Khả năng trở lại của bản vị vàng

09/11/2010 00:49 GMT+7

Trước nguy cơ chiến tranh tiền tệ đang lớn dần, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick hôm qua thúc giục các nền kinh tế đầu tàu cân nhắc khả năng quay về với chế độ bản vị vàng trên cơ sở có sửa đổi.

Viết trên tờ Financial Times, ông Zoellick cho rằng đã đến lúc thế giới cần có hệ thống tỷ giá mới để thay thế hệ thống tỷ giá thả nổi như hiện nay, vốn được biết đến dưới cái tên Bretton Woods II. Đây là hệ thống được bắt đầu vào năm 1971, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon chấm dứt chế độ tiền tệ Bretton Woods, vốn quy định tỷ giá trao đổi cố định giữa các đồng tiền thông qua bản vị vàng, với USD là đồng tiền duy nhất có thể được đổi trực tiếp ra vàng và ngược lại. Hiệp ước Bretton Woods sụp đổ vì hầu hết các nước châu u đều có ý đồ phá giá đồng tiền so với USD để kích thích kinh tế, nhanh chóng ổn định và cải thiện cán cân thương mại.

Công cụ chống lạm phát

Bản vị vàng luôn là biện pháp hữu hiệu chống lạm phát. Tuy nhiên, điểm yếu của nó là không cho phép duy trì chính sách linh hoạt tiền tệ, vốn được nhiều nhà kinh tế học cho rằng là động thái vô cùng cần thiết để đối phó những cú sốc kinh tế.

Đề nghị trên của Chủ tịch Zoellick là một phần trong cuộc cải cách sẽ được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 11 - 12.11. Ông nói: “Mặc dù vàng đã bị liệt vào loại tiền tệ “cổ”, các thị trường vẫn sử dụng vàng làm đơn vị tiền tệ thay thế trong trường hợp biến động”.

Chủ tịch WB kêu gọi đã đến lúc phải áp dụng một hệ thống có liên hệ chặt chẽ với USD, euro, yen, bảng Anh và nhân dân tệ. Ngoài ra, nên xem xét khả năng sử dụng vàng như một công cụ tham khảo trên toàn cầu trước sự kỳ vọng của thị trường về lạm phát, giảm phát và giá trị tiền tệ tương lai.

Theo Financial Times, quan điểm của ông Zoellick phần nào phản ánh những lo ngại thường trực về hệ thống tỷ giá quốc tế hiện nay. Sau thời gian dài gây sức ép buộc Trung Quốc chấm dứt kiềm giá nhân dân tệ nhưng không thành công, giờ đây Mỹ đang áp dụng chiêu “gậy ông đập lưng ông”, bằng cách liên tục phá giá USD.

Hồi tuần trước, Bắc Kinh chỉ trích dữ dội việc Washington tạo cú hích cho nền kinh tế bằng cách in 600 tỉ USD tiền mới, với lo ngại giá USD sẽ giảm giá, mang lại lợi thế xuất khẩu cho Mỹ. Trước động thái này, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble nhận định: “Chính sách tài chính của Mỹ đang chìm sâu vào khủng hoảng”.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.