“Ma trận” trên núi vàng Hòn Ké

19/10/2010 10:35 GMT+7

Đá núi vàng Hòn Ké một bao một chỉ..." - chuyện trúng đậm vàng lan truyền nhanh. Ngày 17.10, hàng trăm người dân từ các nơi ùn ùn kéo về ngang nhiên đào "hầm vàng" với quy mô lớn và công khai giữa thanh thiên bạch nhật.

Họ - những người đào vàng - phá tan những cánh rừng phòng hộ ở Suối Bùn, Hòn Ké, gây ảnh hưởng môi trường, mất trật tự an ninh ở xã vùng xa Sông Hinh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Trong khi đó, các thành viên của tổ chốt chặn khai thác vàng sa khoáng trái phép ở đây thì "ngồi chơi xơi nước"!

Mất một ngày tự dò tìm đường ở xã vùng xa Sông Hinh (giáp giới tỉnh Đắc Lắc), PV Báo Lao Động không đến được các bãi khai thác vàng trái phép nằm khuất sâu trong núi hiểm trở cách xa đến 17km. Đến ngày 17.10, chúng tôi phải vượt chặng đường dài ngược trở về nơi Nhà máy thủy điện Sông Hinh. Từ đây, lại dò tìm đường về Buôn Thung (xã Đức Bình Đông) – nơi cận giáp với 4 địa điểm đào vàng với quy mô lớn ở Suối Bùn, Hòn Ké thuộc xã Sông Hinh. Một cán bộ Trạm bảo vệ rừng Buôn Thung vừa chỉ tay về hướng tây nam, vừa nhát gừng: “Đường sá hư hỏng, lầy như qua... đầm lầy, không đi được đâu. Nếu “lết” được đến nơi thì cực lắm, mà gặp “vàng tặc” hung hăng đánh đuổi thì có mà... rước vạ...  

Qua khỏi đập hồ thủy điện, trước mắt, đoạn đường ngoằn ngoèo, dốc vào núi sâu mới thật sự gian nan. Những đợt mưa vừa qua đã xé toạc một bên đường, hoặc đọng nước thành vũng sâu, hoặc lầy lội, nhão nhoét... Sáu người không ngại gian nan, không nản lòng, hì hục vừa dắt, vừa đẩy 3 chiếc xe vượt từng đoạn đường đau khổ. Mặc dù thời tiết mát mẻ, trời không mưa, không nắng, nhưng chúng tôi phải mướt mồ hôi hột mới mục sở thị được “ma trận” nơi bãi vàng Hòn Ké!

Ồ ạt tranh nhau đào “hầm vàng”

Giữa một cánh rừng cây cối um tùm, những “vàng tặc” đã xẻ một con đường lên dốc núi. Từ đây, để có khoảng vài hécta đất trống đào “hầm vàng”, họ đã triệt hạ, tàn sát cây cối một cách không thương tiếc. Quan sát kỹ “ma trận” trên bãi vàng, chúng tôi bắt gặp hàng trăm hầm hố đào loang lổ như sau một trận bom giội. Hàng chục hầm đào sâu 10 – 15m đều nằm ở “trung tâm kẹp đá vàng đậm” thuộc người dân Thái Nguyên và các tỉnh khác ở phía bắc đến đào. Còn những người dân ở các địa phương Phú Yên thì đào hầm ở xung quanh rồi âm sâu vào bên trong theo vỉa đá kẹp có vàng. Ở những hầm sâu, họ đưa từng người xuống đào rồi dùng trục quay để kéo đất đá lên bờ. Ở những hầm có nguy cơ bị sập, họ chặt phá cây rừng rồi chặt từng đoạn chống cừ từ miệng hầm đến đáy hầm rất kiên cố. Ở đây, có tất thảy 4 bãi đào hầm vàng với quy mô lớn như vậy trên núi Hòn Ké.

