Làm đẹp kiểu sinh viên: Rẻ, hiệu quả nhanh, nhưng...

15/09/2007 00:08 GMT+7

(TNO) Một loại kem trộn có tác dụng trị mụn, trắng da, bao gồm các thành phần: Cortibion (hoặc Trangala), thuốc viên Vitamin E, Asprin, PH8, Becozyn, kem sâm... đã được lưu truyền nhiều năm nay, đặc biệt phổ biến trong giới sinh viên. Tuy nhiên, ít người hiểu được cái giá phải trả sau “hiệu quả nhanh” của loại thuốc này.

Sinh viên: rẻ thì dùng, hiệu quả nhanh thì chữa

Xuống Hà Nội học được nửa tháng, lạ nước, da mặt của Hải Hậu (SV Học viện Quan hệ quốc tế) bị nổi nhiều mụn đỏ, trứng cá, khiến Hậu trở nên e ngại, kém tự tin khi tiếp xúc với các bạn mới. Hậu được một chị cùng phòng kí túc xá khuyên dùng một loại thuốc "tự chế” mà theo chị là “hiệu quả tức thì”.

“Thần dược” mà Hậu được thấy là thứ thuốc màu vàng, giống như một loại kem, được đựng trong một hộp đựng sáp đã hết. “Trước giờ em chưa hề dùng mỹ phẩm, nên cũng hơi e ngại. Nhưng thấy các chị trong phòng đều dùng và da đều đẹp, nên cũng quyết tâm... dùng thử. Quả nhiên, chỉ sau 3 ngày bôi thuốc đều mỗi tối, các đầu mụn thâm lại, và da mặn em lại trở nên trắng mịn hơn”, Hậu vui sướng kể.

Một sinh viên cùng phòng Hậu cho biết: “Bài thuốc này được lưu truyền lâu rồi, vừa rẻ lại vừa hiệu quả. Công thức lại đơn giản, chỉ cần mua các loại thuốc về rồi trộn lại với nhau. Chị ra hàng thuốc, hỏi ai cũng biết”. Một bạn khác bổ sung: “Chúng em dùng mấy tháng rồi chưa thấy dấu hiệu phản ứng phụ nào”.

Khi được hỏi có biết gì về tác hại của thuốc, nhiều bạn sinh viên hồn nhiên: “Một thời gian em ngừng dùng, thì thấy da mặt hơi sạm và mụn mọc lại, nhưng tiếp tục dùng thì mụn lại hết. Em nghĩ cứ dùng thường xuyên sẽ không sao”. Cũng đã có người được cảnh báo về những nguy hại từ loại thuốc này, nhưng vẫn rất bàng quan. Hoa (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) phân trần: “Chỉ khi nào có mụn thì em mới dùng, hết thì lại ngừng. Do vậy hậu quả cũng không nhiều”.

Cứ thế, với phương châm “rẻ là hàng đầu, hiệu quả trên hết”, nhiều sản phẩm “tự chế” đã được sinh viên truyền tai nhau sử dụng. Đặc biệt trong môi trường kí túc xá, xóm trọ, thì “tiếng lành” lại càng có điều kiện “đồn xa”. Bài thuốc “quý” nọ, nhờ đó là vẫn được gìn giữ trong giới sinh viên từ mấy năm nay, và vẫn “quyến rũ” được rất nhiều những khuôn mặt cả có mụn cả không mụn sử dụng.

Hiệu thuốc: Biết là có hại, nhưng vẫn bán hàng

Tìm đến một hiệu thuốc gần trường Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương I (Q.Tây Hồ, Hà Nội) hỏi về thuốc trị mụn "tự chế" này, dược sĩ đứng bán ở quầy khuyên: “Không nên lạm dụng loại thuốc này. Trong thuốc có thành phần axit, có tác dụng bào mòn da. Da tuy hết mụn, trắng hồng lên, nhưng lại mỏng đi, nếu dùng thường xuyên thì không thấy tác dụng phụ, nhưng khi ngừng sử dụng thì da sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng, do đó đòi hỏi phải sử dụng liên tục”.

