Cuộc giải cứu lịch sử - Bài 1: Kế hoạch B

13/10/2010 22:03 GMT+7

Trong những ngày sau khi phát hiện 33 công nhân kẹt dưới mỏ San Jose, bắc Chile, giới chức nước này cảnh báo có thể phải mất đến 4 tháng mới cứu được họ - một khoảng thời gian quá kinh hoàng cho cả nạn nhân lẫn những người trên mặt đất. Tuy nhiên sau cùng, lực lượng cứu hộ chỉ mất khoảng 6 tuần để thực hiện một kỳ công không tiền khoáng hậu: khoan một đường hầm chính xác, rộng vừa đủ tiếp nhận một người, xuống độ sâu 700 mét.

Công tác đào đường hầm giải cứu diễn ra theo kiểu “3 mũi giáp công” với 3 giàn khoan hoạt động cùng lúc được gọi là Kế hoạch A, B và C. Cuối cùng, Kế hoạch B đã đến với các thợ mỏ trước nhất.

Brandon Fisher, Chủ tịch hãng Center Rock đóng tại thành phố Berlin, thuộc bang Pennsylvania - đơn vị cung cấp mũi khoan, nói với báo The New York Times: “Thật tình mà nói, tôi nghĩ rằng ban đầu mọi người không đặt nhiều niềm tin nơi chúng tôi, nhưng chúng tôi đã chứng minh được năng lực của mũi khoan”.

Ông Fisher và các cộng sự đã vận động Chính phủ Chile để họ sử dụng công nghệ của Center Rock, gọi là búa khoan xuống, với mũi khoan vận hành bằng khí nén có thể nghiền đá khi mũi khoan xoay vòng. Hai kế hoạch còn lại sử dụng các mũi khoan thông thường. Maurice B.Dusseault, giáo sư kỹ thuật địa chất thuộc Đại học Waterloo, Canada, cho biết đặc điểm địa chất của khu vực mỏ San Jose, với đá núi lửa cứng pha lẫn với khoáng chất cứng rất thích hợp với Kế hoạch B. “Với đá cứng và giòn, kiểu khoan xoay và đập (percussion drilling) là cách tốt nhất”, ông nói. Nỗ lực giải cứu cũng được hỗ trợ bởi điều kiện khô dưới lòng đất ở khu vực Atacama của Chile, vốn là một trong những sa mạc khô nóng nhất trên thế giới. Theo giáo sư Dusseault, kiểu khoan xoay và đập không thể thực hiện được khi có nước hoặc bùn trong lỗ khoan.

Nhóm kỹ sư của Kế hoạch B phải tận dụng một trong những lỗ khoan được tạo ra trước đó nhằm định vị các thợ mỏ bị mắc kẹt sau vụ sập hầm, mở rộng nó đến 31 cm rồi 71 cm, đủ để đưa lồng giải cứu xuống. Ông Fisher, người trực tiếp đưa các mũi khoan và ở lại hiện trường trong suốt chiến dịch, nói việc sử dụng lỗ có sẵn “thực sự là lựa chọn duy nhất của chúng tôi”. “Có quá nhiều mỏ cũ trong khu vực nên chúng tôi không thể mạo hiểm khoan lỗ mới”, ông cho biết. Ngay cả khi sử dụng lỗ có sẵn, máy khoan của Center Rock đã đụng phải một bu-lông mái bằng thép khiến thiết bị này bị hỏng nặng và chiến dịch khoan phải hoãn lại vài ngày. May mắn là mọi chuyện đã suôn sẻ, đến phút cuối cùng, và một trong những chiến dịch giải cứu kỳ vĩ nhất trong lịch sử khai mỏ thế giới sắp được hoàn thành.

2 tháng thắp lửa hy vọng

Gần đến ngày các thợ mỏ được cứu, đêm bỗng ngắn đi và ngày dài ra trong trại Esperanza (Hy vọng). Ai cũng trằn trọc, không thể chợp mắt. Cả khu trại chỉ chìm vào giấc ngủ khi trời đã hừng sáng. Để rồi vài tiếng sau đó, mọi người lục tục thức giấc, tiếp tục nghe ngóng tin tức. Đến 5 giờ sáng 12.10, Carolina Narvaez, vợ thợ mỏ Raul Bustos không tài nào ngủ được nhưng chị vẫn cố gắng vào lều chợp mắt một lúc để “thật tươi tắn, vui vẻ khi đón anh ấy”.


Vợ và con gái mới sinh của thợ mỏ Ariel Ticona ngày ngày chờ đợi và hy vọng tại trại Esperanza (Hy vọng). Cô bé con cũng được đặt tên là Esperanza - Ảnh: AFP

Một ngày sau khi sự cố xảy ra tại khu mỏ San José, ngay bên cạnh hiện trường, thân nhân của 33 thợ mỏ bị kẹt dưới độ sâu 700m đã dựng nên trại Esperanza để cùng chờ đợi, cùng hy vọng... Kể từ ngày 6.8, lúc nào cũng có khoảng 200 thân nhân các thợ mỏ cắm trại ở Esperanza nhưng trong vài ngày gần đây, theo thống kê của cảnh sát, con số này đã lên đến 800 người.