Giữa âm thanh đào đá cọc cạch, giữa tiếng chặt cây, tiếng máy xay đá ầm ào giữa núi rừng, anh Võ Văn Thanh (quê ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) kể lại: “Gần 2 tháng trước, chúng tôi nghe thông tin ông Tuấn (biệt danh là Tuấn cày) cũng ở quê Thái Nguyên đào đá ở đây xay đãi vàng với mỗi bao được một chỉ. Thế là, tôi cùng nhiều người ở quê kéo vào đây đào vàng. Chúng tôi chỉ mới đào hầm với mỗi bao đá đem xay đãi được 3 phân (mỗi chỉ vàng sa khoáng đem phân kim tạp chất còn khoảng 7 phân vàng y – PV). Hy vọng những hầm đá vàng sắp tới sẽ... đậm vàng hơn!”.

Ban đầu chỉ có vài mươi người ở Thái Nguyên vào Hòn Ké đào hầm vàng. Thông tin ông Tuấn cày và nhiều người khác “trúng đậm” lan rộng khiến bà con ùn ùn kéo vào rừng đào bới lấy đá xay đãi vàng. Thời gian gần đây, nhiều hầm lộ diện nhiều vỉa đá kẹp có trữ lượng nhiều vàng. Đây chính là hấp lực đã thu hút khoảng từ 300 – 400 người trong và ngoài tỉnh luôn bám trụ trong rừng và hì hục đào hầm lấy đá vàng cả ngày lẫn đêm. Anh Đặng Văn Lực - ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên) - tâm sự: “Được tin ở đây có nhiều vàng, nhóm chúng tôi gồm 5 người cũng đến đào hầm để thử vận may. Biết đâu sẽ đổi đời...”.

Giữa trưa, giữa bãi vàng Hòn Ké, dân đào vàng lại đem xoong nồi ra nấu ăn, khói bay nghi ngút. Lửa từ nấu ăn, từ đốt thuốc lá... ở rừng có nguy cơ gây cháy rừng nếu trời nắng nhiều ngày! Tôi bất giác nhìn một cánh rừng rộng dưới dốc núi cao bị “cạo trọc cây” với hầm hố đào loang lổ và có cảm giác rùng rợn khi nghĩ chỉ cần một cơn mưa lớn là gây sạt lở, đất đá trôi tuột... xuống hầm. Vậy mà ngày ngày, người dân vẫn cứ đội nắng, đội mưa vô tư chui rúc dưới hầm sâu đục từng bao đá!


Một hầm đào vàng Hòn Ké


Một góc bãi vàng Hòn Ké


Hàng trăm hầm đào vàng đã phá tan những cánh rừng Hòn Ké


Những người đào “hầm vàng” dùng trục vay kéo đất đá


Một “vàng tặc” đang chui xuống hầm đào vàng sâu 15m


Nhiều đoạn đường vào bãi vàng bị nước ngập thành rãnh sâu


Nhiều đoạn đường vào bãi vàng lại dốc, trơn trượt


Đãi vàng ngay trên lòng sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng


Những “vàng tặc” đang tụ tập để đãi đá vàng


Nấu ăn ngay trong rừng gây nguy cơ cháy rừng rất lớn

Tổ chốt chặn “ngồi chơi xơi nước”!

Rõ ràng điểm nóng khai thác vàng Hòn Ké đã và đang tồn tại, gây nhiều hậu quả khôn lường, nhất là tình trạng dân đào vàng đông đúc gây mất trật tự an ninh, chặt cây phá rừng làm hầm, làm lán trại làm phá vỡ môi trường sinh thái, xay đãi đá vàng gây ô nhiễm nguồn nước..., vậy nhưng không hề thấy một bóng dáng cán bộ của các ngành chức năng kiểm tra, xử lý!

