Miền Trung lại đối mặt với bão!

31/10/2006 00:31 GMT+7

Bão Xangsane đi qua, hàng ngàn gia đình ở Đà Nẵng chưa kịp khôi phục nhà cửa, nay lại thêm âu lo khi cơn bão Cimaron đang đến rất gần. >>Bão số 7 có thể mạnh tương đương bão số 6

Sáng qua 30/10, UBND TP Đà Nẵng đã có cuộc họp khẩn với các sở ban ngành liên quan về việc triển khai công tác phòng chống, đối phó với cơn bão số 7 (Cimaron). Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 6 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề, TP đã huy động các lực lượng công an, thanh niên, biên phòng... đến giúp dân chèn chống nhà cửa. Các quận, huyện cũng đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, các điểm nhà kiên cố để cho việc di dời, sơ tán nhân dân ở những khu nhà tạm, vùng ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở. Đốëi với các trường hợp cần thiết sẽ áp dụng cưỡng chế. Riêng tại huyện Hòa Vang, TP đã quyết định tạm chi 100 triệu đồng cho các công tác hậu cần chống bão. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP  đã cấp 15 máy phát điện cho một số cơ sở y tế, đài phát thanh...

Lấy cát từ từ biển để cho vào bao - Ảnh: V.P.T

Bắt đầu từ trưa qua, CSGT đường thủy và UBND các quận, huyện đã tiến hành di dời các tàu thuyền về trú bão tại âu thuyền Thọ Quang, nghiêm cấm việc neo đậu dọc sông Hàn. Bộ chỉ huy quân sự TP đã có phương án trình quân khu V điều 3 xe bọc thép để phục vụ cho công tác chống bão.

Tại hai hồ Hòa Trung và Đồng Nghệ đã được triển khai vật liệu, đảm bảo an toàn kiên cố hóa hồ đập khẩn cấp. Các phương tiện đường thủy chống lụt cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng vì nguy cơ sẽ có lụt lớn sau bão.

Nan giải chuyện di dân

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, đường đi, sức gió của bão số 7 rất khó dự đoán. Tuy nhiên, do kết hợp với gió mùa đông bắc, nên khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng mưa to đến rất to trên diện rộng. Lượng mưa trung bình từ 400 - 600 mm (cao hơn gấp đôi lượng mưa do bão Xangsane gây ra). Chính vì vậy, ngoài tránh bão, ở khu vực này còn phải tránh cả lụt. Do đó, số lượng người di dời tăng một cách chóng mặt. Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu cho biết, nếu di dời, thì đến trên 90% người dân ở quận đã phải đi.

Tại các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà hay huyện Hòa Vang, lãnh đạo chính quyền cũng rất lo lắng với chuyện di dân. Hiện tại, các công sở, trường học vừa mới lợp lại mái, nên khả năng đảm bảo an toàn cho dân di dời là rất thấp. Do đó, các quận, huyện này chưa biết di dân vào tập trung ở đâu. Ông Lê Công Hồ, Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà đề nghị TP mở tất cả các chung cư để cho dân vào tránh bão, hạn chế thấp nhất đưa dân vào trường học. Một vấn đề khác cũng hết sức cần thiết là lương thực và nước uống khi người dân tập trung trú bão. UBND TP Đà Nẵng cho biết, sẽ yêu cầu dân ở những ngôi nhà không an toàn tránh bão phải di dời ngay để đảm bảo tính mạng. Các quận, huyện cũng phải kêu gọi dân ở những vùng trũng thấp, dọc bờ sông di dời lên cao để tránh lũ lớn xảy ra...

