An ninh tiền tệ

02/11/2008 01:06 GMT+7

Từ cuối năm ngoái đến giữa năm nay, Báo Thanh Niên đã đề cập khá sớm và khá nhiều vấn đề “an ninh”, từ an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cùng nhiều nội dung xung quanh hoặc có liên quan đến các vấn đề an ninh trên.

Đây là những vấn đề lớn liên quan đến nền kinh tế khi chuyển đổi, mở cửa hội nhập ngày một sâu rộng, không những có ý nghĩa trong quá trình phát triển của đất nước, mà còn có ý nghĩa ổn định bên trong để ứng phó với biến động ở bên ngoài. Hôm nay xin nói về an ninh tiền tệ, một nội dung quan trọng với ý nghĩa đối với việc kiềm chế lạm phát, đề phòng thiểu phát, không chỉ không bị cuốn hút vào vòng xoáy mà còn có ý nghĩa chủ động hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

“An ninh tiền tệ” làm cho người ta nghĩ ngay đến việc chống nạn tiền giả, nạn rửa tiền, cướp tiền, phá hoại đồng tiền quốc gia... Đó là những ý nghĩa quan trọng, nhưng chủ yếu được xét theo ý nghĩa hẹp. “An ninh tiền tệ” còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là lòng tin đối với đồng tiền quốc gia, được thể hiện ở các nội dung sau đây.

Một, bảo đảm giá trị của đồng tiền, trên cơ sở ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ. Đồng tiền giống như cái thước để đo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Cái thước không thể đối với lúc này, đối với loại hàng hóa, dịch vụ này thì ngắn lại, đối với lúc khác, đối với loại hàng hóa, dịch vụ khác thì dài ra. Theo lý thuyết thì giá cả (biểu hiện bằng tiền của giá trị) có thể cao hoặc thấp hơn giá trị, nhưng tổng giá cả phải bằng tổng giá trị. Khi tổng giá cả lớn hơn tổng giá trị thì lạm phát, đồng tiền sẽ bị mất giá. Khi tổng giá cả thấp hơn tổng giá trị thì thiểu phát, đồng tiền sẽ lên giá.

Hai, cần theo dõi sát biến động của ngoại tệ để có cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt, kịp thời và thích hợp.

Ba, giảm thiểu hơn nữa và khắc phục tình trạng đô la hóa ở nước ta. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do lớn tạo nên các cơn sốt USD; làm cho việc ra/vào ngoại tệ khó kiểm soát.

Bốn, cần tập trung hơn nữa tiền tệ vào hệ thống ngân hàng để Ngân hàng Nhà nước điều hành tập trung chính sách tiền tệ, tránh có sự phân tán ra các đơn vị khác ngoài hệ thống ngân hàng (tổ chức phi ngân hàng như các tập đoàn, tổng công ty...).

Năm, đặc biệt quan tâm đến sự lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại. Sự lành mạnh, ổn định này được thể hiện ở nhiều mặt, trong đó nổi bật nhất là bảo đảm tính thanh khoản, trình độ quản trị rủi ro, công khai minh bạch thông tin...

Sáu, Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng thương mại; điều hành thông qua các công cụ như lãi suất cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chiết khấu và lãi suất tái chiết khấu, tín phiếu bắt buộc... trong đó lãi suất cơ bản là công cụ chính.

Bảy, trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cần rà soát các khoản cho vay đầu tư, đặc biệt đầu tư bất động sản; rà soát các khoản tiền gửi và đầu tư tại các ngân hàng thương mại, tổ chức nước ngoài, không để xảy ra thiệt hại; đánh giá hoạt động đầu tư, kinh doanh của các ngân hàng nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần rà soát khả năng thanh toán của khách hàng...

Tám, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối để tăng sức mạnh của đất nước, tăng tính thanh khoản của quốc gia, giảm nợ của nước ngoài. 

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.