Trung Quốc ra mắt thế hệ lãnh đạo mới

22/10/2007 23:41 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã chính thức ra mắt vào hôm qua. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc chuyển giao quyền lực từ thế hệ cũ sang thế hệ mới.

Hôm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17 đã bầu ra Bộ Chính trị (25 ủy viên), Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị (9 ủy viên). Theo Tân Hoa xã, một số gương mặt mới trong danh sách 25 ủy viên Bộ Chính trị gồm Vương Cương, Vương Kỳ Sơn, Lưu Diên Đông (nữ), Lý Nguyên Triều, Bạc Hy Lai...

Các ủy viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị: Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc, Ôn Gia Bảo, Giả Khánh Lâm, Lý Thường Xuân, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Hạ Quốc Cường, Chu Vĩnh Khang
Trong đó, 6/25 ủy viên Bộ Chính trị sinh ra trong những năm 50 thuộc thế kỷ 20. Còn về thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, đúng như dự đoán, ông Hồ Cẩm Đào vẫn tiếp tục được bầu vào vị trí Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa 17. Ông cũng được bầu là Chủ tịch Hội đồng Quân ủy trung ương khóa mới. Bốn ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 16 gồm Ngô Bang Quốc, Ôn Gia Bảo, Giả Khánh Lâm, Lý Thường Xuân cũng giữ được vị trí của mình trong khóa 17. Những gương mặt mới là Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Hạ Quốc Cường, Chu Vĩnh Khang.

Hai gương mặt trẻ sáng giá

Đó là hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, đều chào đời sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu lãnh đạo đất nước vào năm 1949. Đây cũng là hai gương mặt có nhiều triển vọng thay thế ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo trong Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm 2012. Họ đã thăng tiến trong suốt những năm "cải cách và mở cửa" dưới thời ông Đặng Tiểu Bình.

Giới phân tích phương Tây đánh giá đây là những nhà lãnh đạo theo đường lối ôn hòa và ủng hộ thương mại. Riêng ông Tập có tiếng là người thúc đẩy mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản với những quyền lợi của giới doanh nghiệp tư nhân, và cũng được biết đến như người luôn làm việc chặt chẽ với giới đầu tư nước ngoài. Theo Báo New York Times, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người đã biết ông Tập từ khi còn nắm Tập đoàn Goldman Sachs, đánh giá rất cao năng lực của ông Tập.

Thành tựu giai đoạn 2002 - 2007

Nhân dịp diễn ra Đại hội Đảng thứ 17, báo chí Trung Quốc đã điểm qua những thành tựu nổi bật trong 5  năm qua. Thành tựu đầu tiên là việc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 5, Thần Châu 6 (tháng 10.2003 và tháng 10.2005), biến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới tự đưa người vào vũ trụ. Kế đến là quyết định xóa bỏ thuế nông nghiệp áp dụng từ năm 1958 vào năm 2005. Đây là biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề Tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn).

Việc khai trương tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng dài 1.956 km vào ngày 1.7.2006 cũng thực sự là một trong những thành tựu nổi bật của Trung Quốc trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, việc thông qua luật "Quyền sở hữu Nhà nước" vào tháng 3.2006 cũng được đánh giá cao, giúp bảo đảm quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân.

Và khó khăn trước mắt

TTXVN dẫn những nhận xét của giới học giả Hồng Kông được đăng trên tờ Tân báo và Minh báo sau khi Đại hội 17 kết thúc. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 17 đang đứng trước những khó khăn lớn, chủ yếu trong lĩnh vực ngoại giao và xã hội. Thứ nhất, gần 30 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện đường lối cải cách mở, kinh tế phát triển nhanh chóng và tỷ lệ tăng trưởng luôn duy trì ở mức 2 con số. Tuy nhiên, chính sự phát triển quá nhanh này đã làm các cường quốc phương Tây như Mỹ và các nước châu u lo ngại, áp đặt hàng loạt công cụ bảo vệ mậu dịch, nhằm ngăn chặn cái gọi là "xâm lược kinh tế" của Trung Quốc. Thứ hai, ảnh hưởng ngoại giao ngày càng sâu rộng của Trung Quốc ở những vùng khác nhau trên thế giới đã khiến nước này đối mặt với nhiều khó khăn và sức ép từ cộng đồng quốc tế. Thứ ba, xử lý những vấn đề nội bộ cũng không phải là chuyện dễ dàng. Người dân Trung Quốc và quốc tế đang chờ đợi giới lãnh đạo nước này xử lý các vụ tham nhũng có liên quan đến những nhân vật quan trọng như cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ và 5 ủy viên trung ương... Thứ tư, khoảng cách giàu nghèo và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng kinh tế trong nước đang đe dọa đến sự phát triển hài hòa của Trung Quốc. Thứ năm, ý thức bảo vệ môi trường chưa được tốt, khiến Trung Quốc đang phải trả giá cho hành động không quan tâm đến môi trường.

Những khó khăn lớn trên buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đưa ra những đường lối, chính sách cụ thể để vừa giữ vững tốc độ phát triển kinh tế, vừa xây dựng một xã hội hài hòa, giảm khoảng cách giàu - nghèo và giảm được tốc độ tàn phá môi trường như hiện nay.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.