Thực ra, UBND huyện Sông Hinh đã ký quyết định số 2323/QĐ-UBND, ngày 14.10.2010 về thành lập tổ chốt chặn khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Suối Bùn, Hòn Ké, xã Sông Hinh, gồm 6 người, do ông Ksor Phan – cán bộ cơ quan quân sự huyện Sông Hinh - làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ chốt chặn này là: “Thường xuyên tuần tra, kiểm tra công khai tại các địa điểm khai thác vàng trái phép, lập danh sách trích ngang từng đối tượng cố ý tái hoạt động khai thác vàng sa khoáng tại điểm làm vàng trái phép và trục xuất các đối tượng ra khỏi khu vực khai thác”. Thế nhưng, không hiểu sao tổ chốt chặn này không đặt ở ngay bãi vàng mà nằm cách xa bãi vàng đến 7km! Và khi chúng tôi đến thì có 4 thành viên của tổ đang nhàn nhã “ngồi chơi xơi nước”, còn tổ trưởng, tổ phó thì... đã đi về nhà.

Anh Nguyễn Phú Chiển – cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, thành viên tổ chốt chặn – phân trần: “Bãi vàng trái phép nằm sâu trong rừng phòng hộ, đường giao thông đi lại rất hiểm trở nên việc ngăn chặn “vàng tặc” rất khó khăn. Cách đây mấy hôm, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để truy quét, đốt lán trại, thu máy xay đá, trục xuất hàng trăm người khai thác vàng ra khỏi bãi vàng, nhưng cũng chỉ đảm bảo an ninh trật tự được một ngày. Khi lực lượng truy quét rút đi thì tình hình khai thác vàng vẫn “vũ như cẫn”! Để tiếp tục ngặn chặn nạn đào vàng, quản lý bảo vệ rừng, huyện thành lập tổ chốt chặn này”. Khi hỏi vì sao người dân đang công khai phá rừng đào vàng, nhưng hôm nay các anh không đi kiểm tra bãi vàng, anh Chiển trả lời: Lực lượng tổ chốt chặn cũng quá mỏng, không thể quản lý nổi dòng người đào vàng ngày càng đông. Do vậy, chúng tôi chỉ đi... kiểm tra đột xuất!”.

Rõ ràng, tổ chốt chặn hoạt động không hiệu quả và đây thật sự là cuộc chiến chống “vàng tặc” không cân sức!

Vĩ thanh

Chiều. Mây trời lãng đãng và mưa như muốn ập đến. Chúng tôi rời bãi vàng và xuống núi, và đói, và mệt mỏi vì con đường... không ra đường. Nhưng trên đường đi, chốc chốc lại bắt gặp quá nhiều người tay xách đồ dùng, mang dụng cụ, chở bao đựng đá, hồ hởi lên “núi vàng” Hòn Ké. Một người dân tộc Ê Đê ở Sông Hinh – tên là Ma Thoan - gọi giật: “Mấy chú ơi chờ tui đi với!”. Ma Thoan nói với chúng tôi: “Ai cũng bảo núi Hòn Ké nhiều vàng. Vậy nên mình bỏ cái nương, cái rẫy đi làm vàng thôi, để có nhiều tiền hơn...”.

Tôi bất chợt nhớ câu nói lúc sáng tại bãi vàng của ông Nguyễn Hồng Đức – chủ của 2 “hầm vàng”: “Có thể nhận định rằng trữ lượng vàng ở Hòn Ké rất nhiều. Tôi đầu tư đào hầm sâu, chặt cây cừ chắc chắn trong mùa mưa. Đồng thời về quê ở huyện Tây Hòa “tuyển mộ” thêm nhân công lên đây, rồi bằng mọi cách bám trụ lâu dài để khai thác vàng triệt để”. Vậy là dòng người đổ xô đi đào vàng trái phép đang tiếp tục tăng lên từng ngày. Và các bãi vàng ở khu vực Suối Bùn, Hòn Ké sẽ là điểm nóng tàn phá môi trường nghiêm trọng, nguy cơ sụt lở đất đe dọa tính mạng con người... 

Lẽ nào đành bất lực trước nạn khai thác vàng Hòn Ké? Cần có sự “ra tay” mạnh mẽ, kịp thời, kiên quyết của chính quyền huyện Sông Hinh!

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.