Nỗi lòng người chuyển giới

08/11/2009 23:54 GMT+7

Những người đẹp chuyển giới tham dự cuộc thi sắc đẹp Miss International Queen 2009 vừa diễn ra tại Thái Lan muốn truyền đi một thông điệp kêu gọi thay đổi thái độ của xã hội đối với họ.

Ngày càng có nhiều thông điệp được truyền đi kêu gọi đối xử công bằng và có cái nhìn cởi mở hơn đối với người chuyển đổi giới tính nhưng liệu xã hội có chấp nhận điều đó hay không lại là một chuyện khác. Sự phân biệt đối xử đối với người đồng tính, chuyển giới sẽ còn đó một khi xã hội vẫn coi vấn đề này là nhạy cảm và khác biệt.

Cuộc thi sắc đẹp dành cho người chuyển giới và ăn mặc trái giới Miss International Queen 2009 vừa diễn ra từ ngày 28 đến 31.10 tại Pattaya, Thái Lan đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của công chúng. Đây là lần thứ 5 cuộc thi sắc đẹp đặc biệt này được tổ chức. Đẹp và lạ là hai yếu tố khiến nhiều người đến theo dõi cuộc thi. Có 18 thí sinh đến từ 11 nước đã trình diễn tài năng và sắc đẹp của mình để được đội vương miện năm nay. Riêng Philippines và Nhật Bản, mỗi nước có 3 thí sinh tham dự. Trong 11 quốc gia này, không phải ở đâu người ta cũng thoải mái với người chuyển giới.

Người đẹp Naysha Lopez đến từ Puerto Rico ở châu Mỹ xa xôi nói ở xứ sở của cô người ta không cởi mở lắm về người chuyển giới và cô hoàn toàn bất ngờ khi được đón tiếp nồng hậu ở Thái Lan. Lopez may mắn được sự ủng hộ của gia đình và lý do mà cô tham dự cuộc thi này là vì đây là một nơi thể hiện sự bình đẳng đối với người chuyển giới và đồng tính.

Đến từ Singapore, người đẹp Camilia Dzelma được sự ủng hộ và khuyến khích từ mẹ mình để tham gia cuộc thi. Dzelma kể rằng ở Singapore, nhìn chung chính phủ chấp nhận người chuyển giới nhưng các công ty thì hầu như không. “Nếu người chuyển giới đến xin việc, họ sẽ nói không”, Dzelma cho biết. Hiện cô đang làm giáo viên dạy múa tại một trường công nhưng phải giữ bí mật về giới tính của mình đối với học sinh. “Tôi đến với cuộc thi không phải vì giải thưởng”, Dzelma nói tiếp. “Tôi muốn nói rằng không phải tất cả những người chuyển giới đều là quái đản”.

Cô Sunny Dee-Lite, người đẹp chuyển giới đến từ Mỹ, thì nói ở nước cô người ta không đón nhận những người như cô bằng ở Thái Lan. “Có thể nói là tôi muốn ở Thái Lan luôn, không muốn về Mỹ nữa”, Dee-Lite nói đùa. Câu chuyện của Sandhya Lama đến từ Nepal thì lại khác. So với các thí sinh còn lại, cô trông thua kém hẳn. Không xinh đẹp bằng, dáng đi cũng không uyển chuyển và vì điều kiện, cô cũng không thể chăm chút vẻ ngoài như các thí sinh khác. Đến với cuộc thi này là cả một quyết định dũng cảm để thể hiện mình. Lama may mắn được sự ủng hộ của gia đình. “Tôi muốn chứng tỏ cho mọi người thấy người chuyển giới cũng có tài năng, cũng làm được việc”, Lama tâm sự. Cô nói rằng việc dự thi lần này không phải vì giải thưởng mà là muốn thay đổi thái độ của mọi người về người chuyển giới hay ăn mặc trái giới.

Maggie Gao đến từ Thượng Hải, Trung Quốc là một trường hợp khác. Cô từng tham gia một cuộc thi sắc đẹp ở Thẩm Quyến hồi đầu năm nay và đoạt thứ hạng cao. Về sau, ban tổ chức phát hiện cô không phải là phụ nữ “thứ thiệt” nên đã rút lại danh hiệu của cô. Người đẹp Trung Quốc nói khi về nước cô phải cởi bỏ hết trang phục phụ nữ và mặc đồ đàn ông để tránh bị dòm ngó.

Phút đăng quang rồi cũng đến. Người đẹp Nhật Bản Haruna Ai đã đoạt vương miện và òa khóc trong niềm sung sướng. Người đẹp Brazil là Daniela Marques giành ngôi Á hậu 2 và người đẹp Thái Lan Kangsadal Wongdusadeekul giành ngôi Á hậu 1. Đêm chung kết, nhà hát Tiffany ở Pattaya chật cứng. Vé được bán hết sạch. Cuộc thi được truyền hình trực tiếp. Những tiếng huýt sáo, những tiếng cổ vũ vang lên liên tục. Cả đêm chung kết thật sôi động và ấm áp tình người. Những người chuyển giới hay ăn mặc trái giới dự thi trên sân khấu có lẽ cũng cảm thấy mình được tôn trọng, giá trị của mình được tôn vinh.

Một con người sinh ra với sự lệch lạc về giới tính là điều tự nhiên và thực tế vẫn đang tồn tại trong xã hội. Vậy xã hội có nên chối bỏ hay quay mặt đi với thực tế đó? Xin được kết thúc bài viết bằng câu nói của một vị giám khảo rằng cuộc thi sắc đẹp của người chuyển giới là cơ hội để họ thể hiện giá trị của mình, đó là giá trị được làm người.

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.