vét khuân về. Con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng cuỗm đi! Có lần anh nói với mẹ, bà mắng át đi: "Có gì đâu! Chị con nó cũng khó khăn mà!". Chuyện đó cũng không đáng nói mà cái chính là mỗi khi hai vợ chồng chửi bới nhau, anh rể đem cả tông ti họ hàng nhà vợ ra chửi. Đã có lần Hoành vác dao sang, định chém anh rể. Ông anh rể gầy gò nhỏ thó, sợ hãi chui tọt vào gậm giường. Chị hét toáng lên:

- Hoành, mày định làm gì vậy? Chuyện riêng nhà tao mày đừng có xen vào!

Hoành xách cổ ông anh rể run lập cập dưới gầm giường lôi ra, cho mấy cái bạt tai:

- Tôi thay mặt mẹ, trừng trị ông đã dám xúc phạm đến tông ti họ hàng nhà này. Từ nay hai vợ chồng cãi nhau cấm lôi họ mạc ra chửi, không thì đừng trách thằng này hỗn!

Khi Hoành vừa bỏ cổ áo anh rể ra, bà chị đã bay đến bên chồng, vội vã lấy cao xoa lên vết sưng trên má gã, vẻ xót xa lắm. Hoành bực mình phì cười, ngán ngẩm: "Đúng là vợ chồng nhà phường chèo!".

- Vợ chồng chị cả... có gì mới không? - Anh đang định hỏi xem vợ chồng họ còn hay chửi nhau không, nhưng lại thôi.

- Nó mới đẻ thêm đứa nữa.

- Lại đẻ! Mấy đứa rồi? Bốn phải không?

- Năm. Toàn vịt giời. Chắc lại cố đẻ thêm đứa nữa đấy!

Anh thở dài. Đàn ông làng đa số độc tài, tự cho mình cái quyền đánh vợ. Ai bị coi là sợ vợ thì mất hết thể diện. Họ đúc kết: vợ là phải dạy dỗ, thuần hóa, có thể dùng vũ lực khi cần thiết.

Anh đã từng hứa với Hiền sẽ không dùng vũ lực, cũng không đẻ nhiều con, dù là trai hay gái. Hiền hỏi lại: "Thật không đấy? Anh nóng tính như lửa, khó tin lắm. Nếu không vậy thì đừng hòng mà lấy em". "Tại sao anh phải nói dối? Đánh phụ nữ là hèn. Phụ nữ là hoa, là hiện thân của cái đẹp, phải nâng niu bảo bọc mới đúng, tại sao lại cho mình cái quyền áp chế người khác?". Hiền thích chí véo má anh đau điếng: "Hứa rồi đấy nhé. Em đồng ý lấy anh đấy!".

***

Làng đã hiện ra, cánh đồng bát ngát đang thì con gái. Mùi hương lúa thơm lạ lùng, đánh thức trong anh một nỗi nhớ mơ hồ. Sóng lúa rờn rợn, xô nhau chạy, tiếng lúa cọ vào nhau như tiếng cười trong trẻo, rì rầm. Mẹ đi bên anh, bé nhỏ và lặng lẽ. Con đường làng ngoằn ngoèo trải sỏi trắng sáng lấp lánh trong ánh mặt trời. Đầu làng là một gốc đa to. Đang lúc nông nhàn, người làng tụ tập quanh gốc đa hóng mát. Gốc đa này được anh gọi là trạm truyền thông của làng. Mọi tin tức nhỏ nhất sẽ từ đây loan đi nhanh với tốc độ kinh khủng và sẽ được khuếch đại ghê gớm. Cho dù anh đã khinh thường nó nhưng vẫn có cảm giác ram ráp khi bị những ánh mắt hiếu kỳ quét ngang người. Phải thản nhiên như không ấy. Anh tự nhủ song những sợi ria mép vẫn động đậy. Mẹ cất tiếng chào mọi người. Anh cũng gật đầu chào một cách hờ hững.

- Đã về hả?

- Vâng.

- Lâu ngày không gặp, rắn rỏi quá.

- Vâng - Anh nhìn khắp lượt - Mọi người khỏe cả chứ?

- Khỏe cả. Khỏe cả.

- Mùa màng năm nay thế nào?

- Mùa màng à? Tốt! Tốt lắm.

Những câu xã giao làm anh mệt bã người. Anh xách túi rẽ vào hẻm nhà mình. Vẫn con đường đất lở lói, những ngôi nhà cũ mèm trong ký ức. Đám trẻ con chơi ngoài đường, nhìn chúng là lạ quen quen. Năm năm qua, nhiều đứa trẻ ra đời, không ít trai gái đã trưởng thành và những đứa cởi truồng xưa kia giờ có thể đã là những cô cậu bé nhanh nhẹn, rắn rỏi.

- Chú Hoành kìa, tụi mày ơi!

