Thu 3 két sắt và 1 lọ "biệt dược" của Lê Quốc Hồ

25/10/2005 23:22 GMT+7

Chiều 22.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội đã tiến hành khám xét khẩn cấp 2 phòng 1010, 1012 mà Lê Quốc Hồ thuê của Trung tâm Tập đoàn y dược Bảo Long (TĐYDBL) ở Sơn Tây để cất giữ tài sản.

Đại diện của TĐYDBL cho biết, sau khi thuê tầng 10 của Bảo Long, ông Lê Quốc Hồ đã thay toàn bộ khóa cửa và làm thêm cửa hành lang rất chắc chắn, rồi chuyển rất nhiều đồ đạc, tư trang và gần một chục chiếc két sắt lên đó.

Khi CQĐT tiến hành khám xét 2 phòng 1010 và 1012, thấy nhiều tượng, tranh tứ bình bày la liệt cùng nhiều thùng, hòm, cặp samsonai được khóa kín (nhưng khi mở ra thì bên trong toàn chứa các đồ sinh hoạt lặt vặt). Đáng kể nhất là 7 chiếc két sắt gần như mới nguyên, trong đó có 4 chiếc két mà ổ còn cắm khóa và túi mã số (nhưng bên trong trống rỗng). Riêng 1 chiếc két bạc to (kích thước 120x50x50) hiệu Welco (có bánh xe) và 2 chiếc két nhỏ (kích thước 60x40x35) khóa kín, do không có mã khóa để mở nên các điều tra viên đã niêm phong để mang về CQĐT làm rõ. Qua khám xét, CQĐT phát hiện một bản photo thông báo số 182 ngày 17.9.2002 của Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh thông báo về việc Lê Quốc Hồ (Thích Giác Nguyên) giả danh người tu hành hoạt động trái phép ở chùa thôn Yên Hậu; 50 chiếc card (màu vàng và đỏ) ghi tên "Hòa thượng Thiên đức Thích Giác Nguyên" và "Giáo sư - bác sĩ Lê Quốc Hồ".

Điều đáng chú ý, khi kiểm tra một tủ inox chuyên dụng kiểu y tế, phát hiện bên trong có một hộp inox đựng một lọ tân dược và 3 chiếc xi-lanh (bên trong có chứa thuốc dạng nước). Ông Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc TĐYDBL (người chứng kiến cuộc khám xét) cho biết, ống tân dược dạng nước trong (dài khoảng 10 cm, đường kính to hơn điếu thuốc lá một chút, một đầu có nút cao su gắn nhôm), không có nhãn mác, chính là thứ biệt dược mà Lê Quốc Hồ đã dùng làm "át chủ bài" để chữa trị cho nhiều người bệnh trong thời gian qua. Ông Khai cũng cho rằng, lọ "biệt dược" mà CQĐT thu được chính là loại thuốc mà Lê Quốc Hồ đã dùng để cứu chữa cho bố đẻ của ông qua khỏi cơn "thập tử nhất sinh" và chữa bệnh gout cho ông.

Truy tìm “biệt dược” Solumylavinpanpao

Không thầy thuốc cũng chẳng lương y, nhưng Lê Quốc Hồ lại tuyên bố chữa bách bệnh bằng biệt dược Solumylavinpanpao với giá gần chục nghìn USD/lọ do một người anh bên Pháp gửi về. Tôi tò mò gõ Solumylavinpanpao tại mục tìm kiếm trên mạng với nhiều chi tiết, chẳng thấy có kết quả nào. Điện hỏi một số bác sĩ, dược sĩ ở TP.HCM và Đà Nẵng, cũng nhận được câu trả lời tương tự. Thậm chí có người còn suy luận, đó là chữ viết tắt của số lượng mỳ (solumy) và pán páo (panpao), âm nghe như thuốc của Tàu chứ không phải của Tây! Cuối cùng, một bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng sau khi tìm mãi không thấy tên thuốc lạ này trong tự điển Vidal 2004 (ấn bản tiếng Việt) đã khuyên tôi vào website Vidal.fr (bản tiếng Pháp) là nơi tất cả các bác sĩ, dược sĩ trên thế giới khi cần tra cứu cập nhật bất cứ loại thuốc gì của Pháp cũng phải tìm vào. Nhưng kết quả vẫn hoàn không. Nếu cơ quan điều tra thu giữ được "biệt dược này", xét nghiệm, mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ!

Ð.N.K

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.