"Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô..."

01/11/2008 19:46 GMT+7

Ngày 1.11, tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10 để kiểm điểm việc thực hiện kinh tế - xã hội 10 tháng và các giải pháp phát triển những tháng cuối năm 2008, kế hoạch năm 2009. Trong đó, mục tiêu là tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời chủ động phòng ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trường hợp lý, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, trong tháng 10 tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã lan rộng đến các nền kinh tế lớn và đang có xu hướng lan rộng sang các nước đang phát triển. Đối với nước ta, những tác động của kinh tế thế giới chưa bị ảnh hưởng nhiều, do đó các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tháng 10 có những chuyển biến tích cực như: Lạm phát bước đầu đã được kiềm chế, giá tháng 10 giảm 0,19% so với tháng 9; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng; hoạt động dịch vụ diễn ra sôi động; thu ngân sách đạt khá, một số lĩnh vực xã hội có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 ước đạt 55,6 nghìn tỉ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; cả nước đã thu hoạch được 2.228,7 nghìn ha lúa hè thu, tăng 16,7%; khách du lịch quốc tế tăng 3,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 5.100 triệu USD giảm 3,3% và nhập khẩu đạt 5.800 triệu USD tăng 5,2%; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng 38,3%...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong tháng 10, các thành viên Chính phủ nhận định, trong những tháng tới nền kinh tế nước ta tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các tác động xấu từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước hết, trong những tháng cuối năm, nền kinh tế nước ta phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và sức mua giảm dẫn đến xuất khẩu giảm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài có thể chậm hơn tiến độ đã đề ra, thị trường chứng khoán tăng, giảm không ổn định, nguy cơ bão lụt ở các tỉnh miền Trung vẫn còn tiềm ẩn, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát...

Các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích và thảo luận về 3 nhóm giải pháp lớn, đó là thực hiện tốt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tạo mọi điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu phát triển, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.

Căn cứ vào tình hình hiện nay và triển vọng 2 tháng cuối năm, theo báo cáo thì tốc độ GDP năm nay có thể đạt khoảng 6,7%, kim ngạch xuất khẩu đạt 64 tỉ USD, giảm 1 tỉ USD so với báo cáo trình Quốc hội và kim ngạch nhập khẩu khoảng 83 tỉ USD, giảm 1 tỉ USD và tốc độ giá tiêu dùng tăng khoảng 22%. Mục tiêu năm 2009, GDP có thể đạt 6,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 70 tỉ USD...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những nhận định về tình hình kinh tế - xã hội từ phiên họp tháng 9 đến nay tương đối chính xác, nhất là những tác động từ bên ngoài để có những giải pháp chỉ đạo điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Do vậy, trong lúc khó khăn phức tạp, chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, từ lãi suất đến tỉ giá và cán cân thanh toán, duy trì tăng trưởng... Tuy nhiên, trong tháng 10 xuất khẩu và du lịch giảm do giá dầu, giá nông sản giảm và biến động của kinh tế thế giới.

Nhận đinh về tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng cho rằng, năm 2009 sẽ suy giảm nhiều hơn năm 2008, hiện một số nước đã bước vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2008... sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta, trước hết là xuất khẩu do sức mua giảm, ngoài ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, thị trường chứng khoán... Bên cạnh những khó khăn, Thủ tướng chỉ ra thuận lợi về đầu vào các mặt hàng như xăng dầu, xi-măng... giảm thì sức cạnh tranh tốt hơn, thị trường nội địa với trên 80 triệu dân nhiều tiềm năng, đồng thời có thể mở rộng thị trường mới, chẳng hạn cá ba sa xuất khẩu có thể đạt 1,2 tỉ USD trong năm nay - Thủ tướng dẫn chứng.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới để làm tốt công tác dự báo với mục tiêu chỉ đạo: Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6 - 6,5% trong năm nay và năm 2009, nếu thuận lợi phấn đấu trên 6,5%...

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ vừa kiềm chế lạm phát vừa duy trì tăng trưởng, trước mắt giảm lãi suất nhằm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu; Bộ Tài chính cần tính toán cụ thể về các chính sách thuế và chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động; triển khai nhanh các dự án có hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và tính toán lộ trình tăng giá điện trong năm 2009...

Các Bộ, ngành, địa phương phải sâu sát thực tế ở cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quan tâm hơn nữa công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhất là thực hiện chính sách cho 61 huyện nghèo - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá cao các cơ quan báo chí trong thời gian qua, Thủ tướng nhắc nhở báo chí tiếp tục đưa những thông tin đúng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, tránh những thông tin thất thiệt gây hại đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.