Vienna Teng giữa những tiếng ồn

23/09/2006 15:34 GMT+7

Liệu một kỹ sư phần mềm có thể chơi nhạc và hát được không? Đã có nhiều tên tuổi có thể minh chứng cho một câu trả lời khẳng định. Mới đây nhất, khi nghe đĩa Dreaming Through The Noise của Vienna Teng, càng xác quyết "dân lập trình làm nhạc chẳng kém ai".

Vienna Teng sinh năm 1978, gốc người Đài Loan. Cô học về tin học tại Đại học Stanford và làm việc cho Cisco System 2 năm, những tháng ngày mà cô cho là "đủ kiến thức để làm hỏng bất cứ cái máy tính nào". Ngay từ khi đi học, cô đã bắt đầu viết nhạc và album đầu tay Waking Hour được ghi âm hầu hết trước khi cô tốt nghiệp. Trong thời gian làm việc với Cisco System, Vienna vẫn tiếp tục ghi âm, chơi nhạc vào lúc rảnh rỗi cho đến một ngày, Vienna quyết định những nốt nhạc bay bổng chứ không phải những con số lập trình khô cứng là sự nghiệp của mình. Cô nghỉ việc ở Cisco, ký hợp đồng với hãng Virt và tập trung cho âm nhạc.

Ảnh hưởng âm nhạc của cô đến từ bộ sưu tập đĩa hát của bố mẹ: Simon & Garfunkel, James Taylor, Mozart, Beethoven và nhạc tiếng Hoa những năm 1960. Tiếp đó, cô thích những nhạc sĩ chơi piano như Elton John, Billy Joel, Tori Amos. Thế còn hiện nay? "Hiện giờ thì tôi ảnh hưởng bởi những ai có thể đe dọa sự nghiệp của tôi! Tôi lắng nghe họ, sửng sốt và mỗi ngày đều nghĩ về việc sẽ ngưng hát bởi tôi chẳng bao giờ có thể hay bằng họ. Cuối cùng tôi quyết định sẽ "lấy cắp" từ họ mà không bắt chước, một điều không phải dễ". Vienna không biết xếp âm nhạc của mình vào loại nào và thường trả lời "chamber folk" hay "singer-songwriter" khi có ai đó hỏi. Nếu họ tiếp tục thắc mắc, cô sẽ tiếp tục giải thích "ở giữa folk và pop, thêm một chút cổ điển và jazz".

Vienna được cả nước biết đến khi xuất hiện trên show của David Letterman và các show khác trên CBS, CNN. Cô lưu diễn chung với Joan Baez, Joan Osborne, Shawn Colvin và khi album thứ hai Warm Strangers tung ra năm 2004, danh tiếng của cô trong làng nhạc càng được khẳng định. Cộng tác với nhà sản xuất Larry Klein, người từng làm việc với Joni Mitchell, Madeleine Peyroux, album thứ 3 Dreaming Through The Noise được phát hành vào ngày 25/7/2006.

Thoạt đầu, tựa album cho cảm giác đây sẽ là kiểu nhạc mang tính thử nghiệm và khám phá, vừa mơ màng, vừa ồn ào như Sonic Youth, Bauhaus nhưng khi nghe đĩa giữa vô vàn khói bụi ồn ào của đô thị, Dreaming Through The Noise thật sự là những giấc mơ êm đềm. Nghe nhạc của Vienna Teng sẽ nhắc nhớ đến Sarah McLachlan, Natalie Merchant hay Tori Amos nhưng cô vẫn có nét dịu dàng riêng của mình. Blue caravan mở đầu album khá hấp dẫn và cũng báo trước "giọng điệu" của album: những nhạc cụ tinh tế, giai điệu êm ả, giọng hát dịu dàng như đang tâm sự. Tựa giống như một bài thơ của Rudyard Kipling, Recessional là bài ballad với phần lời đầy tính ẩn dụ, một cô gái tựa trên vai, ngủ trong phòng chờ nhà ga, mơ giữa những tiếng ồn... Pontchartrain (tên một hồ ở New Orlean) trầm mặc viết về vùng New Orleans bị nước lũ nhấn chìm sau cơn bão Katrina.

Phần hợp xướng trong ca khúc này được ghi âm bởi duy nhất Vienna, thu chồng lên 32 lần. City hall là bản nhạc country khá tươi tắn, viết về việc thành phố San Francisco đã chấp nhận cho hôn nhân đồng giới vào tháng 2.2004 "chúng tôi chờ đợi 10 năm nhưng muộn còn hơn không, cách xa 500 dặm nhưng chúng tôi vẫn đi đến...". Transcontinental, 1:30 a.m. ngả sang màu jazz còn I Don't Feel So Well sử dụng rất nhiều đàn dây và accordion, 1br/1ba (viết tắt theo kiểu các mẩu tin rao vặt của One bedroom/One bath - Một phòng ngủ/Một phòng tắm) hát về kiếp sống nhà thuê tạm bợ.

Nói chung, thật khó chọn một bài nào nổi bật trong album đều tay thế này.

Trí Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.