Từ Tây sang Đông

04/11/2008 00:12 GMT+7

Sau gần một phần tư thế kỷ mới lại có cuộc thượng đỉnh giữa Nga và Libya với chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo M.Gaddafi. Nhưng kết quả chuyến thăm lại dồi dào đến mức tạo cảm giác như thể quan hệ giữa hai nước chẳng bị ảnh hưởng gì bởi thực tế đó.

Hợp tác trên lĩnh vực năng lượng, hạt nhân và quân sự là những chủ đề nổi bật nhất trên chương trình nghị sự của ông Gaddafi ở Nga và những dự án hai bên đã thỏa thuận đã giúp hai bên không chỉ trở thành đối tác quan trọng của nhau, mà thậm chí trong chừng mực nhất định còn có ý nghĩa như đối tác chiến lược.

Điều đó cũng có thể giải thích được từ lợi ích của cả hai bên. Nga không thể bỏ mặc Libya cho Mỹ, Pháp, Ý hay EU, cả trên lĩnh vực dầu khí và hạt nhân hay về phương diện chính trị an ninh địa chiến lược ở khu vực. Libya đã cải thiện quan hệ rất cơ bản với Mỹ, Pháp, Ý và phần nào cả EU nhưng các mối quan hệ ấy mới chỉ hơn "được bình thường hóa" một chút, chưa hẳn thật bền chặt, lại càng chưa thể coi là đáng tin cậy. Trong khi đó, quan hệ của Libya với Nga hiện tại có gốc là mối quan hệ tốt đẹp thời Liên Xô trước đây. Nga tuy tham gia chính sách của LHQ cấm vận Libya, nhưng không thù địch và chống phá Libya như Mỹ hay EU ngày trước. Nga hiện có thể trở thành đối trọng chiến lược của Libya trong quan hệ của Libya với Mỹ và EU.

Nhìn nhận như vậy có thể thấy tính liên tục trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của Libya từ nhiều năm nay, đi từ giải quyết vấn đề khó khăn trước để tạo đột phá và rồi khôi phục cái dễ hơn để làm đối trọng cho quan hệ với các đối tác kia. Đi về phía Tây trước để rồi khi đi về phía Đông thì việc đó không chỉ là sự bổ sung thuần túy mà còn là tạo sự cân bằng để rồi sử dụng sự cân bằng đó như một đối trọng.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.