Không thất bại mới là lạ

15/09/2007 00:50 GMT+7

Như Thanh Niên và các phương tiện thông tin đại chúng khác đã đưa tin, ngày 13.9 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Vũ Đình Thuần - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Trưởng ban điều hành Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước (còn gọi là Đề án 112) cùng với 7 người khác.

Như vậy "cái chết" đã được cảnh báo từ trước (bởi giới chuyên môn khi Đề án được ký quyết định chưa lâu, trong đó có giáo sư tiến sĩ Phan Đình Diệu - nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin giai đoạn 1994- 1997, hay của ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông thành phố Hồ Chí Minh, hay của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) thì sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc làm việc về Đề án 112 ngày 19.4.2007 cùng quyết định không tiếp tục thực hiện Đề án của Thủ tướng thì coi như Đề án đã chết nay thì chết thật sự khi những người chịu trách nhiệm chính và có liên quan bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vậy chết do đâu?

Trước hết, Đề án đã tốn tiền rất lớn cho "vỏ", nhưng lại không chi tiền cho "ruột" - một sai lầm nghiêm trọng thuộc về tầm nhìn và tính đồng bộ. "Tin học hóa", nhưng chỉ lo về phần "vỏ", tức là phần máy tính (xử lý tin), còn "tin", tức là phần "ruột" lại không được quan tâm. Về "vỏ", đặc điểm lớn của thời đại ngày nay là thời đại thông tin, đòi hỏi phải có công nghệ thông tin tương thích. Nhưng công nghệ thông tin được thay đổi rất nhanh chóáng, cứ 18 tháng thì khả năng xử lý của hệ thống tăng gấp đôi trong khi giá thành giảm một nửa. Vì vậy, nếu không có tầm nhìn tốt, không có cái nhìn tổng thể thì đầu tư lớn sẽ rất lãng phí do chưa sử dụng được. "Chưa sử dụng được" xét theo hai nghĩa. Theo nghĩa đen, "sử dụng" được là biết điều khiển máy tính, biết sử dụng máy tính. Nhưng biết sử dụng không có nghĩa là sử dụng máy tính để biết nhân bản (thay cho chiếc máy chữ), hoặc biết truy cập thông tin trên mạng (thay cho việc xem truyền hình, nghe đài, đọc báo…), hoặc biết chơi trò chơi điện tử, "đánh cờ" trên máy tính… Theo nghĩa rộng là nói về "ruột". "Ruột" ở đây là công tác cải cách hành chính, tức là xác định quy trình, thủ tục xử lý các công việc hằng ngày trong hệ thống, thậm chí phải thiết kế lại một số quy trình để tối ưu hóa sức mạnh của công nghệ. Trong việc cải cách hành chính thì yêu cầu đối với thông tin là rất quan trọng, bởi thông tin là cơ sở để ra quyết định. Nhưng về mặt này, thì Đề án 112 hầu như chẳng có tác động gì đáng kể, thậm chí còn làm ngược, làm từ "giữa" làm ra, tức là bắt đầu từ tỉnh/thành phố, mà tỉnh/ thành phố lại không có thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo thống kê (chỉ có Thủ tướng và các bộ, ngành mới được ban hành theo quy định của Luật Thống kê). Kết quả, phần "vỏ" thì tốn kém, còn phần "ruột" lại chẳng có gì, bởi không có "tin" đưa vào, không có "tin" đưa ra thì máy tính xử lý cái gì và đưa ra cái gì? Đề án 112 không thất bại mới là chuyện lạ!

Đó là nói về phần "cứng", còn phần "mềm" cũng tốn kém không ít (chi phí triển khai cho mỗi phần mềm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã là 2,1 tỉ đồng); khi các phần mềm chưa hoàn chỉnh nhưng đã triển khai trên diện rộng (phần mềm dùng chung), phải chỉnh sửa rất tốn kém, hiệu quả thấp.

Chi phí đào tạo cũng không nhỏ. Hợp đồng mà Đề án 112 ký với các đơn vị đào tạo lên tới 2 triệu đồng/người trong khoảng 19 ngày, với hàng mấy chục nghìn người thì kinh phí đào tạo đã lên tới mấy chục tỉ đồng. Đó là chưa kể đến số tiền chi cho viết và cấp phát cho học viên trên 400 nghìn cuốn tài liệu, chi phí ký kết hợp đồng… Mới tính từ năm 2001 đến tháng 9.2003 số tiền đầu tư đã lên đến trên 3.700 tỉ đồng. Đề án thất bại kéo theo sự lãng phí đến mức kinh sợ. Nhưng những người điều hành đề án chắc chắn đã chăm chăm vào một mục đích: câu kết với nhau để bòn rút tài sản quốc gia.

Kiểm toán toàn bộ đề án, bóc trần những thủ đoạn, truy tận gốc các đường dây câu kết tham nhũng, đưa tất cả những kẻ cướp bóc tài sản quốc gia cùng những kẻ bảo kê, tiếp tay cho chúng ra tòa là trách nhiệm lớn của cơ quan điều tra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay từ sau khi mới nhậm chức, đã kiên quyết và dứt khoát đình chỉ đề án này và chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý đến nơi đến chốn. Thái độ dứt khoát của Thủ tướng được toàn dân ủng hộ và được các phương tiện thông tin đại chúng hậu thuẫn mạnh mẽ. "Một mũi tên nhắm vào nhiều đích", xử lý nghiêm minh vụ này sẽ là tiền đề cho việc xử lý nghiêm minh những vụ khác. Nó một lần nữa chứng minh rằng, dù bất cứ ai, dù ở bất cứ cương vị nào, nếu phạm pháp cũng đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.