Trốn thoát sau 5 năm bị lừa bán sang Trung Quốc

20/10/2007 22:44 GMT+7

Mất tích người con gái út gần 5 năm qua, vợ chồng ông Lê Hữu Tốn, ở xã Thủy An (nay là phường An Đông), TP Huế, gần như điên đảo. Sau khi tìm kiếm con khắp nơi không thấy, gia đình đã gửi đơn lên Công an TP Huế nhờ giúp đỡ nhưng vẫn không có kết quả. Hai vợ chồng già đã đặt bát nhang ngoài trời để tưởng vọng con. Bỗng một ngày, giữa tháng 10.2007, gia đình ông Tốn nhận được một cú điện thoại từ thành phố Trung Sang, Quảng Châu, Trung Quốc, với lời cầu cứu: “Cha mẹ ơi, hãy sang cứu con”.

Mất tích

Là con gái út trong một gia đình có 4 anh chị em,  học xong lớp 8, Lê Thị Hải Vân phải nghỉ học vì gia cảnh. Để kiếm kế sinh nhai, ông Tốn gửi con gái đến học may tại một hiệu may trên đường Trần Phú (TP Huế). Năm 2003, Hải Vân vừa tròn 19 tuổi thì “cơn ác mộng” không báo trước đổ ập đến với cô. Một buổi chiều, khi Hải Vân vừa học may về thì gặp chị hàng xóm đi với một người phụ nữ lạ nói giọng Bắc. Người lạ mặt cho biết, cô ta ở Hà Nội, rất giàu, có mở tiệm bán quần áo nhưng không có người làm. Người này nói: “Em có muốn ra Hà Nội bán quần áo thì đi với chị. Mọi chi tiêu, ăn uống chị bao hết, mỗi tháng chị sẽ trả cho em 1,2 triệu đồng”. Nhà nghèo, lại chưa có nghề nghiệp ổn định, nay bỗng được đi làm, không tốn tiền ăn, mỗi tháng còn dư 1,2 triệu đồng, quả là một công việc hấp dẫn, Hải Vân và một người bạn cùng xóm tên là Trần Thị Vui (18 tuổi) đã không ngần ngại lén gia đình theo người phụ nữ lạ. Lúc ấy, trong lòng Hải Vân chỉ nghĩ đơn giản, là con gái lần đầu đi làm xa, chắc chắn nếu biết ba mẹ sẽ không cho đi. Cô âm thầm trốn nhà, dự định khi nào có tiền gửi về chắc ba mẹ sẽ hiểu. Ra đến quán cà phê, có thêm một người phụ nữ khác ngồi chờ sẵn ở đó và họ lên xe ra Bắc.


Người cha gặp lại con mình sau 5 năm lưu lạc - Ảnh: B.N.L

Cả đời chưa được đi xa, nên Hải Vân và Vui cứ thế theo hai người phụ nữ lạ. Xe chạy mãi hơn hai ngày đường, Vân vẫn chưa thấy đâu là Hà Nội. Hết xe này họ lại lên xe khác đi tiếp. Xe chạy qua bao thành phố sầm uất rồi lại đến những vùng quê xa xôi và qua bao đèo dốc, núi rừng hiểm trở. Lúc này không hiểu sao mà cả Vân và Vui đều như người ngây dại, không hay biết gì. Đến ngày thứ 5, hai người phụ nữ cho Hải Vân và Vui xuống xe vào ở tạm trong một ngôi nhà. Ở đây, mọi người toàn nói chuyện với nhau xì xào bằng tiếng Trung Quốc mà hai cô bé không hiểu gì. Biết đã bị lừa, nhưng không còn đường thoát, họ đành cắn răng chấp nhận số phận. Chừng 3 ngày sau, Hải Vân bị hai người lạ mặt bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Vui cũng bị bán cho một người đàn ông khác và họ mất liên lạc nhau từ đó.

Ở nhà, vợ chồng ông Tốn cùng với gia đình của Vui đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. Họ đi xem thầy, coi bói, cầu trời, khẩn Phật... nhưng ngày qua, tháng lại con gái họ vẫn biệt vô âm tín. Viết đơn cầu cứu lên công an nhờ tìm kiếm vẫn không kết quả. “Coi như con gái xấu số mất tích, không biết sống chết phương nào, vợ chồng tui đành đặt bát nhang giữa trời cầu khẩn trong vô vọng” - mẹ Vân, bà Trần Thị Yến Tuyết, kể trong nước mắt.

5 năm tủi nhục và mơ ước ngày về

Ở Trung Quốc, Hải Vân được người đàn ông tên Lèng Xình, chừng 30 tuổi, mua và dẫn về một vùng quê xa xôi của tỉnh Quảng Đông, ép làm vợ. Tại đây, cô sống chung trong gia đình Lènh Xình gồm có bố mẹ già và một người anh trai của Lèng Xình cũng chưa có vợ. Ngôi làng nhỏ chỉ có khoảng 10 nóc nhà nằm lẩn khuất giữa núi rừng heo hút, đã làm tiêu tan ý nghĩ trốn thoát của Vân. Cuộc sống của người dân miền núi Trung Quốc còn nghèo khổ hơn đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam. Cô gái Huế, chưa hề biết ruộng nương là gì, giờ phải tham gia mọi việc cùng với nhà chồng. Mọi sinh hoạt đi lại của cô đều được chồng giám sát cẩn thận. Việc trốn thoát về nhà đối với Vân lúc này là hoàn toàn vô vọng. Cô lặng lẽ sống, làm vợ Lèng Xình trong nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ và nhớ quê đứt ruột. Sau một năm làm vợ, Hải Vân đã có thai, cô sinh được cho gia đình Lèng Xình một bé trai. Dần dà cô cũng học được tiếng của người dân bản xứ và mọi giao tiếp cũng dần cởi mở hơn.

