Từ bài báo Chuyện buồn của một ông tiến sĩ

07/11/2005 21:37 GMT+7

TS: Báo Thanh Niên số ra ngày 24/10 đăng bài hưởng ứng Cuộc thi Viết về thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: "Chuyện buồn của một ông tiến sĩ" phản ánh trường hợp của PGS Trần Đức Chính - công tác tại Trường ĐH Xây dựng (ĐHXD), sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học ở nước ngoài về không được nhà trường sử dụng đúng kiến thức chuyên môn.

Sau khi báo ra, ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng đã có công văn gửi Báo Thanh Niên và một số cơ quan chức năng cho rằng bài báo viết sai sự thật. Theo đề nghị của nhà trường, Thanh Niên đã có buổi làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu trường, khoa Xây dựng và bộ môn Sức bền vật liệu - nơi ông Chính có nguyện vọng xin về làm việc. Để rộng đường dư luận, Báo Thanh Niên xin đăng công văn nói trên và sẽ làm rõ các vấn đề liên quan.

Ông Chính không đủ điều kiện làm thầy giáo? 

Lãnh đạo nhà trường và bộ môn cho biết: lý do mà bộ môn không nhận ông Chính về giảng dạy vì "so theo tiêu chuẩn của giáo viên, ông không đủ điều kiện để làm thầy giáo giảng dạy bộ môn Sức bền vật liệu". Để chứng minh "phẩm chất đạo đức" của ông Chính có vấn đề, ông Hùng - hiệu trưởng đọc những chi tiết như: ông Chính có lần nhắc bài cho sinh viên đang thi, hay có những lời nói coi thường luận án, bài báo khoa học của đồng nghiệp. Ông xin tiền tài trợ để đi dự Hội nghị cơ học thế giới nhưng sau lại không đi, ông khoe với đồng nghiệp về phát kiến khoa học của mình nhưng không thấy kết quả, ông gửi hồ sơ đến Bộ GD-ĐT xin đi thực tập 3 năm nhưng nói dối với bộ môn là 1 năm! Những "giai thoại" ấy nói lên sự "mất tư cách giảng dạy" của nhà giáo Trần Đức Chính, xin để bạn đọc đánh giá, chúng tôi không bình luận.

Về trình độ năng lực chuyên môn của PGS Chính, những người có trách nhiệm của Ban giám hiệu và bộ môn ra sức tìm cách hạ thấp tấm bằng tiến sĩ khoa học (TSKH) mà ông Chính giành được ở Ucraina. Tự thừa nhận là không biết gì về nội dung luận án TSKH trên, song họ lại đưa ra yêu cầu... ngược đời: đòi PV Thanh Niên cung cấp các thông tin chứng minh giá trị công trình khoa học của ông Chính trong khi chính nhà trường mới có trách nhiệm quản lý hồ sơ cán bộ (!?). Ông Nguyễn Ngọc Hồng, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, nguyên Trưởng bộ môn Sức bền vật liệu và một số người có mặt tại cuộc họp đã bộc lộ một sự nghi ngờ rằng: "Nếu luận án của ông Chính xuất sắc như bài báo viết thì phúc cho đất nước, nhưng không biết là nhà báo có hiểu về cách thức Hội đồng bảo vệ nước ngoài hoạt động không",  rằng "nếu không chắc chắn thì lẽ ra nhà báo chưa vội nên đưa thông tin này lên mặt báo"...! 

Thì đây, chúng tôi xin trích đăng nhận xét của ông Chibiriakop - Chủ tọa phiên họp, Phó chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án TSKH tại biên bản buổi bảo vệ của ông Chính ngày 4/6/2004 (dịch từ tiếng Ucraina) như sau: "...Tác giả đã nâng hiện trạng của hướng nghiên cứu này lên một tầm cao mới, cao hơn trước nhiều. Tôi đồng ý với các ý kiến của các phản biện và ý kiến của các nhận xét gửi về hội đồng nhất trí đánh giá xuất sắc luận án và tác giả xứng đáng được hưởng học vị tiến sĩ khoa học kỹ thuật". Phó chủ tịch hội đồng, ông Dekhatiryuk nhận xét: "Có thể kết luận rằng Trần Đức Chính là một nhà khoa học tài năng có nhiều triển vọng lớn. Tôi đồng ý với tất cả ý kiến của các vị trong hội đồng đánh giá cao về luận án ở mức xuất sắc và đánh giá cao về bản thân tác giả". Qua bỏ phiếu kín, kết luận này nhận được 19/19 phiếu đồng ý của các thành viên hội đồng. Bài báo chỉ có sai sót là ghi 20/20 phiếu.

