Hành trình đến Việt Nam của một trí thức trẻ Thụy Điển

07/11/2007 15:24 GMT+7

(TNO) Tôi làm quen với Ellen Swedenmark một cách tình cờ khi đến thăm lớp học của 30 bạn trẻ Bắc u tại Hội An (Quảng Nam). Cô gái Thụy Điển xinh đẹp mới ngoài đôi mươi, với mái tóc vàng tha thướt này từng là sinh viên của chương trình Culture Studies do ĐH Oslo tổ chức tại đô thị cổ cách đây vài năm. Hiện cô đang đảm nhiệm chức trợ lý giám đốc khu vực của chương trình này tại Việt Nam.

Về Hội An như về lại nhà...

Ellen sinh trưởng trong một gia đình trí thức - nghệ sĩ ở Stockhom. Cha cô là giám đốc nhà hát, mẹ là nhà báo tự do kiêm nhà văn, anh trai là nghệ sĩ sân khấu và chị gái cũng là một nhà báo chuyên viết về thiếu nhi và du lịch... Gia đình cô đã nhiều lần đến Việt Nam sau chiến tranh, nhưng cha mẹ cô thì từng là những người yêu mến, ủng hộ đất nước này khi nó còn chìm trong bom đạn...

“Gia đình tôi đến Hà Nội và các tỉnh Việt Nam từ năm 1988, nhưng mãi đến năm 1996 tôi mới có dịp đến. Mẹ tôi từng viết nhiều câu chuyện về vẻ đẹp của đất nước này trên các báo ở Bắc u, còn chị gái tôi từng có một phóng sự về trẻ em ở Hội An. Tôi học về kinh tế phát triển và quan hệ quốc tế. Hai năm trước tôi tham gia một nhóm nghiên cứu về phát triển ở Ấn Độ và kết thúc chương trình tôi đã trở lại Hội An với mẹ. Khi biết được có một lớp học của các sinh viên Bắc u do Culture Studies và ĐH Oslo tổ chức tại Hội An, tôi đăng ký tham dự ngay...”.

Ellen nói cô gắn bó với Hội An như là quê hương. Mỗi lần về Thụy Điển, dù có khi chỉ một tuần lễ, cô lại nhớ quay quắt từng góc phố, con người mà cô đã gặp ở đây.

Vì sao cô lại cộng tác với Culture Studies với công việc quản lý? Ellen cười bảo: “Cũng không biết do duyên số hay vì cái gì. Khi lấy xong bằng Master, giáo sư của tôi  bảo tôi có muốn làm manager cho chương trình không? Nghe nói sẽ làm việc mỗi năm 6 tháng ở Hội An, tôi gật đầu liền! Vì trở lại Hội An cũng như về lại nhà của tôi”. Ấn tượng về sự linh hoạt trong ứng xử và tình cảm gia đình gắn bó của người Việt là những thứ in đậm trong tâm tưởng Ellen, và cô nói: “Tôi học được nhiều đức tính trong cách sống của người Việt”.

Lớp học trong những ngôi nhà tranh tre

Culture Studies là một tổ chức tư nhân hợp tác với ĐH Oslo và nhiều đại học khác ở Bắc u tổ chức các chương trình học tập ở nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... theo chương trình giảng dạy ĐH của Bộ Giáo dục các nước và các trường ĐH. Sinh viên có nhiều trình độ khác nhau, có người mới vào đại học năm thứ nhất, cũng có người học xong cử nhân hoặc đang học cao học. Chi phí cho học kỳ này là 3.300 EUR (khoảng 5.000 USD), bao gồn cả ăn ở. Khoản tiền này, một nửa do sinh viên vay ưu đãi của ngân hàng, một nửa do chính phủ các nước tài trợ.

Chương trình học đa dạng, các giáo viên từ Bắc u thay nhau sang giảng dạy, sinh viên và người quản lý tổ chức các seminar, các chuyến đi thực tế tìm hiểu đời sống của người dân địa phương... để bổ sung cho các môn học như kinh tế phát triển, văn hóa, chính trị địa phương, đánh giá những thách đố trong quá trình phát triển kinh tế... Cuối học kỳ, các sinh viên đều phải trải qua một kỳ thi; trong đó bài làm cá nhân được tính 60% số điểm, 40% còn lại là bài thi nhóm.

Ellen (giữa) và các sinh viên do cô hương dẫn - Ảnh: T.Đ.T

Một điều lạ là sinh viên và người tổ chức lớp học lại chọn những ngôi nhà tranh tre tại khu du lịch văn hóa làng nghề Hà An giữa bốn bề sông nước làm lớp học thay vì những hội trường đầy đủ tiện nghi trong phố. Ellen giải thích: “Chúng tôi muốn sinh viên tiếp cận với nền văn hóa và con người địa phương... Đó cũng là mục tiêu chính của khóa học”.

Thách thức để phát triển

Ellen nói được một số câu tiếng Việt bằng chính giọng... Hội An. Nhưng mối quan tâm về Hội An mới là điều gây ấn tượng khi chúng tôi nói chuyện với nhau. Hãy nghe cô nói: “Khi làm việc tại Ấn Độ tôi mới hiểu thế nào là những vấn đề mang tính toàn cầu (Globalization). Ấn Độ phát triển rất nhanh nhưng cũng để lộ ra những thách đố về sự thiếu bền vững như các nước khác. Hội An cũng ẩn chứa những mâu thuẫn về phát triển và năng lực quản lý. Những ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng du khách và vấn đề môi trường, văn hóa bản địa, chênh lệch giàu nghèo. Nhiều người dân đâu có hưởng được lợi ích từ kết quả của thương mại và du lịch... Đó là những chủ đề quan trọng mà chúng tôi quan tâm. Rất tiếc là chúng tôi gặp khó khăn khi muốn tiếp cận với các nguồn thông tin chính thức".

Hành trình của một trí thức trẻ Bắc u như Ellen không dừng lại ở đó. Với những tình cảm gắn bó của cả gia đình với Việt Nam, cô nói nếu không còn làm việc ở Hội An nữa, bằng hiểu biết về quan hệ quốc tế, cô có thể làm việc trong ngành ngoại giao và sẽ không ngừng đóng góp vào sự phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng giữa đất nước cô với quê hương thứ hai là Việt Nam. “Tôi cũng nói với sinh viên của tôi về điều đó, và họ rất đồng ý”- Ellen nói.

T.Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.