Bi, đừng sợ

24/10/2007 21:17 GMT+7

Phan Đăng Di được biết đến khi phim Sen của anh trình chiếu tại LHP ngắn danh giá nhất thế giới Clermont Ferrand - 2006. Sau đó là Khi tôi 20, phim nhựa trong khuôn khổ dự án 10 tháng 10 phim ngắn với một workshop do đạo diễn Trần Anh Hùng trực tiếp giảng dạy. Giám đốc Asian Film Market đã mời Di tham dự LHP Pusan năm nay với dự án Bi, đừng sợ của anh sau khi xem Sen. Phan Đăng Di đã vượt qua 200 dự án từ khắp nơi trên thế giới để giành được giải thưởng trị giá 10.000 USD.

Bi, đừng sợ là câu chuyện phim qua mắt nhìn của một cậu bé 6 tuổi, một gia đình mà mọi người đều đối diện với ham muốn của mình mỗi ngày. Ham muốn xen vào từng chi tiết của đời sống. Nó dẫn dắt những hành động. Nó tạo ra những kết cục. Nó ảnh hưởng đến cảm xúc và cả lương tri. Phan Đăng Di không lựa chọn việc xây dựng một kịch bản có xung đột và biến đổi. Anh muốn tạo ra một không gian, một bầu không khí và một cảm giác, một thế giới mà trong đó cảm giác ham muốn hiện diện và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của mỗi nhân vật. Trong các kịch bản và phim của Phan Đăng Di, luôn thấy những cảm giác vượt ngưỡng thông thường của sự chịu đựng, đến tê dại...

* Anh tìm kiếm điều gì ở đó và thể hiện nó bằng các cách nào?

- Tôi cũng không biết nữa, nhưng chỉ cảm giác rằng trong khi mình sống mình nhận ra có những thời điểm mà ở đó mỗi cá nhân đều buộc phải rơi vào trạng thái tê dại để vượt qua được những thử thách khắc nghiệt nhất của nỗi đau, dục vọng nếu muốn tiếp tục sống sót. Trong Bi, đừng sợ tôi dùng hình ảnh những viên đá lạnh như một hình ảnh xuyên suốt phim để miêu tả cảm giác đó. Nhưng nước đá cũng là nơi mà nhân vật chính của phim, cậu bé 6 tuổi tên Bi giữ tươi những chiếc lá nó tìm được. Và trong tâm hồn non nớt của nó, nó cũng tin rằng ông nội mình, như những chiếc lá kia sẽ được giữ tươi mãi mãi sau khi chết trong những cây đá khổng lồ...

* * *

Phan Đăng Di gửi dự án Bi, đừng sợ (Bi, don't be afraid) đến một hoạt động gọi là Pusan Promotion Plan (PPP). Đây là một hoạt động bên cạnh LHP nhằm tạo điều kiện cho các đạo diễn và những nhà sản xuất phim của họ có điều kiện giới thiệu những dự án làm phim với các nhà đầu tư và các LHP quốc tế... Tiêu chí của PPP là hướng đến các dự án phim độc lập, mang tính thể nghiệm, là dạng dự án mà hệ thống sản xuất phim thương mại thường không mặn mà nhưng lại rất cần thiết để tạo nên diện mạo riêng của điện ảnh. Năm nay có hơn 200 dự án được gửi đến, Ban tổ chức đã chọn được 35 dự án từ 18 quốc gia vào vòng chung kết (đạo diễn cao tuổi nhất được chọn sinh năm 1935, đạo diễn trẻ nhất sinh năm 1980).

Năm 2007 này là năm thứ 10 PPP được tổ chức, 10 năm qua PPP thực sự là nơi tạo đà cho nhiều nhà làm phim châu Á. Từ PPP sau này đã có nhiều gương mặt trẻ được thế giới biết đến như: Vương Tiểu Soái (Giải Gấu bạc LHP Berlin - Giải Ban giám khảo LHP Cannes), Giả Chương Kha (Giải Sư tử vàng 2006), ngoài ra đây cũng là nơi mà các nhà làm phim độc lập hàng đầu của châu Á như Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng... đến giới thiệu các dự án của mình với các nhà đầu tư để tìm kinh phí... Ở VN các đạo diễn như Việt Linh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Nguyễn Phan Quang Bình đã từng tham dự PPP và nhận được đầu tư.

Dự án của Phan Đăng Di sẽ do Vimax phim và VN Media Corporation đồng sản xuất. Hiện tại đã casting xong và đang tiếp tục tìm thêm kinh phí. Tại Pusan Phan Đăng Di đã có 14 cuộc tiếp xúc, trong đó một số nhà đầu tư như NHK (Nhật Bản), Fostisimo Film (Hồng Kông), Arizone (Pháp), một số đại diện từ các LHP như LHP QT Hồng Kông, LHP Gostenberg (Thụy Điển), Cannes (Pháp)... rất quan tâm đến dự án này. Nhiệm vụ tới đây của Phan Đăng Di là làm sao để biến những hứa hẹn của họ thành hiện thực.

Con đường phía trước còn dài nhưng ít nhất cửa đã mở ra và cũng có cái để hy vọng. Di cho biết, kinh phí mơ ước của anh cho dự án này là khoảng 500.000 USD. Và bộ phim sẽ được xây dựng sao cho khi kết phim, khán giả sẽ có cảm giác tương tự như cảm giác của người nuôi cá vừa ngắm bể cá của mình. Họ sẽ thấy một cảm giác gì đó trong lòng, và bắt đầu suy tư về cảm giác ấy...

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.