Xảo thuật kê toa, bán thuốc - Bài 1: Tính tiền hàng hiệu, đưa thuốc rẻ tiền

02/11/2008 22:56 GMT+7

Kê trên toa và tính tiền những thuốc rất đắt, nhưng lại đưa cho người bệnh thuốc rẻ tiền. Lâu nay dư luận đã xì xào về thủ thuật này của một số bác sĩ, nhưng khó "bắt tận tay, day tận mặt".

Một trường hợp  điển hình

Báo Thanh Niên vừa nhận được phản ánh của anh N.M.T. (nhà ở Q.3, TP.HCM) về việc một bác sĩ khám, kê toa, bán thuốc không đúng với các loại thuốc ghi trên toa. Theo đó, cụ V.T.M. (78 tuổi), mẹ anh T., có triệu chứng đau ở cột sống. Anh T. đưa mẹ đến khám tại phòng mạch bác sĩ Hoàng Lan (số 270C Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Lần khám đầu, bác sĩ Hoàng Lan chỉ đưa thuốc (được gói sẵn), dặn ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 gói, chứ không hề ghi và đưa toa thuốc cho bệnh nhân. Anh T. phải trả 150 ngàn đồng cho tiền khám và 2 ngày thuốc.

Sau 2 ngày, anh T. đưa mẹ trở lại phòng mạch bác sĩ Hoàng Lan tái khám, và được bác sĩ cho thuốc y như lần trước, tiền công khám và thuốc cũng 150 ngàn đồng. Vì mẹ bị bệnh tim, nên anh T. đề nghị bác sĩ ghi cho toa thuốc để tránh việc bác sĩ tim mạch cho trùng thuốc. Dù tỏ vẻ khó chịu, bác sĩ Hoàng Lan cũng ghi và đưa toa cho anh T. Sau lần tái khám, cụ M. về uống đến liều thuốc thứ hai thì bị dị ứng thuốc, sưng húp vùng mặt. Anh T. cầm toa và thuốc ra một hiệu thuốc hỏi, thì được nhân viên nhà thuốc cho biết tất cả những thuốc mẹ anh uống không phải là thuốc ghi trong toa, và có giá rẻ hơn thuốc ghi trong toa rất nhiều! Sợ quá, anh T. ngưng cho mẹ uống thuốc, và đem thuốc đến vài nhà thuốc nữa để hỏi thì cũng được trả lời như trên.

Ngoài ra còn có kiểu kê toa "khủng bố": kê thuốc uống cả tháng với mục đích bán được nhiều thuốc. "Toa thuốc hơn triệu bạc, trong khi thuốc thường có tác dụng phụ. Khi mua xong, uống 1-2 ngày nếu bị tác dụng phụ, người bệnh khó mà đổi lại thuốc khi hóa đơn của bệnh viện đã đưa ra" - một chủ hiệu thuốc nói.
Quá bức xúc chuyện bác sĩ không trung thực, anh T. đến Báo Thanh Niên phản ánh, rồi cùng PV Thanh Niên quay lại phòng mạch bác sĩ Hoàng Lan. Khi anh T. truy vấn: "Tại sao bác sĩ ghi trên toa một đằng nhưng lại đưa thuốc một nẻo, để bệnh nhân bị dị ứng thuốc?", bác sĩ Hoàng Lan lúng túng không trả lời được. Sau đó, khi bị truy vấn tiếp, vị bác sĩ này chỉ biết xin lỗi.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, những loại thuốc bác sĩ Hoàng Lan đưa cho mẹ anh T. uống chỉ vài trăm đồng/viên, trong khi nếu đúng các loại thuốc ghi trong toa thì giá từ vài ngàn đến cả chục ngàn đồng/viên. Cụ thể: trong toa ghi mobic (giá khoảng 8.200 đồng/viên), nhưng thuốc đưa cho bệnh nhân là decotyl, giá 100 đồng/viên; toa ghi myonal (giá 3.000 đồng/viên), thuốc đưa nimesulide 500 đồng viên); toa ghi diantavic (giá 1.100 đồng/viên), thay bằng hai loại para trong nước, một loại 200 đồng/viên, và một loại 250 đồng/viên... Tổng cộng, giá 1 liều thuốc bác sĩ Hoàng Lan đưa cho cụ V.T.M. chỉ 1.500 đồng, 4 liều uống trong hai ngày chỉ 6.000 đồng. Nếu trừ tiền công khám 30-50 ngàn đồng, tiền thuốc còn lại là 100-120 ngàn đồng, cao gấp 18-20 lần thực tế!

