Lạt hay mặn?

10/11/2009 10:16 GMT+7

Ăn lạt tốt cho người bệnh tim và huyết áp cao. Tuy nhiên, với người bình thường ăn không đủ muối có khi lại gây hại cho sức khỏe.

Trong đợt tổng kết hồ sơ khám sức khỏe định kỳ thực hiện gần đây cho một công ty với mấy trăm nhân viên, chúng tôi rất bất ngờ vì nhiều người trong số đó có lượng khoáng tố natri trong máu rất thấp - một tình trạng hiếm thấy, thường chỉ gặp ở người ăn lạt nhiều ngày. Lẽ nào phòng xét nghiệm đã sai sót với số lượng bệnh nhân đông đến thế?

Khi trở lại công ty nọ điều nghiên mới vỡ lẽ bà sếp nhà bếp, theo đúng tinh thần của ba chàng ngự lâm pháo thủ “một người vì mọi người”, đã quyết định nấu ăn rất lạt do bà bị cao huyết áp nên cữ muối giùm cho... tập thể!

Ăn mà buồn làm sao khỏi bệnh!

Phương pháp của bà “tổng quản” không sai trên nguyên tắc nếu như tất cả đồng nghiệp của bà đều bị cao huyết áp, đều có bệnh tim mạch vì muối ăn giữ nước trong cơ thể và tạo thêm gánh nặng cho trái tim. Trật chỉ ở chỗ thực khách của bà vì thế mà huyết áp thấp, dễ mỏi cơ, khó tập trung tư tưởng... do thiếu muối dù đủ ăn!

Không chỉ riêng bà nấu bếp vừa kể, nhiều người hiện nay cũng có khuynh hướng ăn lạt do ảnh hưởng của nhiều bản tin y học đổ tội đủ điều cho muối ăn. Bằng chứng là không ít món ăn ngay cả trong nhiều nhà hàng cũng không được nêm nếm “mạnh tay”. Tốt đến thế nào về sức khỏe chưa dám chắc, nhưng điều rõ ràng trước mắt là món ăn mất đi vị độc đáo.

Không cần dông dài thì ai cũng hiểu món bún mắm còn gì là “mắm” nếu nước lèo không... mặn! Món thịt kho không thể là kho nếu nước thịt có thể dùng để thay... canh! Nấu một món ăn gọi là phục vụ sức khỏe để làm gì khi thực khách nuốt không trôi?!

Lẽ nào trời sinh muối để bỏ?

Ăn mặn, nói chính xác hơn là ăn vừa đủ muối trong bữa cơm, nếu có hại cho sức khỏe chẳng qua là vì nhiều người vô tình tiếp tay nâng cao lượng muối ăn qua thói quen quên uống nước cho đủ trong bữa ăn, sau bữa ăn và nhất là trong suốt buổi làm việc.
 
Gạt qua một bên chuyện khẩu vị, nếu chỉ xét về cơ sở khoa học thì quan điểm ăn lạt để ngừa, chống bệnh tim mạch từ nhiều năm không còn đứng vững sau khi người ta chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây là:

* Người có nếp sinh hoạt quá căng thẳng, dù nén lòng ăn quá lạt ngay khi còn trẻ cũng không phòng ngừa bệnh tim mạch được bao nhiêu nếu so sánh với người hiểu cách nêm muối vừa phải lại thêm có cuộc sống thanh thản.

* Chế độ dinh dưỡng gọi là ăn lạt tuyệt đối không hẳn là yếu tố quyết định làm thuyên giảm bệnh cao huyết áp, suy tim... Trái lại, người bệnh vẫn có thể yên tâm nêm thêm chút muối nếu “đúng thầy, đúng thuốc”.

* Người sau cơn nhồi máu cơ tim nếu có chút muối trong khẩu phần dễ hồi phục và ít bị tái phát hơn bạn “đồng môn” bị bắt ăn lạt tối đa.

* Số người cao niên mắc bệnh “quên ráo” Alzheimer thuộc nhóm có chế độ dinh dưỡng kiêng muối lúc còn trẻ cao gấp ba lần số đối tượng thuộc nhóm “không mặn không về”.

* Tỉ lệ điều trị bệnh trầm uất được cải thiện thấy rõ khi tăng lượng muối ăn trong khẩu phần của người gặp chuyện gì cũng buồn vì cuộc đời quá nhạt.

Một chút mặn mà có khó lắm không?

Các dẫn chứng kể trên không có gì khó hiểu. Nếu natri là một trong các nhân tố giữ vai trò quyết định trong dẫn truyền thần kinh và biến dưỡng tế bào, thì không lạ gì khi nhiều bệnh chứng nghiêm trọng thành hình chỉ vì khẩu phần quá thiếu muối ăn. Thực trạng đó càng đáng được lưu tâm hơn nữa ở xứ mình, nơi người dân phải đổ mồ hôi rất thường dưới khí hậu oi bức.

Đừng mang muối vào cơ thể mà quên đổ nước pha loãng rồi sau đó đổ tội một cách oan uổng cho món ăn mặn mòi. Cũng không nhất thiết phải là muối natri chi cho khổ thân. Thiếu gì cách để món ăn đủ muối, đủ mặn nếu biết cách dùng gia vị, thay vì vớ ngay chai muối rắc lia lịa như một phản xạ trên bàn ăn cho dù chưa nếm món ăn!

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.