Thấy khách hàng chăm chú lắng nghe, chị tiếp: “Hầu như chỉ sinh viên còn dùng loại thuốc này. Những người đã đi làm thường không có thời gian, và cũng không dùng loại thuốc rẻ tiền này nữa. Thêm nữa, thuốc có mùi chua chua rất khó chịu, nên những phụ nữ có gia đình rồi cũng không thường sử dụng. Nhưng các bạn sinh viên rảnh rỗi thời gian thì vẫn đến hỏi luôn”. Rồi chị cho biết thêm: “Hôm nay em có muốn mua chị cũng không đủ thành phần thuốc để bán. Vì mỗi ngày có tới hàng chục sinh viên ra hỏi mua nên vừa nhập hàng là hết ngay”.

Nêu thắc mắc tại sao chị biết là có hại nhưng vẫn bán hàng, chị cười: “Vì thuốc có tác dụng nhanh, nên sinh viên cứ truyền tai nhau là tốt, nhất mực đòi mua. Chị không bán thì họ vẫn đi mua ở hiệu khác”. Nói rồi chị kê một bảng đầy đủ tên các loại thuốc và liều lượng cần mua, bảo khách ra bất kì hiệu thuốc nào cũng dễ dàng mua được.

Cầm “công thức thần dược” sang một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Trãi, chúng tôi nhanh chóng mua được đầy đủ các loại. Chỉ với hơn chục ngàn đồng, tôi đã có một “thần dược” được quảng cáo là có thể đối phó được với tất cả loại mụn. Người bán thuốc xởi lởi: “Dùng cái này hiệu quả nhanh lắm, chỉ vài ba bữa là hết mụn, mà da lại trắng phấn ra ngay”. Tuy nhiên, chị cũng không quên dặn dò tôi trước khi ra về: “Nhưng đừng lạm dụng em ạ, cái gì hiệu quả nhanh quá cũng không tốt đâu”.

Bác sỹ Nguyễn Viết Bảo – chuyên gia về da mặt phân tích:

Trong Y học, không có sản phẩm đảm bảo sức khỏe nào có thể giúp da đẹp một cách nhanh chóng qua vài ngày sử dụng. Loại kem trộn mà các bạn sử dụng giúp da hết mụn, trắng mịn tức thời nhưng đó chỉ là vẻ đẹp tạm thời, vì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ xuất hiện nhiều tác dụng phụ rất khó lường.

Trong loại kem trộn này có nhiều thành phần: Becozyn, Vitamin E, Aspirin, PH8, Corticoid, đóng vai trò quan trọng gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng cho da như: teo da, giãn mao mạch,  da mỏng dần làm lộ rõ mạch máu nhỏ (còn gọi là nổi gân xanh), rạn nứt da, da nhạy cảm (giảm khả năng miễn dịch)…

Thêm nữa, do Corticoid kháng viêm theo cơ chế ức chế miễn dịch, nên dùng nhiều sẽ làm giảm sức đề kháng của da, dẫn đến bộc phát mụn hoặc làm nặng tình trạng mụn và viêm nhiễm. Đặc biệt khi dùng kéo dài, Corticoid sẽ xuyên qua da vào máu và cho tác dụng toàn thân, có thể gây nên những rối loạn trầm trọng cho cơ thể. Không những thế, do tình trạng lệ thuộc vào Corticoid khi dùng kéo dài, da sẽ rất khó thích nghi với bất cứ sản phẩm nào sau đó. Da dễ nhạy cảm (với các biểu hiện: cảm giác châm trích, ngứa thường xuyên) và đáp ứng kém với các kết quả điều trị sau này.

Da mặt là một bộ phận thiết yếu của cơ thể, với các chức năng bảo vệ, hô hấp, bài tiết, điều hòa thân nhiệt… Chính vì vậy, các bạn trẻ phải có ý thức phòng tránh các sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, sản phẩm tự pha chế theo sự truyền miệng thiếu độ tin cậy về chuyên môn. Những bạn đã sử dụng loại kem trộn chứa Corticoid nên lập tức ngừng sử dụng. Nếu đã sử dụng lâu, da có những biểu hiện khác thường thì không nên tự điều trị mà phải đến các cơ sở chuyên khoa để được bác sỹ hướng dẫn.

Tạ Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.