Nhiều sai phạm trong điều hành lớp cử nhân tài năng

02/10/2006 00:50 GMT+7

Báo Thanh Niên có bài Đào tạo tài năng theo kiểu... đại trà (Thanh Niên ra ngày 15.9), phản ánh về những sai phạm trong việc quản lý tài chính và đào tạo ở lớp cử nhân tài năng (CNTN) thuộc khoa Ngữ văn Anh (Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn, ĐHQG TP.HCM).

Đại diện ban chỉ đạo đề án đào tạo kỹ sư, CNTN của ĐHQG TP.HCM là PGS-TS Nguyễn Chu Hùng (Trưởng ban đào tạo ĐHQG TP.HCM, ủy viên thường trực ban chỉ đạo đề án - ảnh) đã đến làm việc với Trường ĐH KH XH-NV và Ban chủ nhiệm khoa Anh. Thanh Niên đã có buổi trao đổi với PGS-TS Nguyễn Chu Hùng xoay quanh những nội dung dư luận đang quan tâm:

* Thưa ông, so với các quy định của đề án CNTN của ĐHQG TP.HCM đề ra, khoa Ngữ văn Anh (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) đã sai phạm ở những điểm nào về chuyên môn?

- ĐHQG TP.HCM quy định giáo viên dạy các lớp CNTN phải có kinh nghiệm và quá trình giảng dạy tốt, bằng cấp từ thạc sĩ trở lên. Việc trưởng khoa quyết định cho các cử nhân được dạy các lớp CNTN là không đúng. Việc phát huy dân chủ cơ sở ở khoa Ngữ văn Anh chưa đúng mực, trưởng khoa tự quyết định nhiều vấn đề chuyên môn như đề cương môn học, phân công giáo viên giảng dạy lớp CNTN... mà không tham khảo ý kiến của Hội đồng khoa học của khoa (không tổ chức họp Hội đồng khoa học trong nhiều năm) là sai trái.

* Còn vấn đề tài chính?

- Ngoài Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM còn có 2 trường khác có tổ chức lớp CNTN là ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học tự nhiên. Ở hai trường vừa nêu, việc quản lý tài chính lớp CNTN theo 2 cấp: ĐHQG rót kinh phí đến trường, tất cả việc thanh toán kinh phí ở lớp CNTN đều do cấp trường làm, cấp khoa tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Riêng Trường ĐH KHXH-NV thì quản lý theo 3 cấp, việc quản lý tài chính lớp CNTN được giao đến cấp khoa. Do cách làm không minh bạch, không tuân thủ các quy định tài chính nên khoa Ngữ văn Anh đã bị giáo viên phản ứng mạnh mẽ. Về mặt pháp lý, bắt ký khống là không chấp nhận; thậm chí khoa còn yêu cầu thầy cô giáo có tên trong danh sách ký khống không được thì lại đi nhờ người khác để ký thay vào! Trong lúc có nhiều thắc mắc của giáo viên về việc chi trả thù lao không hợp lý, việc người của khoa giữ riêng số tiền 400 triệu đồng (mà không đưa vào két sắt của khoa, của trường), sau đó một thời gian lâu mới nhập vào quỹ cũng là một việc không được làm. Trưởng khoa quyết định những việc như thế này nên cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sai trái đó.

* Trước những sai phạm như thế, ĐHQG có những biện pháp như thế nào?

- Chúng tôi đã có ý kiến về những sai phạm nêu trên và Ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn Anh hứa sẽ sửa đổi. Tôi nghĩ trưởng khoa phải cầu thị để tiến hành sớm việc này, công khai nhận khuyết điểm về những sai lầm vừa qua trước các thầy cô giáo trong khoa. Đây không chỉ là ý kiến của Ban chỉ đạo đề án CNTN của ĐHQG mà còn là ý kiến của Ban chỉ đạo CNTN của Trường ĐH KHXH-NV. Vì vậy, khoa cần đề ra ngay các biện pháp thiết thực để giải quyết những tồn đọng, đưa các hoạt động đào tạo CNTN của khoa đi vào nền nếp và ổn định. Các hoạt động chuyên môn của khoa về chương trình, phương pháp giảng dạy, phân công giáo viên... cũng đều phải thông qua ý kiến của Hội đồng khoa học. Về mặt lâu dài, Trường ĐH KHXH-NV cần thay đổi mô hình quản lý tài chính theo 2 cấp (ĐHQG, trường) để cho cấp khoa tập trung lo việc chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu của chương trình CNTN đề ra.  

Nhựt Quang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.