Nên thu hẹp bớt diện và bổ sung thêm đối tượng thí điểm

04/11/2008 15:01 GMT+7

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, sáng 4.11, các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã.

Nên thu hẹp bớt diện và bổ sung thêm đối tượng thí điểm

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội (QH) đều nhất trí với nội dung của Đề án thí điểm và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật QH về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã.

Báo cáo đã nêu khá rõ, nghiên cứu kỹ luật pháp và những vấn đề có liên quan đến tổ chức HĐND đồng thời đề xuất một số giải pháp cho việc thực hiện. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề còn băn khoăn.

Đại biểu Trương Quang Hai (Bình Thuận) tán thành về chủ trương thực hiện thí điểm và nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng là cách làm như thế nào, đã có chủ trương rồi nên tiến hành làm ngay chứ không để đến năm 2011 mới làm. Đánh giá mặt tích cực, đổi mới của đề án, đại biểu cho biết qua các lần tiếp xúc cử tri, ý kiến người dân đều phấn khởi trước bước tiến mới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu Hai cho rằng số lượng các đơn vị được chọn để làm thí điểm là quá nhiều, không nhất thiết là trong một tỉnh, huyện nào cũng phải làm.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) phát biểu nên chọn thí điểm ít, không mở rộng quá lớn. Như vậy, việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn và có điều kiện chuẩn bị kỹ hơn.

Đại biểu Đặng Văn Khanh (Viện trưởng Viện KSND Hà Nội) cho rằng: Thực hiện thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường là việc làm mới, phức tạp nhưng cần thiết nhằm đổi mới mô hình tổ chức bộ máy nhà nước. Chính phủ rất thận trọng khi đề nghị thực hiện thí điểm, tổ chức đánh giá và rút kinh nghiệm. Ông Khanh nhận xét: Diện thực hiện thí điểm quá rộng nhưng lại chưa đại diện được hết các mô hình hiện nay và đề xuất bổ sung thêm đối tượng đưa vào diện thí điểm.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (Đại học Luật Hà Nội) đề nghị làm rõ hơn về cơ sở lý luận trong tờ trình của Chính phủ về việc bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường ở một số địa phương nhưng lại duy trì ở cấp tương đương là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh. Đại biểu cho rằng nên tiếp tục nghiên cứu, nếu đã không tổ chức thì thống nhất ở các cấp tương đương.

Quan tâm tới việc tổ chức thực hiện đề án, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội) nêu ý kiến cần đánh giá lại một cách bài bản, toàn diện về hiệu lực làm việc của HĐND cấp quận, huyện, phường xem chồng chéo ở đâu, kém hiệu quả ở chỗ nào.

Một số vấn đề khác có liên quan cũng được các đại biểu đề cấp tới như: Tên gọi của chính quyền nhân dân ở những nơi thí điểm bỏ HĐND; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của HĐND quận, huyện, phường; trong đề án chưa đề cập tới mối quan hệ giữa cơ quan tư pháp với HĐND huyện; thực hiện chức năng giám sát khi bỏ đi một cơ quan giám sát ở cấp đó; bố trí lực lượng cán bộ dôi dư…

Trực tiếp bầu chủ tịch xã: Tăng cường trách nhiệm và quyền làm chủ của người dân

Về việc trực tiếp bầu chủ tịch xã (CTX), đại biểu Trương Quang Hai (Bình Thuận) băn khoăn nên ghi như thế nào cho đúng, bầu trực tiếp hay là trực tiếp bầu. Ông Hai cho rằng phải sử dụng từ cho rõ và ghi là nhân dân trực tiếp bầu CTX, có thể quy định là cử tri đại diện gia đình đi bầu để đơn giản và dễ thực hiện.

Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) nêu rõ, thí điểm bầu CTX là việc làm cần thiết, đổi mới theo hướng tăng cường trách nhiệm và quyền làm chủ của người dân. Đại biểu cũng lưu ý cần tổ chức thực hiện như thế nào để tránh mất dân chủ, phức tạp trong nội bộ nông thôn.

Nhiều ý kiến đại biểu QH các tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Thái Bình, Bình Thuận đóng góp ý kiến về tiêu chuẩn, độ tuổi, nguồn giới thiệu và các vấn đề liên quan đế việc trực tiếp bầu CTX. Có đại biểu đề nghị quy định là ở những xã có đông đồng bào thiểu số nên giới thiệu người ở địa phương, am hiểu về tình hình, tập quán; chọn người tham gia ứng cử lần đầu có thể tham gia 2 nhiệm kỳ, nâng cao hiệu quả công tác.

Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cho rằng bầu trực tiếp CTX cần tính đến mối quan hệ giữa người được dân bầu và HĐND trong việc điều hành, giải quyết công việc. Khi dân trực tiếp bầu CTX thì cơ chế thực hiện như thế nào để thực sự phát huy được dân chủ và chọn được người có năng lực, trình độ.

Cùng chung quan điểm, các đại biểu QH tổ Hà Nội nhất trí phải tổ chức tốt, có quy trình chặt chẽ khi bầu trực tiếp CTX thì mới phát huy được dân chủ, sức mạnh của nhân dân; nên chọn ra một số địa bàn để làm mẫu, rút kinh nghiệm, nhân rộng.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.