Vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm

13/10/2010 00:36 GMT+7

Đồng USD tiếp tục mất giá so với một số đồng tiền khác, trong đó có đồng yen của Nhật Bản. Cuối tuần qua, tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng yen liên tục ngấp nghé mức thấp kỷ lục cách đây 15 năm.

Cả Mỹ lẫn Nhật đều lo ngại về biến động quan hệ giữa hai đồng tiền của họ bởi nó tác động xấu tới nền kinh tế của cả hai và cho thấy đối sách đến nay của họ không có hiệu quả. Cũng phải thôi vì làm sao Washington và Tokyo có thể xoay chuyển được tình hình khi cả hai vừa là nạn nhân đồng thời vừa là thủ phạm gây ra nó.

Tỷ giá đồng yen so với đồng USD tăng vì 3 lý do. Thứ nhất, kinh tế Mỹ tăng trưởng không được khả quan và bền vững, thất nghiệp vẫn còn chiều hướng tăng và thâm hụt ngân sách chưa có dấu hiệu giảm. Đồng USD vì thế chịu áp lực phá giá rất lớn so với tất cả các đồng tiền khác chứ không chỉ riêng đồng yen. Thứ hai, tại kỳ họp thường niên mới rồi, cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lẫn Ngân hàng Thế giới (WB) đều không đưa ra được biện pháp nào khả thi đối phó với tình trạng mất cân đối về tăng trưởng kinh tế và biến động về tỷ giá giữa các đồng tiền trên thế giới.

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn bất đồng quan điểm sâu sắc về tỷ giá giữa đồng USD và đồng nhân dân tệ. Thứ ba, chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Nhật đã không ngăn được chiều hướng tăng giá của đồng yen. Mỹ thì cứ dùng dằng giữa chủ trương chính sách đồng USD yếu và lo ngại lạm phát tăng khiến lòng tin nói chung vào đồng tiền này tiếp tục bị suy giảm. Hai nước vì thế chưa thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa thủ phạm và nạn nhân.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.