Marquez và Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (*)

18/10/2005 22:03 GMT+7

“Vào những năm hai mươi tuổi, tôi bắt đầu thống kê ghi chép lại tên họ, tuổi tác, nơi chốn và tóm tắt về hoàn cảnh và phong cách của các cô ấy (gái điếm - NV). Chỉ đến năm năm mươi tuổi, tôi đã ăn nằm với năm trăm mười bốn phụ nữ ít nhất một lần".

Đây là tâm sự của nhà báo già 90 tuổi, nhân vật chính trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Ông sống cô độc, từng làm giáo viên dạy ngữ pháp tiếng Tây Ban Nha và La tinh và có 40 năm làm biên tập, viết xã luận cho các số báo chủ nhật của tờ El Diario de La Paz. Dường như con người tưởng như sống bất cần đời ấy sẽ tiếp tục cuộc sống buông thả cho đến khi qua thế giới bên kia nhưng "vào cái năm tròn chín mươi tuổi, tôi muốn tự thưởng thức một đêm tình cuồng điên với một thiếu nữ còn trinh nguyên".

Thông qua bà mối lái quen biết, nhà báo già đã đến nơi hẹn với một cô bé 14 tuổi đang say ngủ sau những giờ đơm cúc áo thuê mệt nhọc. Khi đối diện với "nữ thần trinh trắng" trần trụi, mọi dục vọng đam mê bỗng tan biến. Ông bỗng phát hiện ra "niềm thích thú thực sự khi được ngắm nhìn thân thể người phụ nữ ngủ say mà không bị áp lực của dục vọng hay bối rối vì ngượng ngùng". Ông cầu chúa giữ hộ trinh tiết cho cô bé, "vĩnh biệt mãi mãi bé gái bằng nụ hôn trên trán". Những tưởng xa lìa mãi mãi, nhưng chính sự cô đơn đã kéo ông già lọm khọm ấy nhiều lần nữa đến với bé gái. Ông tự mơ mộng đặt tên cho bé gái là Delgadina. Mỗi lần đến ông cắm thêm bó hoa, hát ru, đọc truyện cho cô nghe... Ông chăm chút tỉ mỉ cho "mầm sống" còn non trẻ ấy, cái mầm sống đã hiện diện và không thể nào thiếu được trong những tháng ngày còn lại của đời ông.

Xen lẫn câu chuyện tình lãng mạn nửa thực nửa hư trên là những hồi ức về các cô gái điếm trong đời của nhà báo. Tuy chỉ mang tính điểm xuyết nhưng nó lại chứng minh cho triết lý: "Mỗi một cuộc sống, mỗi một số phận đều có những nỗi niềm, những suy tư trăn trở riêng, và đáng để ta suy ngẫm". Và cao hơn nữa, nó tôn vinh sự thánh thiện, sức mạnh của tình yêu đích thực, "đừng để đến chết mà vẫn chưa được hưởng sự tuyệt diệu của việc chăn gối trong niềm yêu thương say đắm".

Với Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (vẫn là chủ đề về cái cô đơn), độc giả không còn nhận ra văn phong đầy ẩn dụ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Nam Mỹ thường thấy ở G.Marquez. Thay vào đó là lối kể tự sự đơn giản, đều đều, đôi khi có cảm giác buồn tẻ nhưng rất hấp dẫn bởi những triết luận giản dị mang tính khái quát cao mà ta chỉ thấy ở những nhà văn, nhà tư tưởng lớn.

Xuất bản năm 2004, được nhiều quốc gia chuyển ngữ với hàng triệu ấn bản, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi ra mắt bạn đọc là cố gắng lớn của NXB Tổng hợp TP.HCM và First News.

(*) Người dịch: Lê Xuân Quỳnh, NXB Tổng hợp TP.HCM, 10.2005.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.