Những "chiêu" móc túi bệnh nhân

 

Thuốc bóc nhãn mác, bẻ vụn tại phòng mạch bác sĩ V.Đ.T

Điều đáng nói, bác sĩ Hoàng Lan không phải là trường hợp cá biệt trong việc ghi toa những tên thuốc đắt tiền nhưng đưa cho người bệnh thuốc rẻ tiền. Dư luận lâu nay vẫn xì xào về hiện tượng này, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng. Ngay trường hợp mẹ anh T., nếu không bị dị ứng thuốc, có lẽ cũng không ai mang thuốc đi hỏi. Vì thế, nhiều bác sĩ cứ ung dung móc túi bệnh nhân. 

Một xảo thuật thường dùng của nhiều bác sĩ thiếu y đức là ghi tên thuốc nhập nhèm, hoặc lẫn lộn giữa thuốc nội và thuốc ngoại (giá chênh nhau rất cao) rồi đưa cho bệnh nhân thuốc nội... Như trường hợp bác sĩ V.Đ.T. (bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), trong toa kê cho bệnh nhi T.Q. (chưa đầy 1 tuổi) tại phòng mạch riêng, đã ghi nguệch ngoạc các tên thuốc klamentin (thuốc nhập khẩu giá 13.000 đồng/viên, thuốc do một đơn vị trong nước sản xuất chỉ 4.000 đồng/viên), sabutamol thì viết giống như ventoline (sabutamol 200 đồng/viên, còn ventoline của Pháp khoảng 3.000 đồng/viên)... Đáng lưu ý, bác sĩ V.Đ.T. còn có "chiêu" bóc hết nhãn mác, bẻ vụn thuốc cho vào từng bịch... rồi bán cho bệnh nhân đến khám. Hành vi này mới đây từng bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt, nhắc nhở. Khi đến phòng mạch của vị bác sĩ này, nhìn một lô một lốc thuốc xanh, đỏ, tím, vàng được bẻ vụn, không biết nhãn hiệu, đoàn kiểm tra chỉ biết... lắc đầu. 

Tương tự, bác sĩ Đ.Q.V. (phòng mạch ở Q.Tân Phú, TP.HCM) trong toa kê cho bệnh nhân V.H có một loại thuốc chỉ ghi AST 8 mg. Thực tế loại thuốc này không có trên thị trường, nên được thay bằng thuốc serc 8 mg (chữa rối loạn tiền đình), chỉ có 1.500 đồng/viên; một loại khác là thuốc tahor 20 mg (thuốc tan mỡ máu) giá khoảng 20.000 đồng/viên, nhưng đây là biệt dược phi mậu dịch (hàng xách tay) không được bán trên thị trường, và vì thế nó được thay thế bằng những loại thuốc cùng công dụng chỉ vài ngàn đồng/viên... Với những "chiêu" này, nếu người bệnh cầm toa bác sĩ ghi ra ngoài tiệm thuốc mua, hoặc là sẽ thấy giá thuốc ở phòng mạch rẻ hơn, hoặc không thể mua được. Và cách nào thì cũng quay về phòng mạch của bác sĩ để... nộp tiền!


Thuốc đắt tiền ghi trong toa, và những viên thuốc rẻ tiền bác sĩ Hoàng Lan đưa cho bệnh nhân - ảnh: Thanh Tùng

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.