Thay đổi tiếng cười ?

24/10/2005 22:34 GMT+7

Thêm một vở diễn nghiêm túc tại Kịch Sài Gòn, Lâu đài tình ái (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu) khiến người ta phải suy nghĩ về một sự thay đổi của xu hướng kịch hài và không khỏi mừng thầm khi tiếng cười ngày càng dễ chịu, ý nhị hơn.

Chuyện kể về một gia đình mà ông bố và bà mẹ kế cùng đứa em khác họ cứ lao vào những cuộc tính toán để chiếm đoạt cái gia tài khổng lồ mà Huy được thừa hưởng từ ông ngoại. Huy (Tiết Cương đóng) là chàng trai mù nhưng nhân hậu, nghị lực, tự sống bằng đồng lương dạy nhạc của mình. Và anh đã tìm được tình yêu bên cô gái câm hiền dịu (Xuân Thùy). Cuối cùng, mọi toan tính của bà mẹ kế bất thành, chỉ còn lại lời nhắn của ông ngoại (NSƯT Việt Anh): "Sự khiếm khuyết về thể xác không đáng lo bằng sự khiếm khuyết tâm hồn". Khán giả vỗ tay nồng nhiệt.

 

Vở diễn thật giản dị nhưng lại chở một thông điệp sâu sắc. Điều đáng nói là gần một năm nay, với 4 vở diễn liên tiếp, Kịch Sài Gòn đã chứng minh rằng khán giả vẫn đến với sân khấu mà không cần những tiếng cười dễ dãi. Kịch Sài Gòn từng được xem là trung tâm của loại kịch hài hoạt náo, có một lượng khán giả riêng khá đông. Bước đầu, sân khấu đã phục vụ hết mình cho những khán giả này. Và nói thật, nó cũng làm nên một phong cách riêng của Kịch Sài Gòn giữa các sân khấu khác. Tuy nhiên, đã là nghệ sĩ, lại được đào tạo chính quy trường lớp thì ai cũng có máu nghề, muốn làm hay hơn. Thế là anh em nghệ sĩ đã mạnh dạn thay đổi tiếng cười, sao cho vui mà vẫn sâu sắc, dù cũng hơi lo không biết khán giả có chấp nhận. Không ngờ, doanh thu chẳng hề sụt giảm, dẫu đang mùa mưa bão.

 

Rõ ràng, có tham gia "thị trường" cách mấy thì người nghệ sĩ cũng không thể hoàn toàn chiều chuộng khán giả mà vẫn có khả năng dẫn khán giả đi theo nghệ thuật của mình. Sự dẫn dắt đó khéo léo thế nào thì tùy thuộc bản lĩnh và tay nghề của nghệ sĩ. Thật sự thì Kịch Sài Gòn đã "dẫn" rất khéo, rất "có nghề". Tuy nhiên, chính bản thân khán giả cũng đang có một sự tự điều chỉnh rất lớn. Dường như họ đang khó tính dần, không còn thích những tiếng cười dễ dãi nữa. Bây giờ, trong suốt vở chỉ đệm vài đoạn cười nhưng không lạm dụng hình thể, ngôn ngữ, còn lại toàn là những lớp diễn trầm lắng, buộc người ta suy nghĩ, vậy mà khán giả vẫn chăm chú theo dõi, thậm chí vỗ tay. Điều đó càng khích lệ nghệ sĩ diễn nghiêm túc hơn. Nghệ sĩ và khán giả đã gặp nhau trong sự tự điều chỉnh, gặp nhau rất đúng lúc, cho nên vở diễn tung ra đều đạt kết quả tốt.

 

Chợt nghĩ, trong lĩnh vực tấu hài dường như cũng có sự tự điều chỉnh như thế. Diễn dễ dãi, khán giả không thèm cười. Thế là phải săn lùng kịch bản, mời đạo diễn về dựng đàng hoàng. Nghĩa là, cuộc sống có quy luật của nó, cuối cùng chân thiện mỹ cũng được tôn vinh, chắc không đến nỗi bi quan!

 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.