Chia sẻ... máu hiếm

30/10/2010 14:46 GMT+7

Thống kê của Trung tâm Truyền máu Huyết học Chợ Rẫy cho thấy ở nước ta cứ 10.000 người có 5 người thuộc loại máu hiếm Rhesus âm (Rh-). Vì hiếm như vậy nên khi cần máu cấp cứu, cả bệnh nhân lẫn bệnh viện đều lao đao, ngược xuôi tìm nguồn.

Chạy vạy tìm máu hiếm

Gặp chúng tôi khi sức khỏe đã ổn định và được xuất viện nhưng ông Olives Wood (21 tuổi, quốc tịch Anh) vẫn chưa hoàn hồn sau khi suýt mất mạng do lỡ mang dòng máu hiếm A Rh-. Ông nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, viêm phổi suy hô hấp, suy đa cơ quan, phải được truyền máu khẩn cấp, mà lúc đó loại máu này bệnh viện vừa dùng hết chưa kịp bổ sung. Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phải nháo nhào liên hệ khắp nơi để mời gọi những người có chung nhóm máu với bệnh nhân đến hiến máu. Cũng may là sau gần một ngày vận động, tìm kiếm, Trung tâm Truyền máu Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên lạc với một số người dân và người nước ngoài đang công tác tại TPHCM có chung nhóm máu với bệnh nhân đồng ý đến hiến tặng.

Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh viện khác như Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân 115, Pháp - Việt (ở TPHCM), các bệnh viện tỉnh khác cũng không ít lần lao đao khi gặp trường hợp bệnh nhân mang máu hiếm vào điều trị.

Cách đây ít lâu, một bệnh nhân có nhóm máu A Rh- bị tai nạn giao thông xuất huyết ồ ạt phải vào bệnh viện phẫu thuật. Khi vào Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cấp cứu lại không có nhóm máu này. May mà lúc đó bệnh viện đã kịp liên lạc với Bệnh viện Chợ Rẫy để nhờ hỗ trợ. May mắn là trong kho dự trữ của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng còn 2 đơn vị máu nên bệnh nhân đã được cứu sống.

Anh Trần Hoàng Long ngụ tại quận 8 TPHCM chia sẻ, có đêm, đang say giấc bỗng chuông điện thoại reo vang, đầu dây có tiếng người một người con gái cầu khẩn “mẹ em bị tai nạn đang chờ phẫu thuật nhưng kẹt nỗi nhóm máu mẹ em là lại thuộc nhóm máu hiếm B Rh (-), ở TP này chỉ có mỗi mình anh có chung nhóm máu, anh giúp mẹ em với”… Nghe vậy, anh tất tả tới bệnh viện cứu người. Trong 5 năm qua, anh đã hơn 20 lần hiến máu, không kể giờ giấc, không bận chuyện áo cơm, không phân biệt người cần máu là ai... Điện thoại lúc nào cũng mở 24/24 giờ như anh tâm sự: “Nhỡ khi có ai cần”.

Anh Nguyễn Trinh Vương, ở Gò Vấp là người duy nhất trong số 57 hội viên CLB Những người có nhóm máu hiếm có nhóm máu AB Rh- nhớ lại. Một lần đang chuẩn bị ăn cơm tối thì điện thoại rung lên: “Anh ơi, bệnh viện chúng tôi đang cần máu để cứu một sản phụ. Họ bảo chỉ có anh mới cứu được sản phụ này, vì chỉ có anh mới có dòng máu hiếm AB Rh-”. Người được cứu là một sản phụ quê ở Quảng Trị, mang thai được 8 tháng, đẻ non, bị băng huyết khi sinh. Nếu không được truyền máu kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.. 

Để máu hiếm sẽ không còn hiếm

Theo dược sĩ Trần Văn Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Huyết học Chợ Rẫy, mỗi người đều mang trong mình một nhóm máu cơ bản được chia theo hệ ABO, gồm có các nhóm máu A, B, AB, O và hệ Rhesus (Rh+ và Rh-). Trong đó, nhóm máu Rh- là nhóm máu hiếm. Ở Việt Nam nhóm máu Rh- chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,04% - 0,07%.

Hiện nay, 6 tỉnh thành miền Đông Nam bộ có gần 20 triệu dân nhưng mới tìm ra được 154 người mang nhóm máu Rh-. Trong đó, nhóm O Rh- là 73 người, B Rh- là 39 người, A Rh- là 33 người và thấp nhất là nhóm AB Rh- chỉ có 9 người. Tại TPHCM có tới hơn 8 triệu dân mà chỉ có 57 người mang máu Rh-. Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 1 triệu dân cũng chỉ có 11 người.

Trong khi đó, đối với những người thuộc nhóm máu hiếm Rh- chỉ có thể hiến máu cho những người có những nhóm máu thông thường thuộc hệ ABO hoặc nhóm máu hệ Rh+ nhưng ngược lại người có nhóm máu Rh- lại không thể tiếp nhận máu từ những người có nhóm máu khác hoặc có nhóm máu Rh+. Vì nếu người bệnh có nhóm máu Rh- nhận máu từ người có nhóm máu Rh+ thì sẽ bị tan máu và có thể tử vong. Do đó, thời gian qua, khi những người có nhóm máu hiếm cần phải truyền máu thường gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, Trung tâm Truyền máu Huyết học Chợ Rẫy đã thành lập CLB Những người có nhóm máu hiếm để có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.

Chị Bùi Thị Hiền, sinh năm 1984 ở Bình Phước, thành viên của CLB Những người có nhóm máu hiếm nhớ lại: “Lúc mới biết mình mang nhóm máu hiếm, tôi chỉ nghĩ là mình đặc biệt. Nhưng rồi bắt đầu thấy sợ khi biết những rủi ro có thể đe dọa tính mạng do máu mình quá hiếm. Vì vậy, việc tham gia CLB là để chia sẻ thông tin và giúp đỡ nhau khi cần. Nếu mình xảy ra chuyện gì thì cũng được thành viên CLB giúp đỡ”.

154 hội viên CLB máu hiếm khu vực Đông Nam bộ là nhân viên văn phòng, sinh viên, anh xe ôm, công nhân... ai nấy đều có chung một nguyện ước, san sẻ nguồn máu cho nhau mỗi khi có chuyện chẳng lành và để nguồn máu hiếm điều trị cho bệnh nhân sẽ không còn hiếm.

Không chỉ thiếu máu hiếm mà tại các bệnh viện ở TPHCM cũng thường khan hiếm máu điều trị. Theo tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới, số người hiến máu phải bằng 2% tổng dân số. Tuy nhiên, TPHCM ngoài việc điều trị cho người dân ở TP còn tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân các tỉnh trong khu vực. Do đó, lượng máu điều trị tại các bệnh viện luôn thiếu.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhu cầu số lượng máu để truyền cho bệnh nhân khoảng 200.000 đơn vị/năm nhưng trung tâm truyền máu chỉ tiếp nhận được khoảng 70.000 đơn vị/năm.

Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ nhu cầu khoảng 13.000 đơn vị máu và chế phẩm từ máu nhưng thực tế cũng chỉ có khoảng 10.000 đơn vị và chế phẩm.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, vào mùa cao điểm lễ - tết, lượng máu điều trị thiếu từ 70-90%, do đó nhiều bệnh nhân phải hoãn mổ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.