Suốt 2 tháng qua, cả khu trại luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan để tiếp “lửa” cho các thợ mỏ qua các cuộc điện thoại và những bức thư. Nụ cười vẫn giữ trên môi dù trong lòng ai cũng bồn chồn, lo lắng. Theo tường thuật của tờ

Ouest-France tại mỏ San José, một đường ống đường kính 12 cm, dài 1,70m có tên Paloma (bồ câu đưa thư) hằng ngày được đưa xuống nơi trú ẩn của các thợ mỏ nhiều lần để tiếp tế lương thực, nước uống, thư từ. Đây chính là “cầu nối” giữa họ với thân nhân, bác sĩ, các nhân viên cứu hộ.

Lilianette, vợ của thợ mỏ lớn tuổi nhất Mario Gomez kể với Ouest-France rằng bà không thể chịu cảnh xa chồng thêm nữa. Ông Gomez, 63 tuổi, vào nghề từ năm 12 tuổi. Trước khi tai nạn xảy ra, ông dự định sẽ nghỉ hưu vào tháng 11 này. Bà Lilianette cằn nhằn: “Nếu ông ấy còn muốn xuống nữa, tôi sẽ... ly dị”. Nói thế nhưng bà chỉ nhờ Paloma chuyển xuống chồng lời nhắn dịu dàng: “Em đợi anh với tất cả tình yêu trên thế gian này”. Ở trại Esperanza, một nhà nguyện nhỏ được dựng lên với nến, hình ảnh và cờ Chile được bày biện đơn sơ nhưng ấm cúng. Những người mẹ mòn mỏi đợi con, những người vợ thấp thỏm trông tin chồng thường tụ lại đây để thắp lên những ngọn nến hy vọng, như tên của khu trại Esperanza...

Lan Chi

Cuộc sống dưới lòng đất

Các thợ mỏ đã phải đấu tranh từng ngày để sinh tồn trong điều kiện ngặt nghèo ở độ sâu 700m dưới lòng đất, theo BBC.

Khi tai nạn sập hầm xảy ra ngày 5.8, đội thợ mỏ gồm 32 người Chile và 1 người Bolivia chỉ kịp chạy vào căn hầm trú ẩn nhỏ xíu. Thực phẩm chỉ đủ dùng trong 4 ngày, không khí thì ít ỏi nhưng nhờ ý chí sinh tồn mà họ đã duy trì sự sống đến 17 ngày trước khi người ta phát hiện những người thợ mỏ vẫn còn sống. Cứ 2 ngày/lần, mỗi người chỉ ăn 2 muỗng cá ngừ, 1 mẩu bánh quy và uống 1 ngụm sữa. Đến ngày 22.8, một mũi khoan định vị vô tình đến được nơi các nạn nhân đang trú ẩn và họ nhanh chóng buộc vào nó một lá thư viết nguệch ngoạc: “Chúng tôi vẫn ổn”. Ngày hôm đó, cả nước Chile mở hội khi Tổng thống Sebastian Pinera công bố bức thư - dấu hiệu của hy vọng và ý chí con người khi không ai nghĩ nhóm thợ mỏ có thể sống sót.  


Hình ảnh các thợ mỏ dưới lòng đất - Ảnh: EPA


Sau đó, các nhân viên cứu hộ khoan một lỗ đường kính 12 cm đến nóc hầm trú ẩn dùng để cấp thực phẩm, nước, thuốc men, bình dưỡng khí và phương tiện giải trí như sách, cờ, máy nghe nhạc... cho các thợ mỏ trong thời gian chờ đợi giải cứu. Theo BBC, hầm trú ẩn khá nhỏ với điều kiện vô cùng khắc nghiệt. 33 con người chen chúc trong diện tích khoảng 50m2, tối tăm, ẩm thấp và nhiệt độ vào khoảng 320C - 340C. Để có thể duy trì sức khỏe và giữ tỉnh táo, các thợ mỏ được khuyên ca hát, giải trí và tập thể dục để giữ vòng bụng không tăng quá 90 cm nhằm ngồi lọt khoang cứu hộ.

Dưới sự chỉ huy của trưởng nhóm Luiz Urzua, các thợ mỏ tổ chức cuộc sống khá tốt. Họ chia làm 3 nhóm để làm việc 8 giờ mỗi ngày, phụ trách lau chùi chỗ ở, dọn dẹp đất đá, đo lượng oxy, gia cố bờ tường... Đặc biệt ngày 2.9, lần đầu tiên họ được cung cấp thức ăn nóng: thịt viên, gà và cơm. Để giữ tinh thần, các thợ mỏ được xem tivi, liên lạc điện thoại với người thân và cách vài ngày lại được ghi hình để chứng minh tình trạng của họ vẫn tương đối ổn. Một nhóm chuyên viên của NASA đã được mời đến để chia sẻ kinh nghiệm duy trì sự sống của những người bị cô lập trong một thời gian dài. Những bước chuẩn bị này đã không thừa khi chúng cùng ý chí kiên cường của các thợ mỏ đã giúp họ duy trì đến tận hôm qua, ngày họ bắt đầu được đưa lên mặt đất.

Đây cũng là trường hợp sống sót lâu nhất từ trước đến nay trong các vụ sập hầm mỏ.

Lê Loan

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.