Đáng nói hơn, những "tội lỗi" mà người ta trút lên đầu ông Chính lại mâu thuẫn với chính những nhận xét trước đó của họ. Năm 1999, khi đồng ý cho ông đi thực tập sinh, bộ môn đã nhận xét về ông như sau: có lập trường tư tưởng vững vàng, có tư cách đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao và vững vàng, chấp hành mọi quy định, nội quy của nhà trường; quy định của tập thể, chủ trương chính sách của Nhà nước. Khi nhận xét cán bộ hằng năm tại lý lịch của ông, bộ môn cũng đánh giá: ông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chịu khó, có khả năng nghiên cứu khoa học.

Không những thế, công việc của ông hiện tại lại càng mâu thuẫn với những lời tố cáo của lãnh đạo bộ môn về ông. Nếu nhà trường đánh giá ông không đủ tư cách làm thầy giáo, sao lại đủ tư cách làm Phó ban thường trực Ban Thanh tra đào tạo? Ở đây, chúng tôi ghi nhận thiện ý của Ban giám hiệu muốn sử dụng phần nào năng lực của ông Chính, nhưng đáng tiếc lãnh đạo nhà trường đã không có tiếng nói đủ mạnh để những người có trách nhiệm ở bộ môn thấy rõ sự cố chấp sai lầm của họ đối với ông Chính.

Bài báo viết sai sự thật ?

Tại công văn gửi Báo Thanh Niên cũng như cuộc gặp trên, một chi tiết trong bài báo mà theo họ là "sai sự thật" là: "Đúng hạn, vào cuối năm 2003 ông Chính đã hoàn thành luận án tiến sĩ". Theo họ, ông Chính đi thực tập quá thời hạn 8 tháng, Trường ĐH Xây dựng phải xin phép gia hạn. Nhưng theo công văn của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina nêu rõ: "Trong thời gian 3 năm, anh Chính đã rất cố gắng hoàn thành mọi công việc nghiên cứu do trường đề ra, đã hoàn thành luận án và thủ tục bảo vệ. Ngoài công việc chuyên môn, anh Chính còn tham gia tích cực vào quản lý đơn vị lưu học sinh Việt Nam tại Trường ĐH Xây dựng và Kiến trúc Kiev; chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của đại sứ quán, nước sở tại và của trường. Tuy nhiên để đến lượt mình được bảo vệ, bất kỳ nghiên cứu sinh nào cũng phải xếp hàng không dưới 6 tháng kể từ thời điểm nộp luận án và các tài liệu khác lên Hội đồng học hàm, học vị Ucraina...". Như vậy là đã rõ vì sao thời điểm đó ông trễ mất 8 tháng, nên quá thời hạn, nhưng dù lý do gì thì Bộ GD-ĐT, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản chấp thuận cho ông được ở lại 3 năm để làm nghiên cứu sinh, còn trễ hạn là lý do khách quan như công văn nói trên của Đại sứ quán Việt Nam  xác nhận.

Ông Nghiêm Quang Hà - Phó chủ nhiệm bộ môn cho rằng bài báo đã đưa sai ở chỗ hiện bộ môn có 19 người chứ không phải 13. Dù chi tiết này cũng không liên quan gì đến đánh giá về các phẩm chất của ông Chính, chúng tôi vẫn phải khẳng định số liệu của báo là chính xác cho đến thời điểm ông Chính trở lại Trường ĐH Xây dựng (tháng 1/2005), căn cứ theo danh sách cán bộ hưởng lương là 13. Mặt khác, khi chúng tôi hỏi: nếu đủ người thì tại sao sinh viên phải học ghép lớp thì ông Hà từ chối trả lời trong khi cả bộ môn chưa có ai là tiến sĩ khoa học như ông Chính.