Có nhiều đứa nhận ra Hoành. Anh mỉm cười nhìn chúng. Chúng rụt rè chào anh. Trong đám trẻ, một cô bé trạc ba tuổi ngước nhìn anh với cặp mắt thật quen.

- Nhận ra con ai không?

- ...

- Con của cái Hiền đấy.

Đi được hai năm, anh được tin Hiền lấy chồng. Cô bé con này có cặp mắt của Hiền, cái miệng của Hiền, cả nốt ruồi ở cằm xinh xinh cũng giống nốt.

Bước vào nhà, anh xây xẩm mặt mày khi mùi đất nền xông lên mát rượi. Căn nhà tối và u tịch. Hầu như không có đồ đạc nào đáng giá. Tất cả tiện nghi xưa kia đã đội nón ra đi theo anh từ năm năm trước. Chị Biển ngồi bên cửa sổ cặm cụi thêu. Không ngẩng lên, giọng chị nhàn nhạt:

- Cậu về.

- Vâng. Chị vẫn thêu à?

- Cơm nước chưa con? Chắc em nó đói lắm rồi - Mẹ tất tả đi vào nhà.

Chị buông kim, lặng lẽ xuống bếp dọn mâm. Cả ba cùng ăn dưới bếp như xưa, một thói quen của mấy chục năm, sau ngày bố mất. Mẹ ngồi gắp cho anh. Thỉnh thoảng, bà đưa tay chùi mắt. Chị đang lặng lẽ ăn, nhăn mặt gắt:

- Mẹ ăn đi! Cứ như vậy cậu ấy ăn sao được.

Những khi cau có, trông chị già kinh khủng. Mà chị còn trẻ trung gì, đã ngoài ba mươi rồi. Những nếp nhăn đã hiện ở đuôi mắt. Nhìn chị, anh thấy buồn hối lỗi. Sau chuyện xảy ra, người nhà bên đó đã từ hôn. Và chị cứ lặng lẽ sống như vậy. Nhớ lại chuyện này, miếng cơm nghẹn ngang cổ. Anh buông đũa. Mẹ lo lắng:

- Con ăn không vừa miệng à?

- Không, ngon lắm mẹ ạ. Nhưng con no rồi.

Sau bữa ăn, anh ra giếng rửa bát cùng chị. Chị vẫn kiệm lời như xưa. Chợt chị ngẩng đầu lên nhìn anh:

- Hiền mấy hôm rồi nó mới hỏi thăm cậu đấy.

Nhắc đến Hiền, tim anh đập gấp.

- Cô ấy... có khỏe không?

- Nói thực thì không.

Sau ngày anh đi, Hiền bị gia đình bắt lấy chồng. Hiền đã từng lên tìm anh nhiều lần. Anh kiên quyết rời bỏ cô ấy. Thậm chí anh đã tìm lý do để xỉ vả cô ấy, đổ lỗi cho cô: vì gia đình cô mà sự việc đã đi đến chỗ tồi tệ. Sau đó, cô đã lấy chồng ở xã bên. Đó là một kẻ rượu chè, cờ bạc, tàn nhẫn với vợ con.

- Cô ấy cương quyết bỏ chồng về nhà, bị bố mẹ và anh đuổi, Hiền ra rìa làng sống, một mình nuôi con.

- Còn chị những năm qua...

- Vẫn thế thôi.

- Chị hận em lắm, đúng không?

- Thôi đừng nói chuyện đó. Đã năm năm rồi mà.

Anh định nói nữa nhưng sợ chị cau mặt. Sợ nhất là phải nhìn thấy chị già. Hồi đó, chị đã mắng chửi anh, đã khóc mất cả tiếng, mắt sưng húp. Hoành đã là người phá hoại hạnh phúc trong tầm tay của chị.

- Những năm qua gia đình mình sống thế nào?

- Ban đầu cũng khổ lắm, cậu cũng hình dung được đấy. Tiếng chì tiếng bấc. Rồi sau cũng qua đi. Nhưng cả họ lẫn mình, có ai sung sướng đâu. Sống trong thù hận mệt mỏi lắm. Cậu thôi đi, cậu ạ.

Chị ngước nhìn anh, khẩn khoản. Anh cũng đâu có sung sướng gì. Đã trả giá cho một phút nông nổi bằng chính tuổi trẻ và hạnh phúc của mình. Tất cả hạnh phúc đang nhen nhóm phút chốc tan thành mây khói. Và còn bao nhiêu người thân khổ vì anh nữa.

Anh thu mình trên chiếc chõng tre, ngồi hút thuốc lào vặt. Mẹ vẫn lúi húi dưới bếp, lo lợn gà, bèo cám. Những cái bóng thập thò đầu ngõ rồi thoắt biến mất. Chắc chắn mọi người sẽ còn tiếp tục phải khổ tâm về mình rất nhiều trước búa rìu dư luận. Chẳng ai sống bằng dư luận nhưng dư luận có thể giết chết người ta.

(Còn tiếp)

N.H.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.