Bao cát, thực phẩm tăng giá

Ngày 30.10, Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, vẫn còn gần 100 tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng hoạt động trên biển với khoảng 531 lao động. Tuy nhiên, những tàu này đã nhận được tin báo bão và đang trên đường vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn. Trong khi đó, lãnh đạo hai ngành điện lực, viễn thông Đà Nẵng cho biết, các công trình điện, bưu điện mới khôi phục, không được kiên cố, chỉ đủ sức chống chọi với gió cấp  7 - 8. Nếu gió lớn, mưa to, lũ về thì tình hình sẽ xấu hơn. Ngành điện cho biết, sẽ cắt điện một số khu vực trước bão để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân. (H.T)

Sau bão Xangsane, mặt hàng "đắt giá" nhất là tôn, thì nay, bao cát lại nghiễm nhiên tăng giá một cách đột ngột. Từ giá chỉ 300-500đ/cái, đến chiều qua đã lên "đủ giá", có nơi 1.500 đồng, có nơi 2.000 đồng, có nơi đến 3.000đ/cái. Mỗi gia đình dù nhỏ hay lớn cũng phải mua ít nhất từ 20 đến 30 cái để chèn chống nhà cửa, vì vậy, lợi nhuận từ mặt hàng này là rất lớn.

Có mặt tại khu vực ngã tư đường Ông Ích Khiêm - Hùng Vương, nơi chuyên cung cấp sỉ lẻ các mặt hàng bao cát, mới thấy cảnh mua bán sầm uất chưa từng thấy. "Nhà cung cấp" thậm chí tràn xuống đường để bán. Anh Nguyễn Văn Hùng, một khách hàng đang cố gắng trả giá bao cát, nói: "Nghe mấy người trong xóm nói giá cao nhất chỉ 700-1.000đ/cái, chừ họ hét 2.500đ/cái nên phải ngã giá. Bão đến đã khổ rồi, rứa mà cái chi cũng đắt đỏ. Mà đắt cũng phải "cắn răng" mà mua, chớ không chèn chống, bão số 7 ni lại thổi hết mái thì... chết!". Nghe anh Hùng bức xúc, cô chủ hàng đang bán quay lại cười: "Anh không mua chừ thì chiều không còn hàng để mua mô! Chừ chớ chiều giá 5.000đ/cái cũng không có để bán!".

Các mặt hàng "cùng nhóm" như đinh, dây nhựa... tuy không khan hiếm, nhưng giá cũng tăng vọt không kém, và rất khó mua. Bên cạnh đó, các loại đèn pin, máy nổ... cũng bán chạy không kém.

Ngoài ra, tại các chợ ở Đà Nẵng, giá cả các loại thực phẩm cũng bắt đầu rục rịch tăng, và người dân cũng mua hàng dự trữ. Các mặt hàng cá khô xuất hiện và người mua đông chẳng kém các mặt hàng thịt, cá, rau... Mì tôm cũng là cứu cánh của người dân vùng bão. Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá. Giá cả các loại rau sau bão tăng ngất ngưởng từ 1.000đ/bó lên đến 3.000 -4.000đ/bó, bắt đầu dần quay trở lại giá cả ban đầu, giờ nghe bão lại tăng lên về... vị trí cũ. Các mặt hàng thịt, cá... cũng tăng xê xích từ 3.000 - 4.000đ/kg.

Khổ vì bão Xangsane, lại đến bão Cimaron, bây giờ người dân lại khổ thêm vì... cơn bão giá.

 


Người dân đang chằng chống nhà cửa - Ảnh: D.H

Tại Quảng Ngãi, đến 16 giờ ngày 30.10, hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã liên lạc với gần 700 tàu thuyền đang hoạt động trên biển nằm trong khu vực có nguy cơ bão số 7 đi qua và cảnh báo với các chủ phương tiện tìm mọi cách trú bão. Trước đó, vào sáng cùng ngày, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp với các sở, ngành và lãnh đạo UBND 6 huyện ven biển thống nhất các biện pháp di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải báo cáo đầy đủ danh sách hộ phải di dời, địa điểm và phương tiện di dời trước 16 giờ ngày 31.10. Các ngành công an, quân đội, bộ đội biên phòng phân công các đơn vị trực thuộc trực chiến 24/24 để giúp dân di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi có lệnh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Thái Anh

T.T - H.T - P.T - D.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.