Việc điều động nhân sự dĩ nhiên là thẩm quyền của lãnh đạo nhà trường và bộ môn, chúng tôi không tranh luận. Cũng như có nhiều TSKH khác, các giáo sư, phó giáo sư từ khoa học chuyển sang làm công tác quản lý song trường hợp cụ thể của ông Chính có phải là biểu hiện của sự lãng phí chất xám không, đề nghị lãnh đạo Trường ĐH Xây dựng nên cầu thị và lắng nghe ý kiến của công luận thay vì tìm kiếm lý do biện minh cho các quyết định không hợp lý và cũng thiếu hợp tình của mình trước đây. 

Thanh Niên

Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trường ĐH Xây dựng
Số: 571/2005/CV/ĐHXD

(V/v trả lời báo chí)                                         Hà Nội ngày 27 tháng 10 năm 2005

Kính gửi: Ông Tổng biên tập Báo Thanh Niên và Thanhnien Online

Chủ nhật, ngày 23.10.2005, Thanh niên Online và thứ hai, ngày 24.10.2005, Báo Thanh Niên có đăng bài Chuyện buồn của một ông tiến sĩ của tác giả Vũ Thơ viết về PGS.TSKH Trần Đức Chính hiện đang công tác tại Trường Đại học Xây dựng. Chúng tôi có ý kiến như sau:

1. Bài viết của tác giả Vũ Thơ chỉ khai thác thông tin một chiều từ PGS.TSKH Trần Đức Chính nên có cái nhìn thiên lệch, sai sự thật.

2. Ông Trần Đức Chính đi thực tập sinh quá thời hạn 6 tháng, Trường ĐHXD đã phải xin phép Bộ GD-ĐT cho phép gia hạn. Khi trở về nước, ông Trần Đức Chính không báo cáo kết quả nghiên cứu của mình ở nước ngoài với bộ môn, đơn vị trực tiếp quản lý và nhà trường.

3. Ông Trần Đức Chính đưa ra những thông tin về công trình nghiên cứu "Phát triển lý thuyết và ứng dụng của phương pháp phần tử biên để giải một lớp các bài toán cơ học môi trường lớp" và các kết quả đánh giá luận án Tiến sĩ 20/20 thành viên Hội đồng Bảo vệ luận án TSKH nhất trí xếp vào loại xuất sắc; công trình được quốc tế thừa nhận và được đăng tải ở nhiều tạp chí khoa học quốc tế..., được Thanh Niên và Thanhnien Online đăng tải ở các số báo trên, nhà trường cần phải tìm hiểu thêm.

4. Ông Trần Đức Chính đã từng là cán bộ giảng dạy ở bộ môn Sức bền vật liệu. Khi ông Chính trở về không được tập thể bộ môn đồng ý thì chính bản thân ông Chính cũng cần phải hỏi lại mình ?

5. Bài báo của tác giả Vũ Thơ viết trên cơ sở thiếu thông tin, nhận thông tin một chiều đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Trường Đại học Xây dựng nói riêng và ngành giáo dục và đào tạo và công tác giáo dục thanh niên, học sinh sinh viên nói chung. Hậu quả trực tiếp là ở một số diễn đàn cũng như trên Thanhniên Online ngày 26.10 độc giả đã có những bình luận không đúng như Trường ĐHXD đã lãng phí chất xám, trù dập cán bộ...

Trường Đại học Xây dựng đề nghị Báo Thanh Niên, Thanhnien Online có biện pháp xử lý, khắc phục ngay và làm việc trực tiếp với nhà trường để đưa đến cho bạn đọc những thông tin chính xác.

Xin gửi tới quý báo lời chào trân trọng !

Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng

TS Nguyễn Văn Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.