Phim tài liệu bổ ích như thuốc

08/11/2010 08:53 GMT+7

Bộ phim tài liệu Dòng nước dữ (Trouble the water) về cơn bão Katrina vừa được chiếu ra mắt báo chí và các nhà làm phim tài liệu tại Việt Nam - nước châu Á đầu tiên mà chương trình trao đổi văn hóa của Ðại sứ quán Hoa Kỳ đưa phim đến.

Có mặt tại Việt Nam dịp này, chuyên gia điện ảnh Diane Carson (người vừa hết nhiệm kỳ là chủ tịch Hiệp hội Ðiện ảnh và truyền hình Mỹ, hiện là giáo sư danh dự môn nghiên cứu điện ảnh và sản xuất phim tại Ðại học cao đẳng Cộng đồng St.Lousi ở Meramec trong hơn 30 năm qua) đã chia sẻ góc nhìn của bà với Tuổi Trẻ về cách các nhà làm phim và công chúng Mỹ quan tâm tới phim tài liệu.

* Bà nhìn nhận thế nào về việc cần thiết có nhiều phim tài liệu hay, được chiếu rộng rãi trên truyền hình và rạp chiếu phim?

- Rất quan trọng. Ví dụ với bộ phim Dòng nước dữ. Ai cũng biết mức độ tàn phá khủng khiếp của cơn bão Katrina khiến hàng ngàn người thiệt mạng khi xem các bản tin. Trong khi "cơn bão" tin tức được phát 24 giờ/ngày nhưng người xem rất dễ quên. Chúng ta cần những bộ phim tài liệu ghi lại hình ảnh đó để công chúng xem, để họ nhớ, bàn luận từ đó tìm ra giải pháp cho vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, không dễ để chúng tôi đưa bộ phim chiếu trên tivi hay ra rạp. Các liên hoan phim có quá nhiều phim đăng ký tham gia. Vì vậy, cũng giống như trên YouTube, phải đãi cát tìm vàng mới ra phim hay. Lượng phim tài liệu được chiếu trên truyền hình Mỹ hiện đang ở mức nhiều nhất từ trước tới nay. Nhưng cũng có rất nhiều phim dở.

* Quả là cuộc vật lộn khó khăn khi chúng ta muốn công chúng không còn nói rằng "Phim tài liệu chán lắm. Tôi không muốn xem". Còn các nhà làm phim vẫn muốn sáng tạo thật sự khi họ cảm thấy vẫn còn khán giả cho mình. Ở Mỹ vấn đề này được mổ xẻ ra sao?

- Chuyện này cũng như chuyện con gà và quả trứng cãi nhau cái nào ra đời trước. Một lý do rất quan trọng là khi công chúng xem được một bộ phim tài liệu thật sự hay, họ sẽ ngạc nhiên và sẵn sàng xem các bộ phim tài liệu tiếp theo. Phim tài liệu cũng giống như thuốc. Khi ốm, ai cũng biết thuốc tốt cho mình, có uống mới khỏi bệnh nhưng chẳng ai thích uống. Tôi đã nói với mọi người là những bộ phim hay gần đây nhất mà tôi được xem là phim tài liệu. Thực tế là khi tôi được mời làm giám khảo các liên hoan phim và được hỏi tôi thích chấm giải phim tài liệu hay phim điện ảnh, tôi thường nói ngay là phim tài liệu. Rất thú vị phải không? Sự thay đổi không xảy ra một sớm một chiều. Phải lâu đấy, nhưng sẽ thay đổi.

* Bà có cảm thấy lạc quan về tương lai của phim tài liệu không?

- Ngày càng có nhiều thiết bị công nghệ phù hợp với túi tiền của người dân. Sự sẵn có của thiết bị sẽ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển phim tài liệu, vì ai cũng sẽ có máy quay, ai cũng muốn ghi lại cuộc sống dưới góc nhìn của mình, quan điểm của mình và lưu giữ làm tư liệu. Và một khi ta đã xem những bộ phim tài liệu cảm động với những thước phim chân thật gắn liền với suy nghĩ cá nhân thì rất khó để quay trở lại xem những hình ảnh mà không có tâm hồn trong đó.

* Bộ phim Dòng nước dữ cũng như rất nhiều bộ phim độc lập khác đang thật sự có tiếng nói khác. Bà nghĩ thế nào về điều đó?

