Hiểm họa với việc "xâu, đục" cơ thể

28/10/2006 15:53 GMT+7

Những nam thanh nữ tú với viên đá lấp lánh nơi đầu lưỡi, chùm nho toòn teng ở vành tai, một con sò bạc nơi rốn, những khuyên tròn xuyên chân mày hay ở "vùng tam giác bikini"... hiện nay rất dễ nhận thấy. Dân chơi gọi trò xăm mình và xâu đục cơ thể là "Bod-Mod" - viết tắt của Body Modification (Biến đổi cơ thể).

Các vòng khuyên nhỏ xíu đeo đầy trên người được coi là thứ trang sức để chứng minh cá tính của người chơi và là một hình thức "xi-nhan" để dân chơi dễ bắt bạn. Đó không chỉ là "đặc sản" của riêng dân chơi, mà còn là một khái niệm làm đẹp hiện đang cuốn hút dân văn phòng, kinh doanh và giới trí thức.

Nếu đàn ông thường chỉ dám cài một chiếc móc ở đầu ngực hoặc vành tai thì các cô nàng dường như không có điểm nào trên cơ thể (tai, mũi, chân mày, rốn, lưỡi, vùng kín...) mà trào lưu xâu đục chưa rờ tới. Những người này có xu hướng thích thay bạn tình vì họ thấy mình hấp dẫn và tự tin vào "vũ khí" là những móc xích con bướm bạc, nửa trái tim bị thiêu rụi hay nửa ngọn đuốc cháy hừng hực đeo ở đâu đó trong người.

Với phần cơ thể nào cũng có nguy hiểm riêng

Với mốt xỏ lỗ trong thanh thiếu niên ngày nay, những vùng thân thể hay bị hành nhất là tai, mũi, lưỡi... Đục khuyên hay đeo hạt ở lưỡi vẫn chưa đau đớn bằng trò xâu lỗ ở chỗ nhạy cảm nhất. Chuyện sưng tấy, nhiễm trùng là điều khó tránh khỏi. Nhưng theo rỉ tai của dân trong nghề thì đây chỉ là một chiêu thức quyến rũ, tạo ấn tượng khi quan hệ.

Trên thực tế, các biến chứng phát sinh từ trò xỏ lỗ là không thể lường hết. Hiểm họa trước tiên có thể thấy là người làm kỹ thuật này chưa chắc là dân có học y nên việc sai sót rất dễ xảy ra.

+ Vết thương do xỏ lỗ phần sụn tai, cánh mũi... sẽ không lành nhanh như xỏ lỗ dái tai vì tổ chức mô ở đây và sức ép trên vùng xỏ trong khi ngủ khác nhau.

+ Vùng xỏ lưỡi lúc đầu sưng phồng lên. Nguy cơ dị ứng kim loại làm lưỡi sưng đau. Đôi khi kim loại xỏ trên lưỡi làm biến đổi giọng nói, ảnh hưởng xấu đến khả năng nhai và nuốt, thậm chí làm hình thành mô sẹo, gây thương tổn cho các dây thần kinh lưỡi. Cuối cùng, các chấn thương có thể xuất hiện tại vùng răng. Ngoài ra, với những thương tổn như thế, viên ngọc trai dính trong miệng làm sao có thể bảo đảm những nụ hôn còn ngọt ngào hay không.

+ Việc xỏ lỗ trong miệng có thể làm tắc các tuyến nước bọt, gây cản trở chức năng tiêu hóa, gây tắc nghẽn đường hô hấp do viêm sưng và hóc nữ trang, hoặc gây chảy máu nặng do cọ xát vì các động mạch tưới máu ở vùng này rất nhiều.

+ Xỏ lỗ đầu núm vú ngoài đau còn có thể gây nhiễm trùng cho ống dẫn sữa (có thể làm tắc luôn), làm giảm cảm giác và sẽ gây phiền hà khi phải nuôi con bằng sữa mẹ.

+ Xỏ lỗ ở vùng sinh dục (nam, nữ) có thể làm tổn thương các thần kinh cảm giác, cản trở việc vệ sinh hằng ngày và có thể gây ảnh hưởng đến các sinh hoạt riêng hay chuyện sinh đẻ sau này.

+ Xỏ lỗ rốn rất dễ gây nhiễm trùng do quần áo mặc ngoài cản trở không khí lưu thông tự do, dễ làm ẩm và bẩn quanh vùng rốn.

Ngoài ra, việc đeo đồ trang sức cũng cần đúng với loại và vùng được xỏ. Nếu đồ trang sức quá dày hay quá mỏng và đặc biệt khi không tương thích thì thân thể sẽ tìm cách để loại bỏ chúng.

Nguy cơ lớn hơn cả chính là chúng đã tạo ra một con đường để lây truyền các loại bệnh chết người như HIV, viêm gan, HPV (sùi mào gà)... và ung thư.

Tuổi nào không nên đeo đồ trang sức?

Trẻ con là những người trước tiên không nên đeo đồ trang sức. Không chỉ vì chúng hiếu động, dễ làm hư hỏng, mất mát đồ trang sức, mà nguy hại hơn là có thể sinh ra tai nạn chết người khi vật trang sức rơi vào miệng, kẹt ở cổ... Hơn nữa, da của trẻ còn non và mềm, nếu đeo dây chuyền, vòng cổ, vòng tay, xuyến, nhẫn... rất dễ làm tổn thương da, gây viêm tấy, mưng mủ, nhiễm uốn ván, viêm gan... Ở tuổi nhi đồng, cơ xương khớp phát triển rất nhanh, đeo nhẫn, vòng tay rất có thể làm cho tay, cổ tay bị ứ máu, nặng hơn có thể dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng cục bộ, hoại tử, làm hư hại bộ phận cơ thể.

Đối với tuổi học trò, khi đeo đồ trang sức, các em dễ phân tán tư tưởng, lo ăn diện, đua đòi, tạo ra thói quen xấu, vừa hao phí tiền bạc, thời gian, lại ảnh hưởng học tập. Hơn nữa, khả năng chịu đựng chưa chín muồi nên khó chống lại những ảnh hưởng do đeo đồ trang sức mang lại. Ở Trung Quốc, Bộ Giáo dục nước này đã có quy định học sinh trung học trở xuống không được đeo đồ trang sức khi đến trường.

Làm đẹp luôn là nhu cầu của mọi người, nhưng kèm theo nó lại là ít nhiều những nguy hại về sức khỏe. Vì vậy, làm đẹp lấy sự an toàn cho cơ thể làm căn bản là điều cần thiết.

TS Bùi Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.