Cách đây 5 năm khi nhận được đơn cầu cứu của gia đình Hải Vân và Trần Thị Vui, cùng nhiều nạn nhân khác tại TP Huế, Cơ quan điều tra Công an Thừa Thiên - Huế đã thành lập chuyên án và đã bắt được một người trong một đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc. Sau khi Hải Vân trốn thoát về nhà, Cơ quan điều tra Công an TP Huế đã vào cuộc. Việc Vân và Vui bị lừa bán sang Trung Quốc có liên quan đến đường dây này không hay còn có một đường dây buôn bán phụ nữ khác hiện đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Năm 2006, khi con trai được 3 tuổi, gia đình Lèng Xình tỏ ra buông lỏng quản lý cô hơn. Lèng Xình lên khu công nghiệp ở thành phố Trung Sang (tỉnh Quảng Châu) kiếm việc trong một nhà máy để làm. Anh đưa Hải Vân cùng lên thành phố kiếm việc làm. Từ nhà của Lèng Xình lên thành phố Trung Sang, phải đi xe buýt mất một ngày đường. Cô được chồng làm cho một tờ giấy chứng minh nhân dân giả và xin vào làm công nhân tại một nhà máy sản xuất dây điện. Hai người làm việc cách nhau vài cây số và Vân vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của chồng.

Thế nhưng, nỗi nhớ nhà và ý nghĩ trốn thoát vẫn luôn hiện hữu trong lòng cô gái. Tại xí nghiệp, Vân may mắn quen được một người bạn công nhân khác có chồng là giáo viên. Hai vợ chồng người Trung Quốc tốt bụng đã âm thầm giúp đỡ, tìm cách cho Hải Vân trốn về. Làm được một năm rưỡi, thì khoảng giữa tháng 9.2007, Lèng Xình bỗng bị ốm phải về quê. Nắm lấy cơ hội, với số tiền chắt chiu dành dụm được, Hải Vân liền ra điện thoại công cộng, nhờ chồng của bạn bày cách bấm mã vùng Việt Nam rồi gọi điện về nhà. Trong suốt gần 5 năm bị ép duyên làm vợ, Hải Vân vẫn cố ghi nhớ số điện thoại của một nhà hàng xóm ở Thủy An và ấp ủ có ngày sẽ gọi điện về nhà. Lần đầu tiên sau thời gian dài xa cách nghe được giọng ba mẹ, anh chị cô mừng đến nghẹn giọng, không nói nên lời. Sau cuộc gặp này, Hải Vân đã mua một chiếc điện thoại cầm tay và gọi về cho bố mẹ bằng số điện thoại của mình.

Giải cứu

Nhận được điện thoại của con, vợ chồng ông Tốn mừng rơi nước mắt. Bà Tuyết nói: “Khi nghe được giọng con gái: “Mạ ơi, làm răng qua cứu con về với”, tui mừng đến nỗi ngất đi. Nhưng rồi tỉnh lại, tui càng rối bời hơn vì tiền mô ra để qua tận Trung Quốc cứu con. Càng nghĩ càng quẩn. Đứa con xem như đã mất đi giờ tìm lại được lẽ nào lại để cho con tiếp tục chịu tủi nhục nơi xa lạ”. Cả nhà họp lại và người chị gái của Hải Vân, làm nghề hớt tóc bên sông Lợi Nông, thương em quá đã quyết bằng mọi cách phải đi cứu cô. Chị cùng với một người anh rể vay mượn được 30 triệu đồng và hai anh em lên đường sang Trung Quốc. Ra đến cửa khẩu Móng Cái, họ xin giấy thông hành du lịch, thuê một người phiên dịch và đi thẳng đến Quảng Châu. Dọc đường họ đều đặn giữ liên lạc bằng điện thoại trực tiếp với Hải Vân nên cũng không khó khăn lắm để tìm gặp em. Sau khi đã ấn định được thời gian, Hải Vân liền bỏ trốn khỏi chỗ làm đến Bến xe thành phố Trung Sang để chờ anh chị.

Gặp nhau, chưa kịp mừng tủi thì mọi người phải tức tốc trở về để tránh bị phát hiện. Về đến của khẩu phía Trung Quốc, họ phải thuê người đưa Hải Vân cắt đường rừng để qua biên giới. Suốt hành trình giải cứu, đi và trở về mất 6 đêm 5 ngày ròng rã. Sau 5 năm lưu lạc tủi nhục nơi xứ người, Hải Vân đã được gia đình giải cứu đưa về đoàn tụ vào ngày 14.10.2007 vừa qua.

Tuy đã về nhà, nhưng Hải Vân dường như vẫn chưa thể lấy lại thăng bằng sau một cơn ác mộng dài. Vẫn còn người bạn của Vân giờ không biết lưu lạc nơi nào ở xứ người. Riêng vợ chồng ông Tốn đã nghèo lại bệnh tật, tìm lại được con là mừng, nhưng khoản nợ hơn 30 triệu đồng họ chẳng biết lấy gì để trả.   

5 năm trời sống trong sự căng thẳng, trong nỗi nhớ quê hương, gia đình, lại ít được nói chuyện vì bất đồng ngôn ngữ, bây giờ trở về, lại mặc cảm với thân phận của mình nên Hải Vân vẫn chưa được cởi mở như người bình thường. Nhưng khi nhắc đến đứa con trai 3 tuổi để lại bên đó, cô nước mắt lưng tròng: “Lúc đó chỉ nghĩ đến một chuyện là làm sao trốn cho thoát để về quê, bây giờ về được, lại nhớ con lắm, nhưng biết làm răng được...”.

  Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.