Người học thiệt thòi

05/11/2008 23:21 GMT+7

Điều đáng nói là hiện nay đa số các trường không công bố công khai, rộng rãi mức học phí dự kiến sẽ thu cùng với thông báo tuyển sinh.

Không có quyền lựa chọn

Theo lý giải của các trường và các nhà quản lý thì việc các trường tăng học phí mà người học vẫn chấp nhận là đã có sự thỏa thuận, thể hiện ở chỗ người học có quyền lựa chọn trường, tùy theo khả năng kinh tế của mình, chấp nhận được mức học phí mới đến học.

Nhưng trên thực tế, quyền lựa chọn của người học bị giới hạn bởi đủ mọi lý do. Hầu như các trường chỉ công bố mức học phí sau khi thí sinh (TS) đã trúng tuyển. Phải đến khi nhận được thông báo nhập học, hay chí ít sau khi trường công bố điểm chuẩn, TS mới biết mức học phí là bao nhiêu. Thế nên đối với người học, khi đã vất vả vượt qua kỳ thi tuyển vào trường, đến lúc biết mức học phí và không thể kham nổi, thì chỉ chấp nhận “ra về” chờ năm sau thi trường khác, chứ làm gì có quyền lựa chọn?

Bậc học mầm non và phổ thông cũng ở trong tình cảnh tương tự. Hệ thống trường công lập ở một số thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của người học. Do đó, người dân phải chọn trường ngoài công lập cho con em mình. Nhưng với những gia đình khó khăn, khi không cho con vào được trường công mà học phí trường tư vượt quá khả năng chi trả thì họ biết chọn con đường nào?

Các nhà quản lý cấp trường, cấp bộ còn nói đến quyền chọn trường của TS theo khía cạnh trường không thể tự ý đưa ra mức học phí, mà phải được sự chấp thuận của TS trên cơ sở biết được chất lượng đào tạo của trường để lựa chọn. Nhưng trên thực tế, việc đánh giá ấy rất cảm tính, mang tính chất “dư luận xã hội” là chủ yếu, bởi người học thiếu những thông tin cụ thể, chính thống về nhà trường như: cơ sở vật chất ra sao; đội ngũ giảng viên trình độ cao thấp thế nào; chất lượng giảng dạy có tốt hay không?... Thiếu thông tin về các trường, người học biết đâu mà chọn?

Cần minh bạch thông tin

Có thể thấy mối quan hệ thỏa thuận học phí giữa người học và các trường hiện nay mới chỉ được thực hiện một nửa. Đó là khi người học chấp nhận mức học phí để vào học. Nhưng nếu chất lượng đào tạo được cung cấp không tương xứng với mức học phí đã nộp người học luôn phải chịu lép vế, thua thiệt bởi chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng ràng buộc trách nhiệm của các trường trong việc cung cấp chất lượng dịch vụ (đào tạo) cho người học.

Có lẽ vì thế, tuy đã xảy ra nhiều vụ bê bối liên quan đến hoạt động đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục nhưng hầu hết các vụ việc đều kết thúc trong sự thiệt thòi, “tiền mất tật mang” của người học. Chưa thấy có vụ nào người học được bồi hoàn vì cơ sở có chất lượng đào tạo kém. Nói gì đến việc yêu cầu trách nhiệm của cơ sở vì đã không cung cấp chất lượng đào tạo tương xứng với mức học phí.

Vì thế, việc quy định bắt buộc các trường phải công bố minh bạch thông tin về trường mình, cũng như phải tiến hành kiểm định chất lượng đào tạo; công khai việc thu chi tài chính là vô cùng quan trọng. Một khi các quy định chưa được thực hiện thì việc tăng học phí của các trường ngoài công lập trong thời gian qua chỉ là mang tính áp đặt, gây khó khăn cho người học.

Bên cạnh đó, người học cần có một kênh thông tin chính thống công bố công khai, đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả xếp hạng chất lượng đào tạo của các trường. Nếu không thực hiện được điều đó thì có lẽ các trường ngoài công lập vẫn luôn là bên chủ động áp dụng luật chơi trong việc thu học phí mà người học buộc phải chấp nhận, nhất là khi đang học dở dang.

Mai Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.