- Nhìn chung, tôi nghĩ xã hội càng có nhiều sự đa dạng và các tiếng nói khác nhau càng tốt. Ví như là tôi có một mảnh, chị có một mảnh, người khác có một mảnh, ta ghép lại, thảo luận, tranh luận, mổ xẻ vấn đề với góc nhìn khác nhau thì giải pháp vẫn tốt hơn là chỉ có một tiếng nói. Cách nhìn của mỗi cá nhân cần được tôn trọng. Tôi nói với các bạn làm phim của Việt Nam là hãy sản xuất đi, rồi gửi cho chúng tôi. Sẽ có những người rất quan tâm và muốn xem về những vấn đề trong xã hội của các bạn.

Đằng sau mỗi số phận là vấn đề của nước Mỹ

Như các nhà làm phim khẳng định, bộ phim tài liệu Dòng nước dữ không phải chỉ miêu tả cơn bão kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ mà còn về nước Mỹ với những vấn đề tồn tại như sự thất bại của chính quyền Bush trong việc cấp cứu người dân trong thảm họa, lãng quên họ, về mối quan hệ giữa người dân và chính phủ.


Poster phim Dòng nước dữ - Ảnh: Zeitgeistfilms


“Bắt đúng thời điểm là yếu tố quan trọng để chúng tôi làm được bộ phim. Chúng tôi phải có mặt ở đó để ghi lại hình ảnh hoặc các hình ảnh được ghi lại. Không cần nghĩ nhiều tới kỹ thuật, mà sự hiện diện của người làm phim quan trọng hơn cả - đạo diễn Carl Deal chia sẻ với Tuổi Trẻ - Bộ phim thành công vì đã chạm đến điều mà người dân Mỹ quan tâm, muốn tìm hiểu, muốn tìm giải pháp”.

Dù bộ phim dài 80 phút này được làm ra để đặt chính phủ vào vị trí bị chỉ trích với thông điệp đằng sau mỗi số phận là vấn đề của nước Mỹ, sự bất bình đẳng và bản chất thật sự của xã hội được coi là giàu nhất thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tài trợ để bộ phim tham gia các chương trình trao đổi văn hóa với lời khẳng định: “Các quan điểm của bộ phim không nhất thiết phản ánh quan điểm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ”. Đến nay bộ phim đã được chiếu tại các rạp chiếu phim của hơn 300 thành phố ở nước Mỹ, trên hai kênh truyền hình lớn, ở 500 thư viện, trường đại học... và cũng phát hành dưới dạng DVD.

Thời đại vàng của phim tài liệu

Tuần qua, Liên hoan phim Sheffield - một trong những sự kiện quan trọng nhất về phim tài liệu thế giới do Anh tổ chức - đã chiếu hơn 120 bộ phim tài liệu mới từ 26 quốc gia. Năm nay liên hoan tập trung vào các phim có chi phí thấp về đời sống chính trị và thường nhật ở Trung Đông.

Chỉ cần một laptop, một máy quay phim và một ý tưởng. Chưa bao giờ công nghệ hợp túi tiền lại đang giúp các nhà làm phim quan tâm tới thể loại phim tài liệu như hiện nay.

“Bây giờ làm phim tài liệu giống như dịch. Nó lan rất nhanh và rộng - Hussain Currimbhoy, giám tuyển của Liên hoan phim tài liệu Sheffield, nhận định - Chúng ta đang sống ở thời điểm mà các nhà làm phim, đặc biệt với các nhà làm phim trẻ, ngày càng tìm đến với phim tài liệu như một cách thức để phân tích thế giới mà họ đang sống. Họ căng mọi giác quan lên, nghi ngờ hơn về những gì diễn ra quanh mình, kể cả các thông tin chính thống hay thông tin ngầm, và tự hình thành thể loại giao tiếp nói về họ, về những sự kiện có thật, theo cách thật, cho dù cách đó thường thô ráp và ít được nhiều người chú ý”.

Đạo diễn người Anh Lucy Walker - đạo diễn bộ phim tài liệu Waste Land ra mắt ở Mỹ hai tuần trước về những người sống trên khu đổ rác thải được coi lớn nhất thế giới tại Jardim Gramacho, ngoại ô Rio de Janeiro (Brazil) - đồng ý với nhận định trên: “Người ta bắt đầu thấy tức giận với truyền thông truyền thống và cảm thấy cần có phim tài liệu để đóng dấu sự toàn vẹn của tin tức”. Trong tuần ra mắt, bộ phim đứng vị trí số 1 tại các phòng vé xét về số lượng người xem mỗi suất chiếu.

H.N. (Theo Telegraph)

 Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.