“Mẹ ơi cứu con!”

30/09/2007 01:31 GMT+7

Tôi vừa đi viếng cháu Lê Hiến Chương - kỹ sư cầu đường, nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ. Trong số 49 nạn nhân đã chết cho tới giờ này, thì cháu Chương là người đồng hương Quảng Ngãi duy nhất của tôi. Đau xót thay, đó lại là đứa cháu ruột người bạn tôi mà mãi tới chiều 27.9 tôi mới biết. Cha mẹ cháu đều là giáo viên, nhà nghèo, và cháu lại sinh đúng ngày 20.11.1982 nên được bố đặt tên là Hiến Chương. Chương là một con ngoan trò giỏi của trường chuyên Lê Khiết và của Đại học Bách khoa TP.HCM.

Cháu mới ra trường và đi làm được vài năm nay, nhưng đã gánh trách nhiệm nuôi đứa em út cũng đang theo học tại Đại học Bách khoa thành phố. Cháu Chương làm cho Công ty Vĩnh Thịnh mới được 4 tháng nay, và là kỹ sư giám sát thi công. Ngày tai họa ấy, cháu đang đứng trên cầu, và đột ngột cầu sập. Có thể, lời cuối cùng của cháu, cũng giống như tiếng kêu của nhiều nạn nhân khác cùng chỗ với cháu, một tiếng kêu xé lòng: "Mẹ ơi cứu con!". Nhưng mẹ của cháu Chương, cũng như mẹ của nhiều công nhân khác đang ở quá xa hiện trường nơi cầu sập. Liệu họ có nghe được, trong linh cảm, tiếng kêu vĩnh biệt xé ruột của con mình? Trước linh cữu cháu Chương và của những người tử nạn khác, tôi và chúng ta còn biết nói gì đây?

Những người chết không thể sống lại, những người bị thương nặng chưa biết sẽ hồi phục thế nào, và liệu tất cả công nhân thi công cầu có còn giữ được tinh thần để tiếp tục làm tốt công việc? Ba nhà thầu nổi tiếng của Nhật tham gia công trình này, được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá là "rất tốt", nhưng khi tai họa xảy ra, họ cũng không biết nguyên nhân từ đâu. Những Công ty "cung cấp nhân lực lao động" như Vĩnh Thịnh hay Thăng Long-đơn thuần chỉ là những Công ty được thuê "mộ quân". Việc quản lý lao động quá  lỏng lẻo nên khi tai họa xảy ra, đã có rất nhiều nhầm lẫn về tên tuổi (dựa vào thẻ công nhân) những người bị nạn và đặc biệt là không biết chính xác số lượng công nhân trên hiện trường. Những công nhân này có được bảo hiểm hay không cũng không biết chắc, người nói có kẻ nói không. Và hôm nay, có thể biết chắc là phần lớn đã không có bảo hiểm tai nạn (chỉ có chưa tới 10 công nhân thuộc Công ty Vĩnh Thịnh có bảo hiểm này).

Với thảm họa cầu Cần Thơ, đã tới lúc phải rà soát lại, không chỉ là qui trình kỹ thuật xây dựng tất cả các cây cầu trong nước, mà cả phương thức tuyển dụng và sử dụng lao động. Dù chỉ là "lao động ngắn hạn" thì người lao động khi được tuyển dụng phải được chủ thầu ký hợp đồng và mua bảo hiểm 100%. Không có chuyện "ới" họ đi làm chỉ với một cái thẻ có số mà không có tên như đã xảy ra ở công trình cầu Cần Thơ. Những người nông dân ở quanh các công trình xây dựng lớn thường rất nghèo, và họ coi việc được "đi làm công nhân" là cơ hội để đổi đời. Nhưng không vì thế mà có thể tận dụng họ trong khi cố tình "quên" thực hiện với họ những điều cơ bản của luật lao động. Tiếng kêu xé lòng lúc lâm chung của người công nhân tử nạn: "Mẹ ơi cứu con!" còn phải được cảm nhận được hiểu như lời kêu cứu tới những cơ quan bảo vệ người lao động. Và tới những nhà thầu những đơn vị thuê người lao động.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.