Va quệt và “sến”

17/10/2009 13:34 GMT+7

1. Trong phim Việt Nam hay có chi tiết kiểu này: một chàng trai lái xe hơi đụng phải một cô gái, cô gái (nghèo, đi xe đạp) té xuống đường xuýt xoa, chàng đến đỡ nàng lên, hai người nhìn đắm đuối vào mắt nhau, ngây ngây, xao xuyến, rồi theo cái logic rất chi dễ dãi, thể nào họ cũng yêu nhau.

Bây giờ, thỉnh thoảng trong một số phim, các đạo diễn salon vẫn thường dùng tới các loại tình tiết kiểu như thế để thuyết phục những khán giả có nhu cầu mộng mơ. Thì cũng chẳng sao. Phim mà. Tin thì coi, không tin thì tắt tivi đi ngủ.

Dù sao, cũng không ai dám tin và làm theo lời khuyên của các đạo diễn, tức là khi ra đường chẳng may có va quệt, cứ làm như phim, là chầm chậm nhìn vào mắt nhau, thẹn thùng, hỏi những câu văn hoa xa vời hay xin địa chỉ, số điện thoại để hỏi thăm, để đến bù đắp thiệt hại...

2.Một vụ va quệt xảy ra giữa một anh đi xe Lexus và một cô sinh viên đi xe đạp điện. Chuyện là anh chàng nọ mới tậu “con” Lexus có một tuần thôi, đang ngày nghỉ, nên lái xe lượn một vòng “khoe hàng” cho thiên hạ lác mắt chơi, mà vì xe mới, nên anh lúng ta lúng túng, sợ đụng bên nọ quệt bên kia, trong lúc căng thẳng chỗ kẹt xe, thì sự cố xảy ra. Anh bước xuống, áo quần bóng lộn, rất chi đàng hoàng rút khăn mùi-soa lau mồ hôi trán rồi bước lui phía sau, dùng khăn mùi-soa phủi phủi hông xe, tìm chỗ va quệt.

Cô sinh viên đứng ấp a ấp úng: “Tại anh ép em lên lề chứ bộ. Em chỉ đụng vô cái càng sau của xe anh thôi, xe đạp em bị bể dè vì lao lên đường, còn xe anh hổng có bị gì đâu mà tìm cho mệt”. “Cảnh sát hình sự” lau mồ hôi trán lần nữa rồi lạnh lùng mở cửa xe, ngồi lên, đóng kính rất êm. Chiếc Lexus của chàng lăn bánh lướt đi êm ru, để lại một con đường bị tắc cứng, rối loạn inh ỏi chỉ vì mọi người phải đợi thời gian anh tìm kiếm, giải quyết cái “vết trầy dân sự” quá lâu.

Cô sinh viên đứng lại với cái xe đạp rớt dè, hẳn một phen thất vọng vì chàng chẳng đắm đuối nhìn vào mắt nhau, xin địa chỉ như trong phim gì cả!

3.Hằng ngày đi đường, có thể chứng kiến nhiều vụ va quệt chẳng… như phim.

Một người bạn Hà Nội vào Sài Gòn nhận xét rằng đi đường trong này sướng hơn ngoài kia. Ở đây có lẽ mọi người bận rộn quá, nên mọi cú va chạm có khi long đầu, sứt mui xe người ta vẫn “tùy cơ ứng biến” giải quyết với nhau nhanh chóng để đi, cùng lắm là có vài lời qua tiếng lại ví dụ: “Cô kia đi gì kỳ vậy?” hay gay gắt dân sự hơn: “Sao ông vượt đèn đỏ?” hoặc có khi đánh vào tự ái sinh lý học của đối phương như: “Có mắt không vậy cha?”…

Anh bạn kết luận, ít khi thấy những vụ va quệt căng thẳng trở thành… võ đài. Vì ai cũng sợ rầy rà lỡ việc mình, ai cũng lo lắng những vụ lùm xùm gây thêm một hậu quả chung, đó là sự tắc đường. Nếu có sứt đầu xe, trầy trụa sơn thì cũng là mặc cả ngay, đền “tiền tươi” cho “nạn nhân” đi kiếm chỗ tu sửa giùm, rồi đi tiếp. Người ta tự giải quyết vấn đề dân sự theo đúng “thương thảo” luật pháp với nhau, cực chẳng đã, đổ máu mới mời đến cảnh sát. Việc móc điện thoại “để tui gọi cảnh sát” đôi khi chỉ là việc… dọa đối phương phải đáp ứng những yêu sách của tôi - kẻ đúng luật.

Sự “tự bảo ban nhau” ấy có điểm không hay ở chỗ có những kẻ nằm vạ vòi tiền mà đối phương có khi phải móc ví nhăn mặt trả cho xong chuyện. Chẳng ai sung sướng gì khi phải dây vào Chí Phèo.

Nhưng anh bạn cũng khẳng định rằng, thế vẫn dễ chịu hơn là giải quyết “luật giao thông” theo phương án bạo lực sau mỗi cú va quệt. Anh kể, trên đường phố Hà Nội, trong sự “tức thở” của những con đường không vỉa hè, có những cú va quệt nhỏ mà sau đó dẫn đến đổ máu khi cả hai bên đều nhảy xuống xe đòi “xin tí tiết” của nhau.

4.Có lẽ với tình hình đường sá giao thông ngày càng căng thẳng, đi lại càng khó khăn và chuyện va quệt trở thành chuyện thường của những ai bước ra đường, thể nào cũng có lớp dạy văn hóa ứng xử khi va chạm trên đường. Chắc chắn, khả năng “nhìn nhau đắm đuối” theo kiểu mê-lô và khả năng tự giải quyết đền bù sẽ được đưa vào giáo trình như những bài học đầu tiên. Dù “sến”, nhưng thử giải mã theo hướng, đó là thứ văn hóa mà những người bình dân hướng tới, ước mơ trong những tình huống ngặt nghèo (như đụng xe) đi, để thấy hài hước hơn là chua xót vì những gì chỉ có trên phim, bói không ra trên thực tế! 

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.