Tự tử - "Sát nhân thầm lặng" ở châu Á

16/09/2005 22:01 GMT+7

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử đã trở thành vấn đề đáng báo động ở châu Á: trung bình mỗi ngày có tới 1.100 người chết vì tự tử. Đáng sợ hơn, tổng số người tự tìm đến cái chết cao gấp 20 lần con số này, song thất bại.

Những con số biết nói

Theo ước tính của WHO, tỷ lệ tự tử ở châu Á là 19,3/100.000 người trong khi tỷ lệ toàn cầu là 14/100.000. Cụ thể, ở Nhật Bản, cứ 100.000 người thì có 27 người chết vì tự tử - một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Thống kê cho thấy, hơn 32.000 người ở xứ hoa anh đào đã tự kết liễu cuộc đời trong năm 2004. Theo báo cáo của Bộ Y tế Nhật Bản, tự tử là nguyên nhân thứ 6 gây chết ở nước này sau ung thư, bệnh tim và một số bệnh hiểm nghèo khác. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Y tế Trung Quốc cho thấy, tự tử là nguyên nhân phổ biến thứ 5 dẫn đến những ca tử vong trên toàn quốc, trong đó những người tự tử chủ yếu ở độ tuổi 20 - 35. Gần đây, số vụ tự tử ở đất nước đông dân nhất hành tinh đã tăng mạnh, lên tới khoảng 250.000 vụ/năm. Riêng số ca tự tử không thành là 2,5 - 3,5 triệu. Tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc khá cao: 22/100.000. Riêng tại Thái Lan, tỷ lệ này trong năm 2004 là 6,9/100.000.

Đâu là nguyên nhân?

Theo WHO, có nhiều nguyên nhân khiến con người tìm đến cái chết, trong đó có sự thay đổi về kinh tế xã hội. Điều này bao gồm cả công việc và điều kiện sống. Việc dễ tiếp cận các phương tiện giúp tự tử như thuốc độc, súng cũng là một nguyên nhân khác nữa. Ngoài ra, bệnh tật, đổ vỡ trong quan hệ hôn nhân, gia đình cũng là những lý do đẩy con người đến chỗ tự tử. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc phiện, ma túy, rượu bia hay tình trạng tù tội cũng khiến nhiều người tìm cách giải thoát mình bằng cái chết. Thống kê cho thấy, những rắc rối về sức khỏe chiếm gần 45% số ca tự tử ở Nhật Bản và hơn 25% là do thất bại về tài chính. Trong khi đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tự tử ở Trung Quốc là do áp lực từ công việc, học hành và hôn nhân ngày càng cao.

Biện pháp khắc phục

Ông S.Omi - Tổng giám đốc WHO tại châu Á - cho rằng hạn chế con đường tiếp cận các loại thuốc trừ sâu hay các loại súng ống là việc làm cần thiết để giúp ngăn chặn tự tử. Gần 58% vụ tự tử ở Trung Quốc có liên quan đến việc dùng thuốc trừ sâu. Ngoài ra, cần sớm đưa ra các biện pháp hữu hiệu chữa trị chứng buồn chán hay rối loạn thần kinh. WHO cũng kêu gọi các nước quan tâm nhiều đến các cơ sở y tế cộng đồng, hơn là chỉ tập trung vào các bệnh viện điều trị tâm thần lớn. Ông Omi còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò gia đình, cộng đồng và công sở trong việc giúp giảm tỷ lệ tự tử. Trong khi đó, theo ông Wang Xiangdong - Cố vấn y tế của WHO tại châu Á, ý thức cộng đồng, xác định người có nguy cơ tự tử cao và công khai số liệu là những biện pháp giúp thực hiện thành công việc ngăn ngừa tự tử. Ngoài ra, việc thành lập các đường dây nóng để tư vấn tâm lý cho người dân là rất quan trọng. (BangkokPost, Business Week)

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.