"Đô la hóa"

20/10/2010 00:35 GMT+7

Sự phập phù của nền kinh tế Mỹ khiến đồng USD gần đây rất không ổn định. Trước tình hình này, những nước Đông Nam Á dựa nhiều vào đồng tiền này đang bị ảnh hưởng nặng nề. Một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc chính phủ các nước trong khu vực cần có chính sách nâng cao vị thế của đồng nội tệ.

Tuy nhiên, "chia tay" đồng USD thế nào cho "êm thấm" không phải là chuyện một sớm một chiều.

Tại Campuchia, USD chiếm ưu thế hơn hẳn so với đồng riel, còn ở Lào, người dân thích sử dụng USD và baht Thái hơn là đồng kip. Tình hình cũng tương tự ở Myanmar. "Tôi chưa từng thấy người Myanmar nào dành dụm bằng đồng kyat", AFP dẫn lời chuyên gia kinh tế Sean Turnell, Đại học Macquarie của Úc nói.

Tại Việt Nam, đồng USD cũng chiếm 20% tổng số tiền lưu thông. Nhà phân tích hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là Jayant Menon nhận định quá trình "USD hóa" như trên cho thấy "niềm tin dành cho đồng nội tệ của người dân không cao". Sự ảm đạm của đồng USD so với các loại ngoại tệ khác trong thời gian qua trước mắt sẽ chưa ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các quốc gia Đông Nam Á nhưng nó sẽ tác động đến thói quen dành dụm và tích trữ của người dân. "Ở Việt Nam, điều này có thể khiến người ta chuyển sang trữ vàng nhiều hơn", ông Menon nói.

Việc nền kinh tế dựa quá nhiều vào USD sẽ làm giới hạn khả năng của Ngân hàng Trung ương trong việc kiểm soát nguồn tiền, quyết định chính sách tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế đều đồng ý rằng cần phải rời xa dần USD nhưng không thể tiến hành gấp gáp được. "Theo kinh nghiệm của thế giới, nếu Chính phủ muốn nhanh chóng thay đổi cả hệ thống bằng cách yêu cầu sử dụng đồng tiền quốc gia thì dần dần sẽ gây phản tác dụng và khiến quá trình phi USD hóa càng thêm xa vời", nhà phân tích Menon nhận định.

Ở Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc chống "đô la hóa". Theo ông Ayumi Konishi - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, giải quyết tình trạng "đô la hóa" và đa tiền tệ là một vấn đề thuộc chính sách kinh tế quốc gia, và Việt Nam đã có những tiến bộ tốt trong quá trình phi "đô la hóa". Các cơ quan quản lý, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã nhận thức được rằng chỉ sử dụng các giải pháp hành chính sẽ không hiệu quả để giảm tình trạng "đô la hóa" nền kinh tế. Điều quan trọng là cần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với tiền đồng thông qua tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ổn định tỷ giá, cải cách chính sách tiền tệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt, các nước Đông Nam Á sử dụng USD nhiều có thể áp dụng chính sách chuẩn tiền tệ, tức một hệ thống duy trì tỷ giá. Theo đó, nhà nước chỉ phát hành thêm tiền khi đã dự trữ được một khoản ngoại tệ có giá trị tương ứng nhằm giúp đồng nội tệ luôn giữ được giá trị khi tăng lượng phát hành. Về lâu dài, nhà nước cần giải quyết từ gốc rễ vấn đề, đó là nâng cao năng lực của các định chế tài chính, thúc đẩy thị trường tiền tệ, thị trường vốn cũng như ổn định chính trị và kinh tế.

Trong một báo cáo vĩ mô ngày 15.10 về "Cuộc chiến tỷ giá và đề xuất chính sách cho Việt Nam", Công ty chứng khoán Liên Việt (LienViet Securities) đề xuất bỏ hẳn chế độ "neo" tỷ giá VND với USD để chuyển sang chế độ "neo" VND với một rổ ngoại tệ bao gồm USD, RMB, EUR, JPY theo những tỷ lệ cụ thể tùy theo mối quan hệ thương mại của các thị trường này đối với Việt Nam. Khi đó, tỷ giá VND sẽ được phản ánh chính xác và ít phụ thuộc riêng vào sự mạnh yếu của đồng USD, nhờ đó, tình trạng "USD hóa" cũng sẽ giảm đi. 

Trọng Kha – Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.