3 cô gái và "Hồn Đất"

10/10/2007 21:17 GMT+7

Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp, 3 cô gái đang học khoa Kinh tế - ĐH Quốc gia TP.HCM đang từng bước hoàn tất thủ tục mở doanh nghiệp, biến dự án thành hiện thực...

Dự án kinh tế mà Lâm Thị Bảo Trân, Hoàng Thị Mai Khánh, Phạm Thị Thu Hiền đem đến cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp là phát triển ngành gốm Vĩnh Long với tên gọi khá lãng mạn là Công ty cổ phần Hồn Đất. 

Trước đó, trong những ngày đi thực tế, Bảo Trân đã phát hiện ra làng nghề gốm Vĩnh Long còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, những lò gốm vẫn còn làm ăn nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên dẫn đến tình trạng bị ép giá, phải bán sản phẩm qua các công ty trung gian... Tất cả các lý do trên làm cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ này gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm chất lượng để đảm bảo lợi nhuận. "Làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp gốm Vĩnh Long ra nước ngoài là câu hỏi mà chúng tôi trăn trở trong suốt thời gian đi thực tế", Bảo Trân tâm sự. 

Hôm đi thi, cả nhóm mặc váy đen, tất đen và áo đỏ với ý nghĩa: màu đen tượng trưng cho đất và màu đỏ tượng trưng cho những sản phẩm hoàn chỉnh. Với sự phối hợp khá nhịp nhàng, 3 cô đã chinh phục ban giám khảo trong đêm chung kết. Trước câu hỏi: "Tại sao Hồn Đất chỉ nhắm đến thị trường nước ngoài còn thị trường tiềm năng trong nước lại bỏ ngỏ?", Bảo Trân phân tích rằng người dân các nước Úc, Nhật, Đức, Mỹ có thu nhập cao và họ có nhu cầu cao về đời sống tinh thần...  Sản phẩm gốm Vĩnh Long với mẫu mã, kiểu dáng độc đáo sẽ đáp ứng yêu cầu đó. Tùy theo từng thời kỳ mà công ty có chiến lược kinh doanh ở mỗi nước. "Chúng tôi sẽ dùng toàn tâm, toàn lực để đẩy mạnh thị trường ngoài nước và khi ổn định đầu ra thì sẽ bắt đầu với thị trường trong nước"- Bảo Trân tự tin nói. Bổ sung cho ý kiến của Bảo Trân, đại diện Công ty Dreamhouse mong muốn sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược thực hiện kế hoạch phát triển thị trường trong nước cùng với 3 cô gái.

Sau đêm đăng quang, 3 cô gái đã nhanh chóng tiến hành các bước lập công ty cổ phần để biến dự án thành hiện thực. Theo Bảo Trân, ban đầu thành viên chủ chốt của công ty là 5 người, sẽ góp từ 150 - 250 triệu đồng, các cơ sở sản xuất gốm ở Vĩnh Long sẽ đóng góp tạo ra nguồn vốn ban đầu là 1,6 tỉ đồng. Theo tính toán của nhóm thì trong vòng 3 năm công ty sẽ lấy lại vốn và có lãi.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.