Thay thế túi nylon

06/11/2008 13:53 GMT+7

Xem video (TNO) Túi nylon được biết đến như một vật hết sức tiện lợi trong đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, đây lại là một loại rác thải cực kỳ nguy hiểm cho môi trường. Thế mà, chỉ riêng TP.HCM, mỗi ngày phải hứng chịu khoảng trên 30 tấn rác thải là túi nylon.

Cứ mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Thanh ngụ ở quận 4, TP.HCM đều đi chợ. Mỗi loại thực phẩm bà mua đều được người bán bỏ vào 1 túi nylon. Sự tiện lợi thấy rõ, vì mỗi thứ mỗi túi, không lẫn lộn với nhau. Cứ thế, có hôm bà mang về hàng chục túi nylon. Bà Thanh cho nói: "Thấy nó cũng tiện lợi, sạch sẽ, mình xài xong thì bỏ". 

Không chỉ bà Thanh, mà gần như tất cả mọi người đều thấy được sự tiện lợi này. Vì thế, ai ai cũng dùng túi nylon để chứa đựng bất cứ thứ gì có thể. Hầu hết các siêu thị, các chợ, trung tâm thương mại, các cửa hàng bách hóa, shop thời trang... đều sử dụng túi nylon. Túi nylon còn được mọi người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
 
Theo kết quả khảo sát thực tế của Quỹ tái chế TP.HCM, tình trạng sử dụng túi nylon trong cộng đồng hiện rất cao. Có đến 93% người dân khi đi mua hàng không mang theo túi đựng vì chắc chắn rằng người bán sẽ cung cấp. Những người này cho rằng mang theo túi đi mua hàng sẽ khá bất tiện. Mặt khác, có đến 28% người dân vứt ngay túi nylon sau khi mua hàng về, một số người khác giữ lại những túi còn sạch để đựng rác.

Hiểm họa khó lường

Việc sử dụg túi nylon tràn lan dẫn đến hậu quả là môi trường đang chịu sự tác động rất lớn của loại rác thải nguy hiểm này. Chỉ tính riêng địa bàn TP.HCM, mỗi ngày, môi trường nơi đây phải hứng chịu khoảng trên 30 tấn túi nylon. Trong đó khu vực phát sinh nhiều nhất là chợ chiếm 70%, kế đến là siêu thị 25% và cuối cùng là trung tâm thương mại 3%. 30 tấn không phải là con số lớn, nhưng nylon có trọng lượng rất nhẹ, do vậy nếu xét về tiết diện, thì 30 tấn nylon này chiếm một không gian quá lớn.    

Có một chi tiết rất nguy hiểm từ túi nylon mà cộng đồng có thể chưa biết hoặc đã biết nhưng chưa có ý định thay đổi cách sử dụng tiện lợi nói trên. Đó là trong môi trường đất, phải mất khoảng 400 năm, túi nylon mới tự phân hủy.

Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế TP.HCM cho biết: "Túi nylon sử dụng tràn lan hiện nay chính là hiểm họa của môi trường. Do trọng lượng nhẹ, nên nó vương vãi khắp nơi, rồi khi ra tới bãi rác thì nó làm cho vi sinh trong rác khó phân hủy, ngăn quá trình thẩm thấu nước ngầm. Mặt khác, túi nylon lơ lửng trong nguồn nước sẽ vướng vào chân vịt của các loại ghe tàu...". 

Nếu không giải quyết thực trạng này, hàng loạt vấn đề về môi trường, môi sinh, cảnh quan… sẽ đồng loạt xảy ra. Dễ nhận thấy nhất là những mảng rác túi nylon rất lớn tích tụ trên các con sông, kênh thoát nước nội ô… làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gây ngập mỗi khi trời mưa. Túi nylon lẫn trong đất sẽ phá hủy hệ thống đất nông nghiệp, gia tăng thể tích bãi rác, cản trở sự phân hủy của rác, tăng chi phí ngân sách trong xử lý rác…

Đó là chưa kể, trong quá trình xử lý bằng phương pháp đốt có thể phát sinh khí dioxin gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, do túi nylon được sử dụng phân tán rộng trong cộng đồng nên việc thu gom, xử lý, tái chế trở nên rất khó khăn và tốn kém.

Nói về các giải pháp khắc phục, Tiến sĩ Khoa cho rằng, cần phải quản lý chặt việc sản xuất túi nylon, tuyên truyền người dân sử dụng túi vải, túi giấy, túi tái chế, nghiên cứu chế tạo túi nylon tự rã, phân hủy sinh học.

Giải pháp thay thế túi nylon

Thời gian gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã nỗ lực nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm ít gây tác hại cho môi trường. Đây là một trong những dòng sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam dùng để thay thế túi nylon hiện hành. Sản phẩm này còn gọi là túi nylon tự hủy do Công ty TNHH Phúc Lê Gia và Công ty cổ phần Nhựa - Xây dựng Đồng Nai hợp tác sản xuất.

Theo công bố của đơn vị sản xuất, túi nylon tự hủy này có thể tự tan rã trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó độ chắc chắn của sản phẩm không hề thua túi nylon thông thường. Thành phần chính của các loại túi nylon tự hủy này chính là hỗn hợp vật liệu nylon với vật liệu tự hủy. Với cách làm này, giá thành sản phẩm ở mức ngang bằng với loại nylon hiện hành nhưng cái được lớn hơn là sự thân thiện với môi trường của dòng sản phẩm này.    

 

Sản xuất túi nylon tự hủy - Ảnh H.H

Ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Lê Gia cho biết, hiện tại ông đang sử dụng những hóa chất thân thiện với môi trường để sản xuất túi nylon tự hủy. Mong muốn lớn nhất của ông là ngày càng có nhiều nhà sản xuất túi nylon tự hủy để kích thích ngành này phát triển và làm cho người tiêu dùng quen với loại vật dụng thân thiện với môi trường này.

Hiện tại, Liên doanh Phúc Lê Gia và Nhựa - Xây dựng Đồng Nai đang được các siêu thị trong nước đặt sản xuất loại túi nylon này với số lượng rất lớn. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước, nhờ ý thức rõ tác hại của túi nylon thông thường, cũng đã đặt hàng liên doanh này sản xuất túi nylon tự hủy cho riêng đơn vị mình.

Để thiết thực bảo vệ môi trường chung, cùng với việc tìm giải pháp sản xuất đại trà túi nylon tự hủy với giá thành thấp nhằm thay thế túi nylon hiện hành của các doanh nghiệp; người tiêu dùng cũng cần được và tự nâng cao ý thức trong việc giữ gìn môi trường, bằng những hành động cụ thể như nói "không" với việc sử dụng túi nylon thông thường, không vứt thải bừa bãi túi nylon ra xung quanh...

Hoàng Hậu - Mạnh Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.